Đồng chí Sáu Dân - Võ Văn Kiệt với Bạc Liêu và miền Tây Nam bộ

Thứ Tư, 21/11/2012 | 20:45

LTS: Kỷ niệm 90 năm Ngày sinh Thủ tướng Võ Văn Kiệt (23/11/1922 - 23/11/2012), nhiều tỉnh, thành trong cả nước tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa như Hội thảo khoa học với chủ đề: “Đồng chí Võ Văn Kiệt với cách mạng Việt Nam và quê hương Vĩnh Long”; tổng kết, trao giải cuộc thi tìm hiểu “Thân thế, sự nghiệp cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt”; khánh thành khu tưởng niệm đồng chí Võ Văn Kiệt tại huyện Vũng Liêm… Dịp này, báo Bạc Liêu trân trọng đăng bài viết của đồng chí Võ Văn Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh với nhan đề “Đồng chí Sáu Dân - Võ Văn Kiệt với Bạc Liêu và Tây Nam bộ”.

Ngày 23/11/2012, kỷ niệm 72 năm ngày Nam kỳ khởi nghĩa, cũng là kỷ niệm 90 năm Ngày sinh cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Có một sự trùng hợp ngẫu nhiên, ngay trong sinh nhật lần thứ 18 của mình, ngày 23/11/1940 - ngày Nam kỳ khởi nghĩa, chàng thanh niên Phan Văn Hòa, tức đồng chí Võ Văn Kiệt sau này, đã chỉ huy hàng trăm người đánh chiếm đồn Bắc Nước Xoáy, Vĩnh Long, góp phần trực tiếp vào khởi nghĩa thắng lợi tại quê hương.

Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Ảnh: T.L

Lớn lên trong một gia đình nông dân nghèo, đồng chí Võ Văn Kiệt đã sớm giác ngộ cách mạng; năm 16 tuổi tham gia hoạt động trong Hội Ái hữu; năm 17 tuổi được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương; năm 18 tuổi được cử làm Bí thư làng Trung Lương (nay là xã Trung Hiệp), đồng thời là Quận ủy viên quận Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long. Đêm 23/11/1940, đồng chí đã chỉ huy hàng trăm người đánh chiếm đồn Bắc Nước Xoáy (bờ sông Mang Thít), cắt đứt đường giao thông của địch từ Vĩnh Long xuống Vũng Liêm, Trà Vinh, tạo điều kiện cho lực lượng khởi nghĩa đánh chiếm quận lỵ Vũng Liêm. Hình ảnh đồng chí Võ Văn Kiệt chỉ huy lực lượng đánh chiếm đồn giặc Bắc Nước Xoáy khiến chúng ta liên tưởng đến một Trần Quốc Toản đời Nhà Trần với khí phách chống quân Nguyên. Thiết nghĩ, nếu các nhà làm sử, các nhà văn khai thác đầy đủ sự kiện này, phản ánh qua lăng kính văn học, sử học, sẽ có tác dụng rất lớn trong giáo dục truyền thống cho thanh niên.

Sau Nam kỳ khởi nghĩa, đồng chí được điều động xuống Rạch Giá để bổ sung vào Tỉnh ủy Rạch Giá, rồi được bổ sung vào Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Bí thư Tỉnh ủy. Chuyện kể rằng: Năm 1949, khi Trung ương định điều động đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Rạch Giá nhận công tác khác, giao nhiệm vụ Bí thư Tỉnh ủy cho đồng chí Võ Văn Kiệt thì đồng chí Võ Văn Kiệt của chúng ta đã khóc trước Ban Thường vụ Tỉnh ủy và chấp nhận kỷ luật chứ không nhận chức Bí thư Tỉnh ủy Rạch Giá, vì cho rằng đức, tài mình chưa bằng đồng chí Bí thư Tỉnh ủy hiện tại. Sự việc này xảy ra cách đây hơn 60 năm nhưng vẫn còn tươi nguyên giá trị về phẩm chất và nhân cách cao đẹp của một đảng viên cộng sản chân chính. Không tham vọng quyền lực, đó là điều không phải ai cũng làm được, nhưng đồng chí Võ Văn Kiệt của chúng ta đã làm được và làm từ rất lâu rồi. Bài học này cần phải được kể lại cho nhiều người biết, nhất là những cán bộ, đảng viên trẻ tuổi, để hiểu sâu thêm về đồng chí Võ Văn Kiệt của chúng ta.

