Chính trị
Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
BẢO VỆ NỀN TẢNG TƯ TƯỞNG CỦA ĐẢNG
Đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống
BẦU CỬ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI KHÓA XV VÀ ĐẠI BIỂU HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN CÁC CẤP NHIỆM KỲ 2021 - 2026
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh với cử tri
Cùng bàn luận
BÚA LIỀM VÀNG 2023
BÚA LIỀM VÀNG 2024
Tuần làm việc thứ 2 Quốc hội: Khơi thông điểm nghẽn để an dân, phát triển kinh tế - xã hội
Khơi thông điểm nghẽn trong tâm lý, trách nhiệm cán bộ, công chức bằng việc khơi thông những điểm nghẽn về pháp luật là giải pháp cần được ưu tiên.
Các đại biểu dự kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV. Ảnh: Internet
Tuần làm việc thứ hai của kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV sôi động và trách nhiệm, bàn thảo nhiều vấn đề quan trọng. Đặc biệt là các phiên thảo luận tại hội trường về báo cáo kinh tế - xã hội năm 2022, những tháng đầu năm 2023, báo cáo về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022, kết quả giám sát chuyên đề về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19, việc thực hiện chính sách pháp luật về y tế cơ sở và y tế dự phòng.
Thẳng thắn nhận diện và phân tích đa chiều những nguyên nhân của vướng mắc, bất cập, đáp án chung trong các giải pháp được nêu lên đó là cần khơi thông điểm nghẽn trong tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm của cán bộ, công chức, điểm nghẽn về pháp luật, tạo hành lang pháp lý thông thoáng để kinh tế phát triển, an sinh xã hội được bảo đảm tốt hơn.
Khẳng định những nỗ lực của Chính phủ trong năm 2022, kinh tế nước ta tăng trưởng nhanh, đạt 8,02% nhưng nhiều đại biểu Quốc hội không khỏi lo ngại về tình hình những tháng đầu năm 2023. Tăng trưởng kinh tế ở quý 1 ước đạt 3,32% so với cùng kỳ năm trước, nhiều tỉnh, thành phố lớn đang tăng trưởng ở mức độ âm; tỷ lệ giải ngân 4 tháng đầu năm 2023 đạt 14,66% kế hoạch trong khi tồn dư ngân sách 1 triệu tỷ đồng.
Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng hơn 25%. Số lao động mất việc làm trong quý 1/2023 tăng 39.000 người so với quý 1/2022.
Một vài con số được nhiều đại biểu Quốc hội nêu lên trong phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội để thấy bức tranh chưa có nhiều gam màu sáng, đặc biệt trong bối cảnh chung của tình hình thế giới không nhiều thuận lợi.
Các giải pháp tài khóa, tiền tệ tiếp thêm nguồn năng lượng cho doanh nghiệp như giảm lãi suất ngân hàng; giảm tiền thuê đất; giảm thuế thu nhập doanh nghiệp; giảm thuế VAT, cải cách thủ tục, cải thiện môi trường kinh doanh… tiếp tục được đề xuất.
Đồng tình với các giải pháp đó, song đại biểu Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai) cho rằng, giải pháp quan trọng nhất là “khi thiết kế chính sách trong thời điểm làm Nghị quyết 43 rất gấp, có thể nói chưa đánh giá hết tính khả thi”.
Đại biểu ví dụ vay 2% cho doanh nghiệp thì cần đánh giá lại, mặc dù nguồn hỗ trợ ngay tức thì nhưng áp dụng điều kiện vay như bình thường, đặc biệt gói hỗ trợ trực tiếp cho công nhân như hỗ trợ cho thuê nhà thì thủ tục có vấn đề.
“Trong thời gian tới chúng ta phải khẩn trương, phải tổng thể, tổng hợp, địa phương, trung ương, các nguồn khác nhau để hỗ trợ khu vực này”, đại biểu nêu ý kiến.
Còn đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) cho rằng, phải giải quyết ngay tình trạng lo ngại, e sợ, lo sợ sai phạm, vi phạm không dám làm, dẫn đến chuyện các dự án không được triển khai, nhiều quyết định không được thực hiện. Bởi đây là nút thắt, nếu không những rào cản của nền kinh tế năm nay rất khó, kể cả đầu tư công.
