Xây dựng chính quyền hài lòng dân

Thứ Tư, 06/09/2017 | 15:25

Thế nào là một chính quyền “được lòng” dân? Với các cấp chính quyền, đó là sự phản ánh đối với hiệu quả quản trị hành chính công. Nhưng đối với người dân, đó chỉ là những điều đơn giản: chính quyền biết lắng nghe và giải quyết kịp thời những vấn đề nảy sinh trong cuộc sống hàng ngày của nhân dân; cán bộ có thái độ phục vụ tốt, gần dân, hiểu dân… Nói thì dễ nhưng để xây dựng được một chính quyền làm hài lòng dân lại là điều rất khó khăn mà đôi khi các cấp chính quyền, nhất là cấp cơ sở lại chưa quan tâm một cách thấu đáo…

Bài 1: Nhìn từ chỉ số PAPI

Chỉ số PAPI là chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh do Chương trình phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP), Ủy ban MTTQ Việt Nam, Trung tâm Nghiên cứu phát triển và hỗ trợ cộng đồng (thuộc Liên hiệp Các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) phối hợp thực hiện. Nói cách khác, đó là chỉ số đo mức độ hài lòng của người dân về hiệu quả quản lý của chính quyền. Bạc Liêu tham gia khảo sát chỉ số này từ năm 2011 và từ đó đến nay đều xếp gần cuối bảng!

Kém về công khai minh bạch

Trong bảng xếp hạng PAPI, điểm số trung bình của mỗi địa phương được tính trên cơ sở mức độ hài lòng của người dân đối với gần 40 nội dung ở 6 lĩnh vực trong quan hệ với chính quyền, gồm: sự tham gia của người dân ở cấp cơ sở; mức độ công khai, minh bạch; trách nhiệm giải trình với người dân; kiểm soát tham nhũng; thủ tục hành chính công và cung ứng dịch vụ công. Đơn vị thực hiện khảo sát sẽ chọn ngẫu nhiên danh sách các hộ dân ở các khu dân cư tại một số khóm, ấp thuộc các huyện, thành phố trong tỉnh. Cán bộ Mặt trận tham gia đoàn khảo sát chỉ có nhiệm vụ dẫn đường, không tham gia vào bất cứ khâu nào của công tác điều tra, khảo sát và câu hỏi được thiết kế từ dễ đến khó nhưng đều được diễn giải để người dân hiểu rõ rồi tự mình trả lời chứ không được nhờ ai nói thay. Điều đó cho thấy tính khách quan của việc khảo sát và câu trả lời của người dân đều nằm trong sự hiểu biết của họ.

Theo dõi hồ sơ PAPI năm 2015 của các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam, có thể thấy những chỉ số mà Bạc Liêu đạt thấp là sự tham gia của người dân ở cấp cơ sở; công khai, minh bạch; trách nhiệm giải trình với người dân. Có những nội dung đạt tỷ lệ rất thấp trên số người hỏi như tỷ lệ người biết về nhiệm kỳ của trưởng thôn (trưởng ấp) là 2,5 năm - chỉ đạt 6,1%, hoặc chỉ 3,4% người được hỏi cho biết Ban Thanh tra nhân dân hoặc Ban Giám sát đầu tư cộng đồng giám sát việc xây mới, tu sửa công trình. 8% người dân được hỏi trả lời biết về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hiện thời của xã, phường; 18,7% cho biết thu chi ngân sách của xã, phường được công bố công khai. Bên cạnh đó, cũng có những nội dung nhận được câu trả lời “có biết” của gần như tất cả người được hỏi như trưởng ấp là do dân bầu, hình thức bầu bằng phiếu kín, hoặc “đồng ý” về việc chính quyền địa phương đã tiếp thu ý kiến đóng góp của người dân cho quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; việc góp ý xây dựng với chính quyền đạt kết quả tốt. Việc cán bộ nói “không” với việc vòi vĩnh tiền của người dân cũng nhận được tỷ lệ đồng ý khá cao…

