Tiếp công dân, hãy làm nhiều hơn hứa

Thứ Hai, 16/09/2019 | 17:29

Dư luận rất đồng tình với nội dung cho ý kiến tại Phiên họp thứ 37 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) nghe Chính phủ báo cáo về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2019 diễn ra mới đây. Tại phiên họp, các thành viên đã thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, yêu cầu phải làm rõ trách nhiệm, xử lý nghiêm người đứng đầu không tiếp công dân, một trong những “chìa khóa” để giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Tiếp công dân và giải quyết các công việc liên quan đến quyền lợi của dân là trách nhiệm của người đứng đầu và các cơ quan công quyền. Luật Tiếp công dân quy định rất rõ điều này. Cấp ủy đảng, chính quyền cũng luôn xác định đây là nhiệm vụ quan trọng. Tuy vậy, phải thẳng thắn nhìn nhận, vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế trong tiếp công dân mà rõ nhất khi người đứng đầu chưa hoàn thành nhiệm vụ.

Không phải chỉ đến phiên họp này khi các thành viên UBTVQH chỉ ra, mà từ lâu, nhiều ý kiến đã phản ảnh tình trạng có địa phương người đứng đầu nhiều tháng không tiếp công dân. Có người đứng đầu còn viện lý do để không thực hiện chế độ công tác này, điển hình là tình trạng giao cho cấp phó hoặc cơ quan chức năng.

Việc tiếp công dân như vậy không chỉ sai về luật, sai về chức trách, mà người được giao tiếp thay sẽ không đủ thẩm quyền để giải quyết vấn đề trong quá trình công dân có kiến nghị. Khi đó, vấn đề không những không được giải quyết mà bức xúc của người dân càng bị đẩy lên cao. Cần nhấn mạnh, trong công tác tiếp công dân, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và chủ tịch UBND các cấp thực hiện nghiêm túc trách nhiệm tiếp công dân, tăng cường đối thoại, tiếp dân tại ngay nơi xảy ra vụ việc, giải quyết kịp thời khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của dân ngay từ khi mới phát sinh.

Ngoài việc người đứng đầu không thực hiện tiếp công dân thì cũng còn tình trạng tiếp dân có biểu hiện hình thức. Đây chính là căn nguyên dẫn đến bệnh quan liêu của cán bộ. Cán bộ xa dân nên không nắm được tâm tư, nguyện vọng, nhu cầu chính đáng của người dân, nên khi có tình huống xảy ra, việc giải quyết trở nên lúng túng, bị động.

Vì sao tiếp công dân đã được quy định thành chế độ công tác, có chế tài pháp luật điều chỉnh mà vẫn chưa tốt? Điều này được nhìn nhận từ 3 nguyên nhân: Một là cán bộ thiếu trách nhiệm, không làm đúng trách nhiệm. Hai là năng lực cán bộ hạn chế, thiếu kiến thức. Ba là việc xử lý cán bộ không thực hiện chế độ tiếp công dân chưa cương quyết. Dù với nguyên nhân nào thì điều đó cũng là không thể chấp nhận. Nếu cán bộ yếu thì cần phải xem xét lại quy trình đề bạt, bổ nhiệm. Nếu cán bộ thiếu trách nhiệm thì nên loại ngay khỏi bộ máy công quyền. Chế tài pháp lý hiện nay đủ cơ sở để xử lý những cán bộ thiếu trách nhiệm.

Trong mối quan hệ biện chứng thì tiếp công dân tốt sẽ là cơ sở rất quan trọng để giải quyết tốt khiếu nại, tố cáo - một vấn đề đang gây nhiều bức xúc trong đời sống xã hội. Chính những cán bộ ngại tiếp công dân, thiếu quyết tâm trong công việc, không đối thoại với dân sẽ dẫn đến tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm. Suy cho cùng, ở vị trí nào thì cán bộ cũng đều là công bộc của dân.

NGUYỄN TUẤN

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.