Đồng chí Võ Văn Dũng chào đón nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt về thăm và làm việc với tỉnh Bạc Liêu năm 2008. Ảnh: L.T.Liêm

Chuyện “xé rào” từ trong kháng chiến ở Bạc Liêu (*)

Do yêu cầu công tác, cuối năm 1949, đồng chí Võ Văn Kiệt được Xứ ủy Nam bộ điều động sang công tác tại tỉnh Bạc Liêu, giữ cương vị Phó Bí thư Tỉnh ủy. Thời điểm này, Trung ương có chủ trương “Bao vây phong tỏa kinh tế địch” với nội dung cắt đứt giao lưu kinh tế giữa vùng giải phóng và vùng địch tạm chiếm.

Lúc bấy giờ, nông dân vùng giải phóng tỉnh Bạc Liêu vừa được chính quyền cách mạng thực hiện giảm tô, giảm tức, tạm giao đất sản xuất, nông sản, thực phẩm vùng giải phóng rất dồi dào. Song, với chủ trương “Bao vây phong tỏa kinh tế địch”, nông dân vùng giải phóng không được đưa nông sản, thực phẩm ra vùng tạm chiếm tiêu thụ; và ngược lại, hàng công nghệ phẩm, nhu yếu phẩm từ vùng địch tạm chiếm không được đưa vào vùng nông thôn. Hậu quả là nông sản, thực phẩm ở vùng giải phóng ứ đọng, trong khi lại khan hiếm nghiêm trọng hàng công nghệ phẩm, nhu yếu phẩm. Một bộ phận nông dân bỏ ruộng đi buôn, sản xuất nông nghiệp sụt giảm, ngân sách thu không đủ chi, cơ quan, bộ đội phải ăn độn cơm với khoai…

Các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là nông dân không đồng tình với cách bao vây phong tỏa kinh tế địch như thế. Lúc bấy giờ đã nảy sinh tình trạng “nhảy dù”. Hàng chục, rồi hàng trăm nông dân tập hợp lại thành đoàn, vượt qua các trạm kiểm soát của ta, chở lúa gạo ra vùng địch tạm chiếm để bán và mua về các hàng hóa cần thiết như vải mặc, xăng, dầu, thuốc chữa bệnh… Chính quyền địa phương đưa công an, du kích ra ngăn chặn, cũng không ngăn chặn được.

Qua khảo sát tình hình các huyện, đặc biệt ở huyện Giá Rai là nơi có nhiều lúa gạo. Sau khi cân nhắc lợi, hại, đồng chí Võ Văn Kiệt đề xuất với đồng chí Trần Văn Sớm (Bí thư Tỉnh ủy) cùng tập thể Ban Thường vụ Tỉnh ủy quyết định cho huyện Giá Rai được thí điểm tổ chức giao lưu kinh tế giữa hai vùng. Chủ trương nói trên coi như “xé rào”, đi ngược lại với Trung ương. Tuy nhiên, nông dân và đồng bào huyện Giá Rai lại rất phấn khởi. Sản xuất nông nghiệp được khôi phục và phát triển; ngân sách huyện tăng lên nhiều lần. Với kết quả này, Tỉnh ủy và Ủy ban Kháng chiến Hành chính tỉnh Bạc Liêu báo cáo lên Xứ ủy và Ủy ban Kháng chiến Hành chính Nam bộ, xin cho phép Bạc Liêu được triển khai chủ trương giao lưu kinh tế giữa hai vùng.

Năm 1952, với tình hình thực tế diễn ra ở Bạc Liêu, Trung ương đã điều chỉnh chủ trương chỉ đạo. Ủy ban Kháng chiến Hành chính Nam bộ triển khai chính sách kinh tế mới với 3 nội dung chính: Vận động phát triển sản xuất, bồi dưỡng sức dân; tiến hành thu thuế nông nghiệp theo lũy tiến; mở lại giao lưu kinh tế, cho phép nhân dân vùng giải phóng đi mua bán với nhân dân vùng địch tạm chiếm và thu thuế nhập thị bằng tiền Đông Dương ngân hàng. Theo đó, đời sống các tầng lớp đồng bào vùng giải phóng được cải thiện rõ rệt. Nhân dân các tỉnh miền Tây Nam bộ nhiệt liệt hoan nghênh chính sách kinh tế mới của Đảng và Chính phủ.

Sự việc này diễn ra cách đây đã 60 năm, nay nhắc lại, càng thấy đồng chí Võ Văn Kiệt của chúng ta là người luôn đi sát thực tế, xuất phát từ thực tiễn, hành động theo quy luật khách quan, sớm có tư duy kinh tế đúng đắn, sáng tạo ngay từ trong chiến tranh, trong kháng chiến chống Pháp.

