Chính trị
TIẾN TỚI ĐẠI HỘI ĐẢNG CÁC CẤP NHIỆM KỲ 2025 - 2030
Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
BẢO VỆ NỀN TẢNG TƯ TƯỞNG CỦA ĐẢNG
Đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh với cử tri
Cùng bàn luận
BÚA LIỀM VÀNG 2024
Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025)
Nguồn nhân lực cho Đồng bằng sông Cửu Long
Kết quả thống kê của ngành chức năng cho thấy, nguồn nhân lực ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nằm ở mức thấp nhất cả về trình độ học vấn và chuyên môn kỹ thuật so với mặt bằng chung của đất nước.
Lực lượng lao động của ĐBSCL có hơn 10,3 triệu người, chiếm 19% lực lượng lao động của cả nước nhưng tỷ lệ lao động đã qua đào tạo chỉ đạt 10,4% (trung bình cả nước gần 20%). Đây là một trong những nguyên nhân khiến kinh tế - xã hội chậm tăng trưởng, cản trở quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và hội nhập quốc tế của ĐBSCL.
Xét về bề nổi, ĐBSCL là vùng đất giàu tiềm năng và lợi thế phát triển kinh tế - xã hội. Vùng đất này đã và đang có những đóng góp quan trọng trong quá trình phát triển của đất nước. Ở lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, ĐBSCL cung cấp 90% sản lượng gạo, 70% sản lượng thủy sản và trái cây xuất khẩu của Việt Nam. Tuy vậy, xét cho cùng, đây cũng chỉ là “lợi thế so sánh” mà thôi. Nhiều chuyên gia, nhà quản lý, nhà khoa học đã dẫn chứng và chỉ rõ, ĐBSCL hiện đang phải đối mặt với những khó khăn, thách thức như: Cơ sở hạ tầng lạc hậu, sản xuất nhỏ lẻ và tự phát, chất lượng sản phẩm nông nghiệp còn thấp, thiếu sức cạnh tranh; dễ bị tổn thương về môi trường, kinh tế, xã hội do tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu và sự phát triển các công trình có liên quan đến tài nguyên nước ở thượng nguồn sông Mê Công… Tuy nhiên, thách thức mang tính cấp thiết, được quan tâm nhất vẫn là vấn đề hạn chế về nguồn nhân lực.
Có thể nói ở ĐBSCL, hầu hết các ngành, lĩnh vực đều gặp phải tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực đã qua đào tạo. Trong lĩnh vực y tế, các địa phương vùng ĐBSCL đang cật lực phấn đấu để đến năm 2020, mỗi địa phương phải có 9 bác sĩ và 2,2 dược sĩ/vạn dân, tỷ lệ trạm y tế xã có bác sĩ hoạt động là 90% theo chỉ tiêu tại Quyết định số 122/QĐ-TTg ngày 10/1/2013 của Thủ tướng Chính phủ. Còn ở lĩnh vực du lịch, dự báo đến năm 2020, nguồn nhân lực cho phát triển du lịch ĐBSCL là 236.000 lao động, nhưng hiện nay, lực lượng lao động trực tiếp và gián tiếp chỉ đạt khoảng 100.000 người.
Nguyên nhân hạn chế về nguồn nhân lực của ĐBSCL trước hết phải kể tới chất lượng giáo dục, đào tạo. Sau gần 30 năm đổi mới, mặc dù được Nhà nước quan tâm đầu tư, nâng cấp, mở rộng hệ thống cơ sở giáo dục, đào tạo nhưng ĐBSCL vẫn còn là "vùng trũng" về phát triển nguồn nhân lực, chưa đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Mạng lưới đào tạo nghề cho lao động nông thôn được phát triển rộng khắp nhưng chưa đi vào chiều sâu, thiếu tính hiệu quả. So với các vùng trong cả nước, số lượng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ hoặc có vốn đầu tư nước ngoài ở ĐBSCL còn thấp; phần lớn doanh nghiệp sử dụng lao động phổ thông, không qua đào tạo, ít có nhu cầu lao động chất lượng cao. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến chất lượng nguồn nhân lực chậm được cải thiện.
ĐBSCL đang trong giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, vì thế, vấn đề hạn chế về nguồn nhân lực cần phải được ưu tiên giải quyết. Vấn đề này được giải quyết tốt sẽ là động lực quan trọng, góp phần giúp ĐBSCL vươn lên mạnh mẽ. Trên cơ sở giải pháp của Chính phủ được xác định trong Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội ĐBSCL đến năm 2020 là “Tập trung đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu thị trường, gắn phát triển nguồn nhân lực với phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ”, mạng lưới cơ sở, ngành nghề đào tạo tại ĐBSCL cần được định hướng và quy hoạch lại hiệu quả hơn, nâng cao chất lượng đầu tư cho đào tạo nguồn nhân lực, đa dạng hóa các loại hình đào tạo và đẩy mạnh hợp tác quốc tế đào tạo nguồn nhân lực…
HỒNG HIẾU