Giải quyết thủ tục hành chính cho người dân tại UBND huyện Hồng Dân. Ảnh: K.P

Sự khác biệt giữa nông thôn và thành thị

Nhìn từ những nội dung được hỏi và câu trả lời của người dân tham gia khảo sát, có thể thấy có những vấn đề được người dân quan tâm và nắm rất rõ, nhưng đồng thời lại có những nội dung người dân biết một cách mơ hồ, nếu không nói là… không biết! Trên thực tế, không phải vấn đề nào liên quan đến chính quyền thì người dân đều biết nếu không có sự tuyên truyền sâu rộng và thường xuyên của cơ quan chức năng. Ông Trần Văn Chư - Trưởng ấp Ninh Thạnh 2 (xã Ninh Hòa, huyện Hồng Dân) khẳng định người dân trong ấp có nắm được tình hình chung, nhiều vấn đề người dân nắm rất rõ như việc thu hồi đất, quy định về bồi thường giải tỏa... Còn ông Q.X.H, nguyên Trưởng khóm ở phường 8 (TP. Bạc Liêu) thì cho biết người dân đô thị nắm khá rõ các chủ trương, chính sách có liên quan đến đời sống của họ, đặc biệt là có sự phản ánh tức thời về những vấn đề nảy sinh trên địa bàn.

Ông Dương Thanh Điền - Phó ban Dân chủ - Pháp luật, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cho biết, qua theo dõi trong các lần dẫn đoàn đi khảo sát thì cơ bản có sự khác biệt giữa người dân nông thôn với thành thị trong hiểu biết về những vấn đề quản lý của chính quyền. Nếu người dân nông thôn không biết nhiều về những vấn đề không liên quan một cách thiết thân đến đời sống hàng ngày như công khai các khoản thu chi của địa phương, quy hoạch sử dụng đất, thực hiện quy chế dân chủ… thì ngược lại người dân thành thị tỏ ra hiểu biết khá rõ những nội dung này. Vì vậy, kết quả khảo sát thường cho thấy người dân ở TP. Bạc Liêu đánh giá về chính quyền nơi cư trú tốt hơn người dân ở hai huyện còn lại (Đông Hải và Hồng Dân).

Các nội dung khảo sát trong chỉ số PAPI được thực hiện với từng người dân cụ thể, thể hiện những hiểu biết và kinh nghiệm thực tiễn của họ. Vì vậy, có thể nói đây cũng chính là thước đo hài lòng của dân về chính quyền các cấp. Cho nên, dù có khác biệt về sự đánh giá giữa các khu vực đô thị và nông thôn thì nói chung những năm qua, người dân Bạc Liêu vẫn chưa thật sự hài lòng với sự điều hành, quản lý của chính quyền, nhất là chính quyền cấp cơ sở. Và nói như những người thực hiện khảo sát chỉ số PAPI thì chính những con số đã nói lên tất cả. Tuy nhiên, chỉ từ khi chỉ số PAPI của tỉnh xếp hạng 60/63 tỉnh, thành vào năm 2016 thì mới nhận được sự quan tâm thật sự của chính quyền từ tỉnh đến huyện.

“Bức xúc với hành chính, phiền nhiễu ai cũng than. Song kêu ca chưa đủ, chúng ta cần chỉ rõ nền hành chính còn phiền nhiễu ở đâu và trong các lĩnh vực cụ thể nào. Người dân mong đợi và chính quyền các địa phương đang cải cách quyết liệt. PAPI chính là một chỉ số đo lường cảm nhận của người dân, giúp chính quyền các tỉnh nhìn lại sức khỏe nền hành chính của mình. Miền Tây nhìn miền Đông, Bình Phước so mình với Bình Dương, các miền đất Quảng cạnh tranh với Thanh Nghệ, Nam so với Bắc, từ nhiều năm qua PAPI đã trở thành một chỉ số quan trọng để đo lường và so sánh chất lượng các quản trị địa phương, một bộ chỉ số tiên tiến, đáng tin cậy, được dựa trên chuẩn mực và phương pháp thuyết phục”.

PGS-TS Phạm Duy Nghĩa (Giảng viên, Chương trình Fulbright, Trường đại học Kinh tế TP. HCM)

Thanh Lâm

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.