Với quá trình công tác và thành tích nói trên, tuy không phải là người sinh trưởng ở Bạc Liêu, nhưng đồng chí Võ Văn Kiệt đã được Đảng bộ tỉnh Bạc Liêu tín nhiệm bầu làm đại biểu chính thức duy nhất đi dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng ở Việt Bắc. Sau Đại hội và sau thời gian được gặp Bác Hồ, được đào tạo, bồi dưỡng tại miền Bắc, đồng chí trở lại Bạc Liêu công tác. Tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bạc Liêu lần thứ III (năm 1953), đồng chí tiếp tục được bầu làm Phó Bí thư Tỉnh ủy, kiêm Trưởng Ban Tuyên huấn và Chính trị viên Tỉnh đội. (Đồng chí Ung Văn Khiêm, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Trung ương cục miền Nam được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy kiêm Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Hành chính tỉnh).

Căn cứ tinh thần Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II và Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ III, đồng chí Võ Văn Kiệt đã cùng tập thể Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo công tác chỉnh huấn, chỉnh quân, gắn liền với chủ trương tiếp tục thực hiện giảm tô, giảm tức và tạm cấp đất cho nông dân, nông dân rất đồng tình và phấn khởi với chủ trương này. Đồng chí Võ Văn Kiệt và đồng chí Ung Văn Khiêm theo dõi chỉ đạo sát sao công tác tạm cấp đất cho nông dân, luôn nhắc nhở cán bộ, đảng viên trong tỉnh phải nghiêm chỉnh chấp hành chủ trương của Trung ương cục miền Nam trong cải cách ruộng đất. Chủ trương đó là: “Triệt để giảm tô, giảm tức; thận trọng trong việc tạm cấp đất. Đối với đất địa chủ Việt gian phản động thì kiên quyết tịch thu; đối với địa chủ thường (không phản động) thì vận động hiến điền; đối với địa chủ là đảng viên thì thực hiện gương mẫu”. Đồng chí Võ Văn Kiệt và đồng chí Ung Văn Khiêm luôn hành động nhằm giữ vững khối đại đoàn kết dân tộc nhằm đưa cuộc kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn. Đồng chí Võ Văn Kiệt và đồng chí Ung Văn Khiêm đã kịp thời uốn nắn một số lệch lạc tả khuynh ở một số nơi trong tỉnh, muốn đưa địa chủ ra đấu tố như ở miền Bắc. Mục tiêu “Ruộng đất về tay dân cày” cơ bản đã hoàn thành ở Bạc Liêu vào cuối năm 1954, và khối đại đoàn kết dân tộc luôn được giữ vững.

Tháng 9 năm 1953, Bộ Chính trị quyết định phát động Chiến dịch Đông Xuân 1953 - 1954; Quân ủy Trung ương hạ quyết tâm tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Phối hợp với chiến trường Điện Biên Phủ, Bộ Tư lệnh Phân liên khu miền Tây quyết định tiêu diệt Chi khu Thứ 3, huyện An Biên, tỉnh Bạc Liêu. Đồng chí Võ Văn Kiệt được Tỉnh ủy chỉ định tham gia Ban chỉ huy Mặt trận. Đồng chí và Ban chỉ huy Tỉnh đội Bạc Liêu điều động lực lượng vũ trang của tỉnh phối hợp với Tiểu đoàn 307 của Phân liên khu hoàn thành nhiệm vụ tiêu diệt Chi khu Thứ 3, bắt sống tên Quận trưởng, giải phóng hoàn toàn huyện An Biên. Trong kháng chiến chống Pháp, tỉnh Bạc Liêu có 2 huyện được hoàn toàn giải phóng: Huyện Phước Long (sau này đổi tên là huyện Hồng Dân, nơi đồng chí Võ Văn Kiệt làm Bí thư Huyện ủy, thay đồng chí Trần Hồng Dân hy sinh), được giải phóng năm 1948; huyện An Biên được giải phóng tháng 3/1954.

