“Văn hóa… vâng lời”!

Thứ Tư, 09/09/2020 | 17:28

Thực chất của thứ “văn hóa… vâng lời” là sự nhu nhược còn rơi rớt lại từ thời phong kiến. Ở đó là nơi của thứ bậc, phép tắc đến… vô nguyên tắc. Ở đó lời của “bề trên” luôn là khuôn vàng, thước ngọc, là mệnh lệnh bất di bất dịch… Kẻ dưới dù muốn dù không luôn phải tuân theo nếu không muốn mang tội bất trung, bất hiếu, bất nghĩa…

“Văn hóa… vâng lời” là thứ văn hóa người trẻ phải nghe theo người lớn (cá không ăn muối cá ươn, con cãi cha mẹ trăm đường con hư) dù người lớn không phải lúc nào cũng đúng. Cũng như vậy, cấp dưới phải sùng bái cấp trên - vì cấp trên luôn đúng!

Văn hóa phong kiến (có cả đạo đức) là thứ… lạc hậu, mất dân chủ, mất bình đẳng… đã bị thời đại mới khai tử, chôn vùi từ lâu. Bởi đó là thứ “văn hóa, đạo đức… một bề” - là mệnh lệnh cửa quyền, làm cản trở sự phát triển xã hội…

Thế nhưng ngày nay - thời đại của khoa học - kỹ thuật, của văn hóa, văn minh, vẫn còn một bộ phận người trong ý thức, tư tưởng vẫn muốn níu kéo, dung dưỡng thứ văn hóa… phi dân chủ ấy. Nổi bật trong số đó là bộ phận của những người có lối sống “bề trên”, những người ham quyền lực. Cụ thể hơn là những kẻ độc đoán, chuyên quyền…

Vì sao nhóm người này thích níu kéo? Vì ở họ, lúc nào trong ý thức cũng luôn muốn đứng trên thiên hạ, muốn mọi người phải răm rắp phục tùng. Níu kéo “văn hóa… vâng lời” để dễ thao túng quyền lực, bịt miệng cấp dưới, nhằm thỏa mãn những lợi ích cá nhân…

Có một nhận xét chung khi nói đến sếp độc đoán, chuyên quyền thường đi liền với câu ví von nửa đùa, nửa thật mà cấp dưới nào cũng cần nên nhớ, đó là: Sếp luôn đúng! Nếu sếp sai - cần xem lại cấp dưới! Sếp nhỏ - đúng nhỏ, sếp lớn - đúng… tất!

Bảo thủ, độc quyền là thế, nhưng loại người này luôn miệng lưỡi, mị dân bằng cách kêu gọi… dân chủ, kêu gọi sự phản biện, thẳng thắn… từ cấp dưới. Nhưng cấp dưới nào mà dại dột “hăng hái”, không sớm thì muộn cũng “được” sếp “quan tâm” bởi cấp dưới mà “thích dạy đời, trứng mà đòi khôn hơn vịt”!

Chính những điều này đã làm thui chột ý chí đấu tranh của những người “thấp cổ, bé miệng”. nhiều người trong số họ đã có ý nghĩ: Thôi thì cứ “hòa hợp”, an phận cho dễ sống!

Nhưng có người nhận ra: Sống theo kiểu đúng không dám bảo vệ, sai không dám nói, bất công không dám đấu tranh, chấp nhận làm ngơ trước cái ác, cái xấu… thì có khác nào sự thỏa hiệp. Khi chứng kiến điều “chướng tai, gai mắt” mà như không thấy (có mắt như mù), chứng kiến điều trái đạo lý mà vẫn thờ ơ, đứng ngoài cuộc… thì “vô tình” thành kẻ đồng lõa? “Ra đường thấy chuyện bất bình chẳng tha” - cái dũng khí ấy mất đi thì người dũng cũng thành kẻ bạc nhược, hèn nhát… Một khi đã “hòa tan” vào những điều vô lý, bất bình, lâu dần sẽ thành chai sạn, vô cảm…

Có thể nói, sự tiến bộ của xã hội không chỉ bị cản trở bởi kẻ xấu, kẻ ác mà đôi khi còn bởi… chính những người tốt, người hiền - những người cầu an, ngại va chạm, rồi xuề xòa cho qua, không dám vạch trần tiêu cực, cố đóng vai trò “dĩ hòa vi quý” ở vị trí có trách nhiệm là… dung túng cho cái xấu lộng hành!

Khi lối tư duy bề trên - kẻ dưới (văn hóa… vâng lời) đã ăn sâu vào gốc rễ, vào lối sống, công việc, suy nghĩ… đi vào tiềm thức của mỗi cá nhân và xã hội, thì đó chính là nguyên nhân kìm hãm sự tiến bộ xã hội.

Cần nhớ rằng: Không có một tập thể, một tổ chức nào phát triển, gắn kết mà ở đó chỉ có mệnh lệnh, gia trưởng, thủ tiêu đấu tranh.

Và cũng cần nhớ rằng: Sự bình đẳng, tiến bộ của bất cứ tập thể, tổ chức nào cũng tỷ lệ thuận với ý thức tự phản tỉnh và phản biện mà có được!

Đảng, Nhà nước ta xem phê bình và tự phê bình là một nguyên tắc sống còn để tổ chức Đảng lớn mạnh - tự phê bình và phê bình là sự đấu tranh, phản biện trong nội tại tổ chức và cá thể đảng viên, chỉ rõ những ưu, khuyết điểm (kể cả những thiếu sót, sai lầm) nhằm xây dựng tổ chức ngày một lớn mạnh, được Nhân dân ủng hộ, tin yêu.

Bác Hồ kính yêu từng dạy: Một đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một đảng hỏng. Một đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó vì đâu mà có, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính.

Khi xem xét yếu kém, khuyết điểm của cán bộ, đảng viên, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đặt trong môi trường sống cụ thể và coi phê bình và tự phê bình là thang thuốc bổ “xổ bệnh” hiệu nghiệm, giúp cán bộ, đảng viên sống cao đẹp hơn, phục vụ Nhân dân nhiều hơn.

Chính phủ, Quốc hội luôn trưng cầu, mong muốn và sẵn sàng lắng nghe những ý kiến đóng góp, phản biện trên mọi lĩnh vực để giúp Quốc hội, Chính phủ nhìn rộng hơn, sâu hơn và có biện pháp, giải pháp trong lãnh đạo, điều hành một cách tốt nhất, kịp thời nhất.

Hành động cầu thị đó, suy đến cùng là sự hiện hữu của văn hóa, văn minh (đối lập hoàn toàn với văn hóa… vâng lời) nói trên, và hành động đó, việc làm đó không gì khác ngoài mục tiêu vì “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Vâng, dám lắng nghe, dám chấp nhận sự thật (dù sự thật có đau lòng) khi cấp dưới bày tỏ, đóng góp. Dùng tri thức bảo vệ cái đúng, phản bác cái sai; cởi mở nhìn nhận những điều không “êm tai, mát mắt” là bước đầu trong tư duy nhận thức, đổi thay.

Tư duy “văn hóa… vâng lời”, tư duy “thứ bậc” lạc hậu phải được thay đổi ngay từ những người… “bề trên”. Sự thay đổi là đồng nghĩa với tiến bộ xã hội, là dân chủ, công bằng, văn minh.

N.N.K

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.