Lo cho dân chính là xây dựng Đảng vững mạnh

Thứ Hai, 16/09/2019 | 17:04

Với chủ đề học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2019 là xây dựng ý thức tôn trọng nhân dân, phát huy dân chủ, chăm lo đời sống nhân dân, các cấp ủy đảng đã tích cực học tập và xây dựng nhiều mô hình hay trong việc chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. Đây cũng là việc làm góp phần xây dựng Đảng ngày càng vững mạnh khi nhân dân tin tưởng và một lòng theo Đảng.

Ông Đặng Tiến Út, Bí thư Huyện ủy Phước Long tặng nhà tình nghĩa cho hộ chính sách trên địa bàn huyện.

 Chị Trương Thị Phiến chăm sóc hoa kiểng tuyến đường nông thôn mới kiểu mẫu. Ảnh: T.Đ - L.D

XÂY DỰNG ĐẢNG TỪ LÒNG DÂN

Một trong những bài học quý báu mà Bác Hồ kính yêu đã để lại cho Đảng ta chính là yêu thương và chăm lo tốt cho nhân dân. Lúc sinh thời Bác đã khẳng định: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”. Và Người còn nhấn mạnh: “Nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc, tự do, thì độc lập cũng chẳng có ý nghĩa gì”.

Thực hiện lời dạy của Bác Hồ việc chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân đã trở thành việc làm xuyên suốt của Đảng. Các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đều phục vụ quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân.

Xét về thực tiễn, Đảng lo cho dân cũng chính là xây dựng Đảng ngày càng vững mạnh, vì nhân dân tin và một lòng theo Đảng. Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng nhân dân, mất dân là mất Đảng. Sức mạnh to lớn của quần chúng nhân dân đã được Bác Hồ đúc kết bằng câu: “Dễ mười lần không dân cũng chịu/ Khó trăm lần dân liệu cũng xong”. Rồi tư tưởng “lấy dân làm gốc” cũng được Bác Hồ diễn giải một cách rất hình ảnh, giàu ý nghĩa và triết lý: “Nước lấy dân làm gốc. Gốc có vững cây mới bền”, “Việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh”… Bài học quý báu ấy đã được chứng minh trong suốt quá trình đấu tranh dựng nước và giữ nước.

Xuất phát từ vai trò và sứ mệnh lịch sử to lớn của quần chúng nhân dân, nên các thế lực thù địch luôn muốn lôi kéo nhân dân và dùng mọi thủ đoạn xuyên tạc để dân không còn tin vào Đảng. Trong đó, nghèo đói luôn là nội dung được các thế lực thù địch đem ra chống phá, nhằm gây chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Do vậy, việc chăm lo tốt đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân không chỉ có ý nghĩa chiến lược trong việc thực hiện mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”, mà còn là xây dựng Đảng, bảo vệ Đảng và kịp thời đập tan mọi âm mưu, thủ đoạn chống phá Đảng, Nhà nước.

TÍNH TIÊN PHONG GƯƠNG MẪU CỦA NGƯỜI ĐỨNG ĐẦU

Thời gian qua, các cấp ủy Đảng trên địa bàn tỉnh đã xây dựng những mô hình hay và xem việc giúp dân là nhiệm vụ trọng tâm. Để khuyến khích cán bộ, đảng viên tích cực làm theo, nhiều địa phương đã phát huy vai trò, tính tiên phong gương mẫu của người đứng đầu.

Điển hình trong việc chăm lo đời sống cho nhân dân là ông Đặng Tiến Út, Bí thư Huyện ủy Phước Long. Ông Út được người dân địa phương gọi bằng cái tên thân thương là “Bí thư giảm nghèo”. Trong thực hiện 19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới, ông Út đã chọn tiêu chí nâng cao thu nhập và giảm nghèo làm tiêu chí ưu tiên trong lãnh đạo, chỉ đạo. Theo ông Út, “công nhận nông thôn mới sẽ chẳng có ý nghĩa gì, nếu như đời sống của người nông dân không được nâng cao”.

Với suy nghĩ ấy, ông Út đã nghiên cứu và cho ra đời Đề án số 04/ĐA-UBND (Đề án số 04) về chuyển đổi ngành nghề cho hộ nghèo và cận nghèo giai đoạn 2017 - 2020. Theo đó, phân công cán bộ, đảng viên giúp người dân tổ chức lại cuộc sống.