Ngày 7/5/1954, quân ta tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Ngày 20/7/1954, Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết. Theo Hiệp định, ở Nam bộ có 3 khu vực tập kết để đưa quân ra Bắc: Hàm Tân - Xuyên Mộc (tỉnh Vũng Tàu), 80 ngày; Cao Lãnh - Đồng Tháp, 100 ngày; Giá Rai - Cà Mau (tỉnh Bạc Liêu), 200 ngày. Thực hiện sự chuyển hướng chỉ đạo chiến lược, ngày 26/4/1954, đồng chí Võ Văn Kiệt được chỉ định làm Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu thay cho đồng chí Ung Văn Khiêm được điều động về trên. Trung ương cục chỉ thị cho Tỉnh ủy và Ủy ban Kháng chiến Hành chính tỉnh Bạc Liêu xây dựng khu tập kết 200 ngày thành hình mẫu ưu việt của chế độ mới. Tỉnh ủy Bạc Liêu - đứng đầu là đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Võ Văn Kiệt, ý thức rõ vấn đề này, nên đã giao nhiệm vụ cho cán bộ, chiến sĩ các lực lượng vũ trang sửa chữa, xây dựng nhà cửa cho các hộ dân nghèo ở thị trấn, vùng ta mới quản lý; lực lượng thanh niên, dân quân sửa sang lại các chợ, cất thêm trường học, trạm y tế, nhà bảo sanh và tổ chức hoạt động văn hóa, văn nghệ rầm rộ ở các nơi, thu hút nhiều nhân sĩ, trí thức, trong đó có cả gia đình và thân nhân của binh lính, sĩ quan ngụy quyền từ Sài Gòn, Cần Thơ, tỉnh lỵ Bạc Liêu tới tham dự. Bộ mặt kinh tế, văn hóa, xã hội vùng 200 ngày tập kết hơn hẳn các vùng địch tạm chiếm.

Được chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Lê Duẩn, Tỉnh ủy Bạc Liêu tiếp tục thực hiện hai nhiệm vụ lớn: Tiếp tục cấp đất cho nông dân ở các vùng ta vừa quản lý, nâng tổng số đất tạm cấp cho nông dân trong tỉnh là 128.000ha (trong đó, địa chủ khai minh hiến 8.484ha). Về cơ bản, Bạc Liêu hoàn thành cải cách ruộng đất năm 1954. Bên cạnh đó, đồng chí Võ Văn Kiệt đã bố trí hơn 400 cán bộ quân sự Bạc Liêu rút vào bí mật ở lại tỉnh nhà và chôn trên 4.000 khẩu súng các loại, đề phòng nếu địch phản bội việc thi hành Hiệp định Giơ-ne-vơ thì ta có lực lượng và vũ khí để đối phó. Và trong thực tế, nhận định này của đồng chí Võ Văn Kiệt là đúng sự thật. Sự kiện này chứng tỏ đồng chí Võ Văn Kiệt là một người có tầm nhìn xa, thấy rộng cả về kinh tế, chính trị và quân sự.

Tháng 10/1954, Bộ Chính trị chủ trương giải thể Trung ương cục miền Nam, thành lập Xứ ủy Nam bộ. Đồng chí Lê Duẩn được chỉ định làm Bí thư Xứ ủy; đồng chí Võ Văn Kiệt làm Xứ ủy viên dự khuyết. Xứ ủy Nam bộ chia Nam bộ thành 3 liên Tỉnh ủy: Liên Tỉnh ủy miền Đông; Liên Tỉnh ủy miền Trung; Liên Tỉnh ủy miền Tây, gồm 7 tỉnh: Trà Vinh, Vĩnh Long, Cần Thơ, Sóc Trăng, Rạch Giá, Bạc Liêu, Long Châu Hà (lúc này chưa có tỉnh Cà Mau, phần diện tích Cà Mau hiện nay nằm trong tỉnh Bạc Liêu). Đồng chí Võ Văn Kiệt được chỉ định làm Phó Bí thư Liên Tỉnh ủy miền Tây.

Năm 2006, sau khi nghỉ hưu, trong chuyến về Bạc Liêu đồng chí Võ Văn Kiệt đã đến thăm trại nuôi tôm của đồng chí Nguyễn Văn Út (Út Đen - nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu) tại ấp Nhà Mát, xã Hiệp Thành, TP. Bạc Liêu. Ảnh: P.T.Cường

Tham mưu cho Đảng nhiều vấn đề hệ trọng (*)

Ngày 8/2/1955, trong chuyến tàu tập kết cuối cùng nơi cửa Sông Đốc, đồng chí Lê Duẩn xuống tàu, từ giã đồng bào miền Nam để ra Bắc. Nhưng cũng ngay trong đêm ấy, theo sự chỉ đạo của Bộ Chính trị, đồng chí Lê Duẩn đã bí mật xuống thuyền trở vào đất liền, địch không hề hay biết, được đồng chí Võ Văn Kiệt trực tiếp ra đón ở một địa điểm bí mật tại rừng đước Năm Căn, Cà Mau.

Những năm 1955, 1956, 1957, chính quyền Ngô Đình Diệm liên tục phá hoại Hiệp định Giơ-ne-vơ, từ chối hội nghị hiệp thương tổng tuyển cử thống nhất nước nhà, đàn áp các giáo phái thân Pháp, khủng bố những người kháng chiến cũ, tiến hành tố cộng, diệt cộng khắp miền Nam, đặt cộng sản ra ngoài vòng pháp luật. Một bộ phận cán bộ, đảng viên và thanh niên ở Bạc Liêu, Cà Mau và nhiều nơi phải chạy vào rừng, lập “làng rừng”, tổ chức vũ trang chống Mỹ, Diệm.