Mọi giải pháp đưa ra chỉ tạo nên chuyển biến thực tế khi có hành động quyết liệt và nỗ lực của con người, đặc biệt trong bối cảnh khó khăn.
Vậy nhưng, có một thực tế được các đại biểu Quốc hội chỉ ra trong phiên thảo luận về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng đó là trong bối cảnh khó khăn, chưa có tiền lệ của đại dịch Covid-19, các bác sĩ được coi là "anh hùng áo trắng"; nhưng hết dịch, nhiệm vụ chiếm nhiều thời gian của họ lại là viết báo cáo giải trình. Tiêu cực là phải chống nhưng cần cân bằng giữa “xây” và “chống” là ý kiến của đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội).
“Ai tham ô, tham nhũng, ai xà xẻo trong hoạt động phòng, chống COVID-19 cần xử lý thật nghiêm khắc, nhưng cũng cần xem xét thật có lý, có tình, thật công bằng với những ai không phải vụ lợi mà vì để kịp thời chống dịch nhằm lợi ích của cộng đồng, theo đúng tinh thần chỉ đạo của Đảng, của Quốc hội. Nên chấm dứt chuyện này để xã hội ổn định, cán bộ vững lòng thực hiện công việc mới”, đại biểu Nguyễn Anh Trí bày tỏ.
Đại biểu Trần Hữu Hậu. Ảnh: Internet
Khơi thông điểm nghẽn sợ sai, sợ trách nhiệm của cán bộ
Đại dịch COVID-19 là phép thử năng lực quản lý nhà nước, năng lực quản trị. Không làm tốt giữa xây và chống, nhất là trong nhiều trường hợp, ranh giới mong manh đúng, sai khó phân định dễ dẫn đến hiện tượng cán bộ sợ trách nhiệm, không dám làm diễn ra ở địa phương và Trung ương trong thời gian qua.
Trong phiên thảo luận về kinh tế, xã hội, Bộ trưởng Bộ Nội vụ - Phạm Thị Thanh Trà đưa ra giải pháp phải thay đổi và xóa bỏ nhận thức một số cán bộ công chức có tư tưởng “không làm thì không sai”. Hơn nữa đây chính là dấu hiệu của một loại “tự diễn biến”, cản trở nghiêm trọng sự phát triển. Bên cạnh đó, phải khơi dậy lòng tự trọng bản lĩnh chính trị, tinh thần trách nhiệm, ý thức phục vụ Nhân dân của cán bộ.
Khơi thông điểm nghẽn sợ sai, sợ trách nhiệm trong cán bộ, công chức cần bắt đầu từ việc khơi thông những điểm nghẽn trong quy định của pháp luật như trong vấn đề được Bộ trưởng Bộ Tài chính - Hồ Đức Phơc nêu lên.
Theo Bộ trưởng, triển khai Nghị quyết 19 năm 2017 của Ban Chấp hành Trung ương, Chính phủ đã ban hành Nghị định 60 và Bộ Tài chính ban hành Thông tư 56 để triển khai. Sau 3 năm thực hiện, hiện nay các đơn vị thuộc y tế và giáo dục đề nghị sửa những vấn đề bất hợp lý trong Nghị định 60 để sát hợp với thực tiễn.
Chia sẻ với câu chuyện Bộ trưởng Bộ Tài chính - Hồ Đức Phớc nêu, đại biểu Trần Hữu Hậu (đoàn Long An) nhận định, phần đông cán bộ, công chức, viên chức sẽ không sợ sai, nỗ lực làm việc hiệu quả khi có các hành lang pháp lý rõ ràng, phù hợp. Để việc bảo vệ người dám nghĩ, dám làm trở nên khả thi, để cán bộ không còn sợ sai, theo đại biểu Trần Hữu Hậu, quy trình sửa đổi luật cần kịp thời hơn, đáp ứng nhanh yêu cầu thực tiễn.
“Trước hết Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội dám nghĩ, dám làm trước, dám sửa luật ngay. Chính phủ, người đề ra chính sách thấy chuyện không phù hợp thì sửa sớm, sửa ngay, thống nhất làm, cái nào thuộc cấp của Chính phủ thì Chính phủ sửa cho kịp, cái nào cần ý kiến của Quốc hội, cần sửa luật thì đề xuất cho kịp, Quốc hội xem xét cho nhanh”, đại biểu Trần Hữu Hậu nói.
