Phía sau làn sóng di cư lập nghiệp của thanh niên

Thứ Hai, 04/03/2019 | 16:17

Khi cánh cửa lập nghiệp quê nhà quá hẹp, thanh niên ở nhiều vùng nông thôn Bạc Liêu ồ ạt rời quê lên phố mang theo khát vọng về một tương lai tươi sáng. Tuy nhiên, phía sau làn sóng di cư lập nghiệp đó vẫn còn bao điều trăn trở, làm ảnh hưởng, tác động không nhỏ đến nguồn nhân lực và nền kinh tế địa phương. Giải pháp nào để tháo gỡ thực trạng trên nhằm giữ nguồn nhân lực trẻ ở lại với quê hương là vấn đề cần đặc biệt quan tâm!

Bài 1: Ồ ẠT RỜI QUÊ ĐI LẬP NGHIỆP

Huyện đoàn Hòa Bình phối hợp với Phòng NN&PTNT huyện tập huấn kỹ thuật sản xuất cho thanh niên nông thôn trong huyện. Ảnh: Y.N

Những năm gần đây, phong trào di cư của lao động trẻ ở các vùng nông thôn trong tỉnh đến các thành phố lớn làm công nhân ngày một tăng. Áp lực về việc làm, thu nhập, đời sống kinh tế là những nguyên nhân dẫn đến tình trạng thanh niên ồ ạt rời bỏ quê hương đi tìm cơ hội lập nghiệp nơi đất khách.

Rủ nhau đi làm công nhân

Ở ấp 13 (xã Vĩnh Hậu, huyện Hòa Bình) có trên 300 thanh niên, song số lượng thanh niên có mặt ở địa phương chỉ khoảng 90 người, trong đó phần lớn là  học sinh - sinh viên. Đa phần thanh niên ở độ tuổi lao động đều khăn gói lên các các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh làm công nhân.

Nguyên nhân là do thu nhập của các hộ trên địa bàn xã phụ thuộc vào nuôi trồng thủy sản, nhưng cũng chưa phải là ổn định. Hàng loạt mô hình kinh tế mà thanh niên thử nghiệm thời gian qua không mang lại hiệu quả do nhiều nguyên nhân như: được mùa mất giá, không tìm được đầu ra cho sản phẩm. Con đường lập nghiệp của thanh niên còn gặp những rào cản như không được tiếp cận nguồn vốn vay sản xuất, kinh doanh, không có tay nghề... do đa phần xuất thân trong gia đình ít đất hoặc không có đất sản xuất.

Còn tại xã An Trạch (huyện Đông Hải), số lượng thanh niên rời quê đi làm công nhân chiếm trên 50%. Cũng như những địa phương khác, thanh niên trong xã gặp không ít khó khăn trong việc lập nghiệp tại quê nhà. Theo anh Trần Văn Vụ, Phó Bí thư Xã đoàn An Trạch: “Phần lớn thanh niên đi làm công nhân rơi vào những trường hợp gia đình ít đất sản xuất. Song, có không ít trường hợp kinh tế gia đình khá giả nhưng bản thân họ cũng muốn tìm một công việc ổn định. Thay vì thử sức với các mô hình kinh tế còn mang tính may rủi thì họ chọn giải pháp an toàn là làm công nhân”.

Mặc dù chưa có số liệu chính xác, nhưng trong những năm gần đây số lượng thanh niên nông thôn ở huyện Đông Hải rời quê đi lập nghiệp ở các thành phố lớn có dấu hiệu gia tăng. Các địa phương khác cũng rơi vào tình trạng tương tự.

Hiện nay, giữa lúc việc lập nghiệp ở quê nhà đang đối diện với những vấn đề nan giải thì con đường lên phố lập nghiệp của lao động trẻ được xem là giải pháp mang tính khả thi. Qua tìm hiểu, nhiều hộ có con em đi làm công nhân đã giúp gia đình họ cải thiện cuộc sống. Sau khi trừ chi phí sinh hoạt ăn uống, nhiều bạn trẻ dành dụm một khoản tiền gửi về phụ giúp gia đình. Bạn Mã Cảo Kía, Bí thư Chi đoàn ấp 19A (xã Phong Thạnh, TX. Giá Rai), cho biết: “Ở ấp 19A đa phần bạn trẻ đi làm ăn xa, vào các dịp lễ, tết họ mới về quê. Qua trò chuyện, tìm hiểu, tôi được biết lương công nhân bình quân khoảng 5 triệu đồng, nếu tăng ca cũng được 7 - 8 triệu đồng/người/tháng. So với ở quê, đây là nguồn thu nhập tương đối cao”.