Trong suốt thời gian này, đồng chí Võ Văn Kiệt thường xuyên ở bên cạnh đồng chí Lê Duẩn, kịp thời phản ánh tình hình địch, ta trên chiến trường miền Tây, xin ý kiến chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Lê Duẩn, có điều kiện tham mưu, đề xuất nhiều vấn đề về cách mạng miền Nam với đồng chí Lê Duẩn.

Đứng trước thực trạng ở miền Tây và các miền khác ở Nam bộ, năm 1956, đồng chí Lê Duẩn bắt đầu khởi thảo Đề cương cách mạng miền Nam và đồng chí đã hoàn thành văn bản quan trọng này tại Sài Gòn năm 1957. Đề cương cách mạng miền Nam là cơ sở để ra đời Nghị quyết 15, làm nên cuộc Đồng Khởi 1960 nổi tiếng.

Do yêu cầu công tác, cuối năm 1959, đồng chí Võ Văn Kiệt được Xứ ủy Nam bộ điều động lên làm Phó Bí thư rồi Bí thư Khu ủy Sài Gòn - Gia Định; sau đó là Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Trung ương Cục miền Nam, Bí thư Khu ủy Sài Gòn - Gia Định.

Sau đợt Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân Mậu Thân 1968, lực lượng ta ở các tỉnh miền Tây Nam bộ bị tổn thất nặng, gặp muôn vàn khó khăn, bị động trước âm mưu “Bình định cấp tốc” của Mỹ ngụy. Cuối năm 1968, ở Tây Nam bộ có 250 xã, trong đó, tại 50 xã, đảng viên phải ly hương; tại 40 xã, chỉ còn 1 hoặc 2 đảng viên, không có chi bộ; 2/3 số ấp không có ấp đội, số lượng du kích chỉ còn ½ so với trước đây; các trung đoàn chủ lực khu, các tiểu đoàn địa phương quân tỉnh, các đại đội địa phương quân ở các huyện đều bị thiệt hại nặng; tình hình cách mạng tạm thời bị đen tối. Trước tình hình đó, Trung ương Cục phải chi viện cho Tây Nam bộ 3 trung đoàn chủ lực; đồng thời cử Đại tá Lê Đức Anh làm Tư lệnh Quân khu. Trung ương nhìn thấy những khó khăn của khu Tây Nam bộ, nên tháng 11/1971 đã điều động đồng chí Võ Văn Kiệt về làm Bí thư Khu ủy khu Tây Nam bộ.

Là một người luôn năng động đi sát thực tiễn, sát chiến trường, dám quyết đoán, có uy tín cao trong nhân dân và lực lượng vũ trang, đồng chí Võ Văn Kiệt đã dành nhiều thời gian đi nghiên cứu, nắm bắt tình hình, đi vào dân, gặp gỡ các đơn vị vũ trang để vừa nắm tình hình, vừa động viên, củng cố tư tưởng cán bộ, chiến sĩ, đã cùng tập thể Khu ủy khu Tây Nam bộ đánh giá tương quan lực lượng địch - ta mạnh, yếu thế nào, tìm ra ưu, khuyết điểm, bài học kinh nghiệm từ sau Tết Mậu Thân 1968 đến thời điểm đó, trên cơ sở đó tạo được sự đồng tình, đoàn kết, nhất trí trong Khu ủy, đề ra chủ trương mới chống địch bình định nông thôn với khẩu hiệu “Tất cả cho cơ sở, tất cả để đánh địch, giành dân, giành quyền làm chủ ở xã, ấp”; tiến công địch bằng 3 mũi giáp công; tình thế cách mạng chuyển lên, tình hình cách mạng sáng sủa, từng mảng ấp chiến lược của địch tan rã, địch co lại rõ rệt, cán bộ, chiến sĩ, nhân dân vô cùng phấn khởi. Khu ủy và Bộ Tư lệnh Quân khu Tây Nam bộ quyết định mở chiến dịch tổng hợp, chọn U Minh - Chương Thiện làm trọng điểm I; Trà Vinh làm trọng điểm II. Qua 6 cao điểm, từ tháng 4 - 8/1972, khu Tây Nam bộ đã loại khỏi vòng chiến đấu 26.000 tên địch, giải phóng trên 19 xã với hơn 400.000 dân, khí thế của cán bộ, quân và dân tăng lên rõ rệt.