Một khi pháp luật càng rõ ràng, cụ thể, khả thi và hiệu quả thì càng là định hướng tốt, là kim chỉ nam cho cán bộ dám làm, ít sợ sai vì đã có pháp luật bảo vệ. Trong phiên thảo luận về báo cáo công tác thực hành, tiết kiệm chống lãng phí năm 2022, nhiều đại biểu cùng chung lo ngại sự chậm trễ trong ban hành các văn bản pháp luật, những thay đổi, thiếu thống nhất hay bất cập trong quy định pháp luật đã, đang gây lãng phí lớn về thời gian, nguồn lực, cơ hội thực hiện, cơ hội thụ hưởng và lãng phí niềm tin của người dân, doanh nghiệp.
Dẫn chứng con số cứ 2 ngày làm việc lại có 1 nghị định, 3 thông tư được ban hành, đại biểu Đồng Ngọc Ba (đoàn Bình Định) cho rằng, sự thay đổi này rất khó khăn cho việc nhận thức và áp dụng. Trong khi chất lượng nhiều thông tư chưa tốt, cơ quan Bộ, ngành vừa soạn thảo, vừa tự thẩm định dẫn đến “vừa đá bóng, vừa thổi còi”, dễ tiềm ẩn nguy cơ “lợi ích nhóm”, “lợi ích ngành”.
Đại biểu Đồng Ngọc Ba đề nghị cần đánh giá cụ thể hơn, lượng hóa những đóng góp của thể chế vào kết quả cụ thể của phát triển kinh tế - xã hội. Yếu tố mấu chốt quyết định nhất vẫn là năng lực, trách nhiệm của cán bộ, công chức trong thực hiện nhiệm vụ.
“Điều quan trọng là làm sao nâng cao hơn nữa năng lực, tinh thần trách nhiệm, đạo đức công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức trong xây dựng và đặc biệt là tổ chức thực thi pháp luật. Cái đó là vấn đề mấu chốt”, đại biểu Đồng Ngọc Ba nói.
Trong ngày cuối cùng của tuần làm việc thứ 2 kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV đã thông qua Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, trong đó bổ sung thêm nội dung xem xét, xử lý trách nhiệm của tập thể, cá nhân để xảy ra sơ hở, sai phạm, tham nhũng, tiêu cực, cài cắm “lợi ích nhóm”, “lợi ích cục bộ” trong đề xuất, xây dựng, ban hành chính sách, pháp luật, cản trở sự phát triển của đất nước.
An dân và an tâm là hai cụm từ được các đại biểu Quốc hội nhắc đến trong phiên thảo luận tại kỳ họp thứ 5. “An dân” là kết quả của hành động có chủ đích, có mục tiêu, vì lợi ích chính đáng của nhân dân, là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước. Và chúng ta biết khi tâm mà an thì làm việc gì cũng dễ; khi tâm mà an thì sự cống hiến sẽ nhiều hơn. Tựu chung, cán bộ, công chức hiện nay chỉ cần 2 từ là “an tâm”.
Khơi thông điểm nghẽn trong tâm lý, trách nhiệm cán bộ, công chức bằng việc khơi thông những điểm nghẽn về pháp luật là giải pháp cần được ưu tiên. Từ đó, những điểm nghẽn trong các hoạt động kinh tế, xã hội sẽ được khơi thông, tạo đà phát triển, lòng dân sẽ an và thêm vững niềm tin.
C.Q.B (Nguồn: VOV)
- Phiên tòa giả định tuyên truyền chống khai thác IUU
- 100 thí sinh tranh tài tại Chung kết Cuộc thi “Em yêu biển, đảo quê hương”
- Trao quà Trung thu cho trẻ em lớp học tình thương
- Dâng hương tưởng niệm nhạc sĩ Cao Văn Lầu nhân kỷ niệm 105 năm Ngày ra đời bản Dạ cổ hoài lang
- Biểu dương gần 120 tập thể, cá nhân điển hình trong phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc