Đánh mất nhân cách, phẩm giá là đánh mất mình

Thứ Sáu, 02/10/2020 | 16:41

Thời gian gần đây, báo chí nêu nhiều vụ cán bộ, đảng viên từ nhỏ đến lớn, từ cấp thấp đến cấp cao vi phạm các nguyên tắc tổ chức, vi phạm pháp luật do tham ô, tham nhũng, luồng lách tìm kẽ hở của chính sách, pháp luật… để thu vén cho bản thân, gây hậu quả nghiêm trọng về kinh tế, làm mất niềm tin trong quần chúng nhân dân đối với Đảng, Nhà nước. Nhiều người đã bán rẻ nhân cách, phẩm giá của mình một cách ô nhục mà cả đời họ vun vén, “phấn đấu”…

Mới đây nhất, vào ngày 20/9/2020, cựu Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh - Nguyễn Thành Tài bị kết án 8 năm tù giam về tội “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản gây thất thoát, lãng phí”. Trước đó cũng trong tháng 9/2020, cựu Bộ trưởng Bộ Công thương - Vũ Huy Hoàng bị Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao truy tố về tội “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước, gây thất thoát, lãng phí…” mà theo Điều 219, Bộ luật Hình sự, mức án từ 10 - 20 năm tù. Trước đó không lâu, cựu Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông - Nguyễn Bắc Son đã thoát án tử xuống còn chung thân về tội nhận hối lộ với số tiền rất lớn trong vụ án MobiFone mua AVG…

Nêu lại những bản án dành cho những “bị cáo gạo cội” nói trên, không phải để liệt kê các vụ vi phạm pháp luật của những người lạm chức, lạm quyền (vì còn rất nhiều vụ) làm tổn hại đất nước, gây hậu quả nghiêm trọng về mọi mặt kinh tế, đời sống… Ở đây muốn nhấn đến sự băng hoại về nhân cách, đạo đức, phẩm giá con người - những con người đã bị mờ mắt vì vật chất, đồng tiền mà bán rẻ nhân cách của mình để rồi ngụp lặn trong vũng lầy… tù tội!

Con người ta, dù ở cương vị nào, lớn hay nhỏ đều có “chỗ đứng” riêng nhờ có nhân cách, phẩm giá. Nhân cách, phẩm giá là “linh hồn”, là “quyền năng” lan tỏa tầm ảnh hưởng để người ta sống, làm việc và… tồn tại. Nhân cách, phẩm giá là hai yếu tố làm nên giá trị con người. Hai yếu tố này luôn gắn kết với nhau, tương tác cho nhau - tuy hai mà một!

Phẩm giá là giá trị tinh thần cao quý riêng của con người, thể hiện qua thái độ, hành vi ứng xử của cá nhân trong các mối quan hệ gia đình, xã hội mang giá trị về mặt văn hóa, đạo đức trong lối sống của con người. Nhân cách là những đức tính tốt đẹp của con người phù hợp với chuẩn mực đạo đức xã hội. Đó là những đức tính về lòng yêu nước, tinh thần nhân đạo, truyền thống uống nước nhớ nguồn, tôn sự trọng đạo… được biểu hiện qua hành động, việc làm. Cũng như vậy, phẩm giá thể hiện qua thái độ và hành vi ứng xử của cá nhân trong các mối quan hệ gia đình, cộng đồng, xã hội…

Người có nhân cách, phẩm giá luôn làm chủ được suy nghĩ và hành động để không ảnh hưởng đến người xung quanh, sẵn sàng hy sinh lợi ích cá nhân, biết lắng nghe và luôn lắng nghe để hoàn thiện bản thân mình…

Xin được dừng lại và gạch dưới những cụm từ: Làm chủ được suy nghĩ; luôn lắng nghe; sẵn sàng hy sinh lợi ích cá nhân… để thử “rọi” vào các “cựu tù” nêu trên… Và… không có gì ngạc nhiên, vì hầu như những cụm từ này luôn mờ nhạt và tăm tối trong “lai lịch” họ!

Tuy nhiên cũng cần công bằng, vì thiếu nhân cách, phẩm giá không chỉ “gói” trong những “cựu tù”, nó còn được “mở rộng” ở những dạng người khác, với những hình thức đa dạng khác…

Có lẽ ít nhiều trong đời sống, ai cũng từng nghe những lời phàn nàn: “Ông ấy, cô ấy… lớn rồi nhưng… thiếu nhân cách”. Cái “thiếu” ở đây, tức là do lối sống, do ứng xử, hành vi… của họ không phù hợp, trong khi nhân cách, phẩm giá là những đức tính tốt đẹp của con người phù hợp với chuẩn mực đạo đức xã hội?!

Nhân cách, phẩm giá con người còn được biểu hiện qua rất nhiều hình thái: Ứng xử, lời ăn tiếng nói… “Lời nói không mất tiền mua…”. Bừa bãi trong phát ngôn, không biết lựa lời… đôi khi không “rút” lại được! Thế là nhân cách bị… “rơi rớt”. Một hành vi lố bịch - nhân cách, phẩm giá “đi chung đường”! Một lời nói dối, thái độ dối trá… phẩm giá “bay” theo!

Nhân cách, phẩm giá còn được đánh giá qua tư tưởng, thái độ, hành động… Có nhân cách - tư tưởng cởi mở, trong sáng; Thái độ: hòa hiếu; Hành động: dứt khoát, quyết liệt… và ngược lại.

Nhưng làm thế nào để có nhân cách, phẩm giá? Đó là một quá trình tự rèn luyện, học hỏi. Con người sinh ra “trong trắng” như nhau. Quá trình dạy dỗ, học hỏi, trang bị, rèn luyện, vun đắp… sẽ hình thành nhân cách. Yếu tố môi trường sống và học tập là vô cùng quan trọng: “gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”. Nếu môi trường là “ánh sáng” sẽ làm cho con người học hỏi, tiếp thu, kế thừa truyền thống đạo đức, lối sống cao đẹp… thì nhân cách, phẩm giá ấy cũng sẽ theo suốt cuộc đời họ…

Tuy nhiên, mỗi người có nhân cách, phẩm giá khác nhau, làm nên sự khác nhau về giá trị của bản thân. Trong xã hội có kẻ giàu, người nghèo nhưng giá trị con người không nằm ở chỗ sang - hèn mà ở thước đo nhân cách. Xã hội càng phát triển, hiện đại thì nhân cách, phẩm giá con người càng được tôn trọng.

Môi trường giáo dục tích cực, lành mạnh, trong sáng… là tiền đề cho một nhân cách, phẩm giá cao quý. Sẽ không có trẻ em yếu kém, không có trẻ em hư hỏng nếu chúng được nuôi dưỡng, giáo dục trong môi trường “trong sạch”, tích cực, lành mạnh…

Để có được nhân cách, phẩm giá, cần phải được học tập, rèn luyện, trang bị kiến thức. Kiến thức là “chìa khóa”, là ánh sáng soi đường để phân biệt tốt - xấu, đúng - sai, để biết tránh chướng ngại vật và để điều chỉnh bản thân mình.

Vâng, giá trị con người là sự kết tinh của nhân cách và phẩm giá - cho dù giá trị đó mang yếu tố tinh thần. Nhưng đó chính là “nội lực” để khẳng định vị trí và niềm tin riêng có trong mỗi cuộc đời.

Đánh mất nhân cách, phẩm giá là đánh mất mình.

N.N.K

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.