Ngày 27/1/1973, Hiệp định Pa-ri được ký kết và có hiệu lực từ ngày 28/1/1973. Qua việc nắm chắc diễn biến tình hình, đồng chí Võ Văn Kiệt biết được chiến tranh vẫn tiếp tục diễn ra ác liệt ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Ngày 30/1/1973, đồng chí đã triệu tập Ban Thường vụ Khu ủy họp bất thường, nhất trí đánh giá: “Hiệp định Pa-ri được ký kết là thắng lợi lớn, nhưng ta không mơ hồ ảo tưởng, phải nắm vững tư tưởng chiến lược tiến công bằng sức mạnh quân sự, chính trị, binh vận, pháp lý đánh địch bình định lấn chiếm, làm tan rã thật nhiều sinh lực địch, đưa phong trào cách mạng tiến lên mạnh mẽ hơn”. Khu ủy, Quân khu ủy chỉ thị cho các trung đoàn chủ lực, lực lượng vũ trang của toàn Quân khu đứng chân tại chiến trường đánh địch lấn chiếm. Giữa lúc này, Nghị quyết của Bộ Chính trị về thi hành Hiệp định Pa-ri lại nhấn mạnh quan điểm: Hòa hợp, hòa giải dân tộc; lấy phương châm đấu tranh chính trị làm chủ yếu, đấu tranh quân sự là “hỗ trợ”; đưa lực lượng vũ trang về hậu phương “gò cương, vỗ béo”. Hội nghị binh vận toàn miền đề ra 5 cấm chỉ: “cấm tấn công địch; cấm đánh địch đi càn quét lấn chiếm; cấm bắn pháo vào đồn địch; cấm bao vây đồn bót địch; cấm xây dựng ấp, xã chiến đấu”. Đồng chí Võ Văn Kiệt và Ban Thường vụ Khu ủy Tây Nam bộ nhận định: Tình hình thực hiện Hiệp định Pa-ri trên thực tế đã diễn biến phức tạp, địch đã cố tình vi phạm, do đó đã mạnh dạn chỉ đạo binh vận khu chậm phổ biến chủ trương trên.

Tháng 3/1973, lợi dụng tình hình ta thực hiện nghiêm Hiệp định, Nguyễn Văn Thiệu tập trung 75 lượt tiểu đoàn tấn công vào Chương Thiện nhằm thu hẹp vùng giải phóng, chiếm lĩnh vùng yết hầu của Tây Nam bộ để khống chế toàn miền. Với bản lĩnh, tầm nhìn, sự quyết đoán và dám chịu trách nhiệm, đồng chí Võ Văn Kiệt và Ban Thường vụ Khu ủy đã chỉ đạo lực lượng vũ trang của Quân khu chủ động đánh địch, làm thất bại hoàn toàn ý đồ của địch, giữ vững vùng giải phóng Chương Thiện. Lúc này có dư luận “Khu Tây Nam bộ xé Hiệp định Pa-ri”. Bộ Tư lệnh Miền phê bình Bộ Tư lệnh Quân khu Tây Nam bộ không thi hành chủ trương của Trung ương Cục. Bộ Tư lệnh Miền điện khẩn cho đồng chí Tư lệnh Quân khu Tây Nam bộ ra lệnh phải rút các trung đoàn chủ lực khu về phía sau rèn luyện. Bộ Tư lệnh Quân khu yêu cầu Bộ Tư lệnh Miền cho phép Quân khu thi hành theo chỉ thị của Khu ủy. Đồng chí Võ Văn Kiệt điện cho Trung ương Cục và Bộ Chính trị xin được giữ vững chủ trương đánh địch bình định, bức điện nói rõ: “Nếu không đánh địch bình định lấn chiếm, mất đất, mất dân là mất tất cả”. Qua phản ánh tình hình của khu Tây Nam bộ và các khu khác, đồng chí Lê Duẩn nhận thấy Nghị quyết của Bộ Chính trị phổ biến vào Nam có điều gì đó chưa ổn; đồng chí đề nghị Bộ Chính trị triệu tập các Bí thư Khu ủy, đại diện Trung ương Cục và Quân ủy miền Nam ra Hà Nội họp.

Qua nghe báo cáo của các khu, báo cáo của đại diện Trung ương Cục, đại diện Quân ủy Miền, Bộ Chính trị có phiên họp kín, quyết định điều chỉnh lại chủ trương cho sát hợp với tình hình chiến trường lúc này. Ngay sau đó, Bộ Chính trị triệu tập hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 21, ra Nghị quyết (gọi tắt là Nghị quyết 21) nêu rõ: “Con đường cách mạng miền Nam là con đường bạo lực cách mạng, bất kể trong tình huống nào ta cũng phải nắm vững thời cơ, giữ vững đường lối tiến công. Phải xóa bỏ chính quyền tay sai của Mỹ, xóa bỏ chế độ thực dân mới, thực hiện một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, dân chủ, trung lập, phồn vinh, tiến tới thống nhất đất nước”.