Những điều trăn trở

Đằng sau những mặt tích cực từ phong trào lập nghiệp phương xa của các bạn trẻ thì vẫn còn rất nhiều băn khoăn, trăn trở. Bởi, thực tế khác xa với viễn cảnh màu hồng về sự đổi đời, tương lai tươi sáng mà nhiều bạn trẻ suy nghĩ. Trao đổi với chúng tôi qua điện thoại, bạn Kiều Diễm (quê xã Tân Phong, TX. Giá Rai) làm công nhân cho một công ty may ở tỉnh Tây Ninh, cho rằng cuộc sống của bạn như một điệp khúc lặp đi lặp lại với vòng quay: đi làm, tăng ca, về nhà ngủ bù lấy sức mai làm. Ngoài ra, không có bất kỳ hoạt động vui chơi giải trí nào khác. Việc tiếp cận với hoạt động, sinh hoạt Đoàn, các chính sách về an sinh xã hội dành cho công nhân, đối tượng nghèo lại càng không có. Kiều Diễm bày tỏ: “Thành thật mà nói, với lương công nhân mới vô làm ở công ty, để có tiền gửi về cho gia đình thì bắt buộc mỗi người phải tăng ca, thắt lưng buộc bụng trong chi tiêu. Còn về tương lai, để bám trụ lại nơi đây, có nhà cửa ổn định là điều không tưởng. Hiện tại, mình cứ chấp nhận cuộc sống làm thuê ăn lương”.

Sau hơn 2 năm làm việc tại công ty, thu nhập mỗi tháng là 7 triệu đồng, Diễm đều gửi về cho gia đình 4 triệu đồng. Đổi lại, Diễm phải ở ghép phòng với nhiều bạn nữ khác trong điều kiện sinh hoạt, ăn ở chật chội cùng với lịch tăng ca dày đặc. Diễm cũng chưa có kế hoạch gì cho tương lai, bởi, nếu không làm công nhân thì về quê cũng chẳng biết làm gì!...

Phần lớn thanh niên nông thôn rời quê lập nghiệp đều đi theo kiểu tự phát, do đó họ không được trang bị những kiến thức, kỹ năng, bản lĩnh hòa nhập trong môi trường mới cùng khả năng ứng phó trước những tác động tiêu cực của đời sống thành thị. Đôi khi, do tư tưởng không vững vàng, chỉ một lần trượt ngã mà có bạn đã phải trả giá bằng cả cuộc đời. Vụ án giết người tại quận Bình Tân (TP. Hồ Chí Minh) của hai thanh niên Bạc Liêu năm 2018 là lời cảnh báo cho nhiều bạn trẻ. Xuất phát từ mong muốn được cải thiện cuộc sống, hai thanh niên xã Vĩnh Trạch khăn gói lên TP. Hồ Chí Minh làm công nhân, rồi bị bạn bè lôi kéo vào trò đỏ đen, sa vào nghiện hút. Đến lúc đồng lương không thể đáp ứng nhu cầu ăn chơi, hút chích thì hai thanh nên gây ra vụ án giết người cướp của…

Quá trình di cư ồ ạt của lao động trẻ từ nông thôn đến các thành phố lớn đôi khi còn tác động đến suy nghĩ, quan niệm của một bộ phận thanh thiếu niên. Một bí thư chi đoàn ấp (đề nghị giấu tên) cho biết ở ấp có rất nhiều bạn chỉ học đến lớp 5, lớp 6 rồi theo người thân đi làm thuê. Thay vì cố gắng thay đổi cuộc sống bằng con đường đi tìm tri thức, nhiều em nhỏ đã sớm bị cuốn vào trào lưu đi làm thuê. Do chưa đến độ tuổi lao động theo quy định nên các em phải làm cho các cơ sở tư nhân mà không có những chính sách về lao động nên luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Bên cạnh những mặt tích cực thì việc ồ ạt rời quê đi làm công nhân của thanh niên nông thôn vẫn còn đó nhiều điều trăn trở. Bởi nó không chỉ tác động đến thanh niên, mà còn kéo theo nhiều vấn đề về đời sống kinh tế, nguồn nhân lực ở các địa phương.

TUẤN ANH

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.