Đơn cử như ấp Phước 2 (xã Vĩnh Phú Tây, huyện Phước Long), năm 2017 có hơn 20 hộ nghèo và nhiều nhà lụp xụp. Tuy nhiên, sau một năm triển khai Đề án số 04, trên địa bàn ấp đã cơ bản xóa nhà lụp xụp và không còn hộ nghèo, đạt 100% kế hoạch về giảm nghèo.

Bà Huỳnh Hồng Nghi, ấp Phước 2, cho biết: “Gia đình tôi có 4 người, nhưng thu nhập chỉ trông chờ vào nghề làm thợ hồ của chồng. Thế nhưng, nghề này bữa có bữa không nên cuộc sống rất khó khăn. Đầu năm 2018, cán bộ ấp đến hướng dẫn gia đình tôi tổ chức lại lao động. Chồng tôi không đi làm thợ hồ nữa mà chuyển sang nghề mua bán gà, vịt, cho thu nhập mỗi ngày cũng hơn 200.000 đồng; tôi thì được học nghề may và mở tiệm may tại nhà, thu nhập khoảng 4 triệu đồng/tháng; người con gái lớn thì đi làm ở TP. Hồ Chí Minh; người con nhỏ thì còn đi học. Nhờ có 3 người đi làm, cuối năm 2018 gia đình tôi thoát nghèo và tạo được tích lũy”.

Đề án số 04 cũng đã giúp    các hộ: Lê Văn Hồng, Cổ Thanh Ngoan… thoát nghèo và xây nhà mới (trị giá hàng trăm triệu đồng). Hơn 2 năm thực hiện Đề án số 04, toàn huyện có hơn 13.110 lao động được chuyển đổi ngành nghề, đạt gần 120% kế hoạch, góp phần quan trọng vào công tác giảm nghèo và chuyển dịch cơ cấu sản xuất từ nông nghiệp sang thương mại, dịch vụ.

Ngoài Đề án số 04, ông Út còn chỉ đạo UBND huyện và các ban ngành, đoàn thể thực hiện nhiều chương trình, kế hoạch và xây dựng nhiều mô hình giúp nông dân tăng thu nhập, giải quyết việc làm và hướng đến giảm nghèo bền vững. Nhờ vậy, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện giảm nhanh và vượt kế hoạch đề ra. Nếu năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo còn hơn 15%, thì đến nay chỉ còn 0,7%, và huyện phấn đấu không còn hộ nghèo trong năm 2019. Đặc biệt, trong năm 2019, ông Út đã chỉ đạo các cơ quan và vận động các các tổ chức, doanh nghiệp hỗ trợ xây gần 1.000 căn nhà tình nghĩa, nhà tình thương cho hộ chính sách, hộ nghèo; giải quyết dứt điểm về vấn đề nhà ở cho các đối tượng này trong năm nay.

Học tập và làm theo tấm gương của ông Bí thư, nhiều địa phương ở huyện Phước Long cũng xuất hiện nhiều điển hình tiên tiến. Như chị Trương Thị Phiến, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp 9C, xã Phong Thạnh Tây B. Trong 2 năm qua, chị Phiến đã xây dựng nhiều mô hình hay để giúp nhiều hộ phụ nữ thoát nghèo như: thành lập câu lạc bộ không sinh con thứ 3, tổ 3 sạch, câu lạc bộ gia đình hạnh phúc bền vững, tổ phụ nữ nấu ăn từ thiện, tổ heo đất tiết kiệm, tổ phụ nữ hỗ trợ kinh tế… Ngoài ra, chị còn tặng gần 2 tấn gạo cho hộ nghèo và mở gian hàng quần áo tình thương tại nhà. Đồng thời vận động người dân tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới.

Từ những mô hình hiệu quả trên, với 60 hội viên ban đầu, qua 2 năm chị đã thu hút thêm hơn 250 phụ nữ tham gia Chi hội Phụ nữ ấp, cùng nhau thi đua sản xuất và giúp nhau giảm nghèo. Năm 2019, chị Trương Thị Phiến được Huyện ủy tuyên dương về thành tích học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

LƯ TRUNG

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.