Về sự kiện này, Thượng tướng Trần Văn Trà, trong hồi ký của mình, đã nói: “Nếu như từ năm 1973, chúng ta tin rằng bằng cách này hay cách khác, Hiệp định Pa-ri sẽ được thi hành giống như chúng ta đã tin hai năm sẽ có Tổng tuyển cử hồi Hiệp định Giơ-ne-vơ… thì tình hình đã không như bây giờ”.

Nhìn lại tình hình cách mạng miền Nam, cả trong kháng Pháp và đánh Mỹ, nhất là những diễn biến của chiến trường Tây Nam bộ sau Tết Mậu Thân 1968 và sau Hiệp định Pa-ri, ta càng cảm nhận sâu sắc hơn tài năng của một con người đã bộc lộ từ rất sớm, cả về chính trị, quân sự và kinh tế. Với bản lĩnh của mình, đồng chí Võ Văn Kiệt đã tham mưu cho Đảng nhiều vấn đề hệ trọng và quý giá, riêng trên chiến trường Tây Nam bộ sau Hiệp định Pa-ri, đã giúp Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương Đảng có chủ trương, sách lược và phương châm đúng đắn, thúc đẩy nhanh những diễn biến của cục diện chiến trường, sớm đi đến đại thắng mùa Xuân 1975 lịch sử.

Nghĩa tình, chung thủy với nhân dân

Đồng chí Võ Văn Kiệt kính mến của chúng ta đã kinh qua nhiều chức vụ công tác ở nhiều địa bàn khác nhau: Bí thư Chi bộ Đảng Cộng sản làng Trung Lương, quận Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long; Phó Bí thư Tỉnh ủy Rạch Giá; Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu; Phó Bí thư Liên tỉnh ủy miền Tây; Bí thư Khu ủy khu Sài Gòn - Gia Định; Bí thư Khu ủy khu Tây Nam bộ; Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh; Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước; Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Bộ trưởng; Thủ tướng Chính phủ (1991 - 1997); Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng (1997 - 2001). Ở cương vị nào, đồng chí Võ Văn Kiệt cũng để lại những dấu ấn sâu sắc, thể hiện đậm nét là một con người “Dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, vì lợi ích chung”. Một con người rất thực tế, am hiểu thực tế, xuất phát từ thực tiễn; năng động, biết vận dụng sáng tạo đường lối, chủ trương vào thực tiễn cách mạng, không giáo điều. Một con người đầy bản lĩnh, dám quyết đoán. Một con người hết sức nghĩa tình, thủy chung với nhân dân, đồng chí, bạn bè; giàu lòng thương dân.

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, kinh tế đất nước gặp nhiều khó khăn, trên cương vị Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh, đồng chí Võ Văn Kiệt đã có nhiều đề xuất tháo gỡ khó khăn cho TP. Hồ Chí Minh; chủ trương mua nông sản thực phẩm của nông dân các tỉnh miền Tây với giá thỏa thuận, đưa hàng công nghệ phẩm, nhu yếu phẩm từ TP. Hồ Chí Minh về trao đổi hai chiều với nông dân miền Tây, là những suy nghĩ và việc làm đúng đắn, nền tảng của tư duy kinh tế hôm nay.

Khi được điều động về Trung ương, trên cương vị là Thủ tướng Chính phủ, trong vô vàn mối lo chung cho quốc kế dân sinh, đối với ĐBSCL, đồng chí Võ Văn Kiệt đã chỉ đạo xây dựng thành công Khu khí điện đạm Cà Mau và nhiều cơ sở công nghiệp khác ở Tây Nam bộ; chỉ đạo thành công việc trồng lúa nước ở Đồng Tháp Mười, khai thác Tứ giác Long Xuyên và đặc biệt là Chương trình ngọt hóa bán đảo Cà Mau, đưa ĐBSCL trở thành vùng trọng điểm lúa lớn nhất cả nước; Việt Nam trở thành nước đứng hàng thứ hai xuất khẩu gạo trên thế giới.

