Giỗ tổ Hùng Vương: Giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa dân tộc

Thứ Hai, 07/04/2014 | 15:51

Giỗ tổ Hùng Vương là một nét đẹp trong truyền thống văn hóa của người Việt. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương thể hiện lòng tôn kính đối với tổ tiên, làm tăng thêm lòng tự hào dân tộc và đoàn kết dân tộc; đồng thời khích lệ nhận thức về lòng biết ơn tổ tiên. Mùng 10 tháng 3 âm lịch lại về, những người “đi ngược về xuôi” lại hướng lòng tưởng nhớ của mình đến ngày Giỗ tổ…

Các em học sinh, sinh viên thắp hương tại bàn thờ vua Hùng do tỉnh tổ chức lập tại Trung tâm Hội nghị tỉnh. Ảnh: M.Đ

Ôn lại lịch sử

Năm 2012, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Đó là niềm tự hào của người dân đất Việt ở mọi miền Tổ quốc. Nhớ đến ngày Giỗ tổ, khắp nơi trong cả nước đang có nhiều hoạt động nhằm giáo dục lòng tự hào dân tộc và sự tôn kính với cha ông. Bạc Liêu trong những ngày tháng Tư, bên cạnh nhiều công tác chuẩn bị Festival Đờn ca tài tử quốc gia lần I, các ngành, các địa phương đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực để thể hiện sự tưởng nhớ của mình đến truyền thống dân tộc.

Hưởng ứng những hoạt động hướng về ngày Giỗ tổ mùng 10 tháng 3 âm lịch, nhiều trường phổ thông trong tỉnh đã tổ chức ôn lại truyền thống trong dịp sinh hoạt đầu tuần. “Hướng đến ngày Giỗ tổ Hùng Vương, trường không tổ chức hoạt động lớn nhưng có tổ chức sinh hoạt truyền thống trong buổi chào cờ đầu tuần nhằm giáo dục truyền thống yêu nước cho các em học sinh”, Hiệu trưởng Trường THPT Lê Thị Riêng - Thái Đình Hướng cho biết. Còn tại Trường THPT Chuyên Bạc Liêu, buổi lễ chào cờ đầu tuần thật khác biệt và nhiều ý nghĩa. Hơn 1.000 học sinh của trường cùng chung một cảm nhận tự hào và trang trọng trước bàn thờ tổ tiên với các lễ vật: bánh tét (thay cho bánh dày), bánh chưng, mâm ngũ quả… Không khí buổi lễ càng trở nên hào hùng với những bài hát truyền thống ca ngợi vua Hùng, mẹ Âu Cơ, hay giai điệu “Dòng máu Lạc hồng” do học sinh của trường thể hiện. Và lắng đọng sâu sắc nhất trong lòng thế hệ trẻ là những trao đổi về văn hóa biết ơn của người Việt do thầy cô dạy môn Lịch sử của trường chia sẻ…

Giữ gìn truyền thống

Trong những ngày này, Bạc Liêu đang tất bật cho công tác chuẩn bị Festival Đờn ca tài tử quốc gia lần I - Bạc Liêu 2014. Cũng là sự tôn vinh truyền thống văn hóa dân tộc, Festival Đờn ca tài tử sẽ góp phần quảng bá một di sản văn hóa phi vật thể vừa được công nhận sau Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa, Festival Đờn ca tài tử ở Bạc Liêu cũng có ý nghĩa đặc biệt như Lễ hội Đền Hùng đang diễn ra ở tỉnh Phú Thọ. Đó là sự tôn vinh nhằm bảo vệ những nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc, qua đó giới thiệu hình ảnh đất nước, con người đến du khách, bạn bè thế giới nhằm phát huy tiềm năng và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Mỗi địa phương có những hoạt động riêng cho lễ hội, nhưng ý nghĩa và mục đích thì đều hướng về cội nguồn dân tộc. Đó cũng chính là trách nhiệm mà con cháu muôn đời sau phải gánh lấy để thực hiện được lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.

Có thể không tổ chức rầm rộ, không có những hoạt động mang tính chất quy mô nhưng việc ôn lại truyền thống nhân ngày Giỗ tổ Hùng Vương cũng đủ nhắc nhở thế hệ trẻ hôm nay về những bài học mà lịch sử dân tộc để lại. Cũng như việc giữ gìn và phát huy loại hình đờn ca tài tử mà Bạc Liêu đang ra sức thực hiện, những giá trị văn hóa - lịch sử mà cha ông để lại luôn là một tài sản quý giá đối với các thế hệ mai sau.

Thanh Lâm

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.