Đồng chí Võ Văn Kiệt là vị Thủ tướng đã góp phần to lớn đưa đất nước ta ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội, chuyển sang giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; là người đã tạo dựng hình ảnh một thế hệ lãnh đạo mới của Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế. Khi đồng chí Võ Văn Kiệt qua đời, đã có học giả cho rằng: “Trong lịch sử dân tộc, người trị vì đất nước là nhà kiến quốc đã hiếm; là nhà kiến thiết, hiếm hơn. Võ Văn Kiệt là cả hai”. Đã có nhà báo nói rằng: “Sử học không nên chỉ đánh giá một con người xem họ đã đạt đến đỉnh cao nào mà còn phải xem khi họ nằm xuống, đã có bao nhiêu dòng nước mắt”. Đồng chí Võ Văn Kiệt, một con người đã gánh chịu quá nhiều mất mát khi anh trai hy sinh trong cuộc Nam kỳ khởi nghĩa (1940); người vợ yêu quý và hai người con qua đời do bom Mỹ trên đường đi thăm chồng, thăm cha ở căn cứ Trung ương Cục miền Nam (1966); con trai trưởng Võ Dũng hy sinh trước khi Hiệp định Pa-ri (1973) được ký kết không lâu. Nếu không phải là một con người có nghị lực phi thường thì đồng chí Võ Văn Kiệt của chúng ta không thể nào vượt qua được, để mà toàn tâm, toàn ý dành cả cuộc đời cho nước, cho dân. Niềm đau ấy dường như đã đọng lại nơi vị Thủ tướng của dân, để rồi Người luôn đau đáu nỗi đau khi đất nước còn nghèo, nhân dân có người còn khổ. Tuy đã rời khỏi mọi chức vụ rồi, Người vẫn chưa một lúc nào cho phép mình được thật sự nghỉ ngơi. Lúc giữ cương vị Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh, có lần, khi bàn việc đi mua lúa gạo ở miền Tây về cứu đói cho nhân dân thành phố, đã có những ý kiến băn khoăn. Đồng chí Võ Văn Kiệt đã nói một câu rất nổi tiếng, xuất phát từ bản lĩnh và lòng thương dân dào dạt: “Một là để dân đói, các đồng chí giữ nguyên chức vụ. Hai là dân no, các đồng chí mất chức. Chọn cái nào?”. Tất cả cán bộ dự cuộc họp đã chọn giải pháp để “dân no”.

Với ĐBSCL và với miền đất Bạc Liêu, đồng chí Võ Văn Kiệt - chú Sáu Dân kính mến đã để lại một dấu ấn sâu đậm chẳng thể mờ phai. Khi đã về hưu, đồng chí Võ Văn Kiệt nhiều lần về thăm Bạc Liêu, đến thăm Gành Hào (vì đồng chí rất quan tâm và lo lắng đến vấn đề biến đổi khí hậu và nước biển dâng), gặp gỡ bạn bè, đồng chí, em cháu đã một thời công tác chung trong kháng chiến, nhắc nhở Ban Thường vụ Tỉnh ủy nhiều việc, trong đó có việc quan tâm xây dựng nông thôn mới, nhắc nhở nông dân Bạc Liêu cần dành dụm để xây dựng nhà ở kiên cố, chống được gió bão, trồng cây xanh, tạo nên một nét văn hóa làng quê nông thôn. Chú Sáu Dân nói rằng, lần sau sẽ tranh thủ về thăm quê hương Hồng Dân, Phước Long, nơi mà chú đã một thời gắn bó. Thế nhưng, sau đó không lâu, người lãnh đạo, người anh lớn của đất nước, của quê hương Bạc Liêu đã phải ra đi vì cơn bệnh nặng, không thực hiện được ước mơ, để lại nhiều thương tiếc đối với biết bao người.

Sinh thời, đồng chí Võ Văn Kiệt từng nói: “Bạc Liêu là quê hương thứ hai của tôi”. Bởi lẽ, quê hương của người vợ đồng chí Võ Văn Kiệt - bà Trần Kim Anh, quê Mỹ Quới, Phước Long, tỉnh Rạch Giá, thời điểm năm 1952 thuộc Bạc Liêu. Lúc chưa tham gia cách mạng, đồng chí Võ Văn Kiệt (thời trai trẻ tên là Phan Văn Hòa) đã có một thời sống và lao động vất vả ở xứ Bạc Liêu, và sau này là Bí thư Huyện ủy Phước Long, Bí thư Huyện ủy Hồng Dân và Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu.

Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Bạc Liêu đã học, đã làm theo, đang học, đang làm theo và sẽ học, sẽ làm theo những gì mà chú Sáu Dân - đồng chí Võ Văn Kiệt đã làm, cũng như những ý định muốn làm cho đất nước, cho quê hương Bạc Liêu.

Võ Văn Dũng
(Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh)

(*) Các tít nhỏ do Tòa soạn đặt

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.