Xây dựng huyện Phước Long thành trung tâm kinh tế vùng Bắc Quốc lộ 1A

Thứ Hai, 13/07/2020 | 16:21

Đảng bộ, chính quyền, quân và dân huyện Phước Long đang nô nức hướng về Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Trong đó, chủ trương xây dựng Phước Long trở thành trung tâm kinh tế vùng Bắc Quốc lộ 1A (QL1A) đang thu hút sự quan tâm của nhiều người và sẽ là chủ đề lớn được đưa ra thảo luận tại đại hội. 

TỪ LỢI THẾ VƯỢT TRỘI…

Về mặt vị trí địa lý, Phước Long hội tụ các lợi thế để phát triển mà không phải nơi nào cũng có được. Thứ nhất, địa bàn huyện có đường Quản lộ Phụng Hiệp (QLPH) đi ngang với chiều dài 30km. Đây là tuyến giao thông liên vùng kết nối khu vực ĐBSCL, đóng vai trò vô cùng quan trọng cho phát triển kinh tế của huyện. Thứ hai, kênh xáng QLPH (cũng đi ngang qua Phước Long với chiều dài 30km) được đánh giá là tuyến đường thủy liên tỉnh sầm uất thứ nhì khu vực ĐBSCL, đứng sau kênh Chợ Gạo (qua tỉnh Tiền Giang). Con đường này giúp Nhân dân Phước Long giao lưu mua bán với các vùng lân cận, vận chuyển hàng hóa khối lượng lớn với chi phí thấp, đồng thời tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận nông sản hàng hóa của nông dân một cách dễ dàng.

Giao thông trục ngang mà huyện Phước Long hưởng lợi là tuyến kết nối Đông Hải - Giá Rai - Phó Sinh - Cạnh Đền với tổng mức đầu tư 700 tỷ đồng đã được tỉnh đưa vào dự án. Lớn hơn đó là dự án đường Vĩnh Mỹ - Phước Long - Ba Đình dài 30km với tổng vốn đầu tư 1.300 tỷ đồng. Và một lợi thế khác là tới đây sẽ có đường xuyên Á đi ngang qua huyện Phước Long. Ông Lê Văn Tần - Chủ tịch UBND huyện, cho biết: Phước Long có 3 vùng sản xuất đặc trưng chẳng khác nào một Bạc Liêu thu nhỏ. Đó là vùng mặn, vùng nước lợ và vùng ngọt ổn định. Vùng mặn có diện tích 6.000ha, gồm xã Phong Thạnh Tây B và một phần của xã Phong Thạnh Tây A. Huyện tập trung chỉ đạo thực hiện mô hình nuôi tôm 2 giai đoạn, sử dụng chế phẩm sinh học, nuôi công nghệ cao gắn với doanh nghiệp liên kết bao tiêu sản phẩm, quy hoạch 5 ô đê bao khép kín gắn với trạm bơm điện. Không gian phía trên đang đẩy mạnh phát triển điện mặt trời, có đủ điều kiện để xây dựng công trình điện gió. Vùng lợ gồm xã Phước Long, một phần xã Vĩnh Phú Tây và thị trấn Phước Long là vùng nuôi tôm, chủ lực là con tôm sú, tôm càng xanh, cua, cá sấu, cua đinh, kết hợp với trồng lúa ST 24, ST 25 trên đất nuôi tôm. Huyện đang xây dựng hệ thống trạm bơm điện khép kín; đồng thời khu vực này vừa được Ngân hàng Thế giới (WB6) tài trợ 14 tỷ đồng xây dựng hạ tầng phục vụ mô hình thí điểm nuôi tôm sạch kết hợp với trồng lúa làm cơ sở nhân rộng trong tỉnh. Vùng ngọt của huyện chuyên canh lúa chất lượng cao, các loại rau màu, bắp sạch, đặc biệt là rau cần nước đã được tỉnh công nhận sản phẩm OCOP; cải tạo vườn tạp trồng cây ăn trái, điểm nhấn là nhân rộng mô hình nuôi lươn không bùn. 

Trong Dự thảo Đề án xây dựng Phước Long trở thành trung tâm kinh tế ở vùng Bắc QL1A của tỉnh, huyện Phước Long dự toán kinh phí đầu tư phát triển 3 vùng sản xuất này hơn 400 tỷ đồng. Song song đó, Khu công nghiệp Chủ Chí (tọa lạc tại xã Phong Thạnh Tây B) với diện tích 30ha đã được Chính phủ phê duyệt quy hoạch. Việc đẩy mạnh đầu tư phát triển toàn diện nền kinh tế mà huyện Phước Long xác định chính là hướng đi phù hợp với thực tiễn.

Diện mạo huyện Phước Long hôm nay nhìn từ trên cao. Ảnh: P.T.C

…SẼ TRỞ THÀNH TRUNG TÂM KINH TẾ CỦA VÙNG

Mục tiêu được Đảng bộ huyện Phước Long xác định, đến năm 2025, ngoài việc trở thành huyện nông thôn mới kiểu mẫu, Phước Long sẽ thật sự là trung tâm phát triển năng động, liên kết các huyện, thị của vùng, các huyện lân cận của tỉnh bạn. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội (giao thông, thủy lợi, điện, trường học, y tế, văn hóa, trạm cấp nước tập trung...) được quy hoạch, đầu tư đồng bộ, hoàn thiện, phục vụ sản xuất, phát triển thương mại, dịch vụ tốt hơn, an sinh xã hội đảm bảo; quốc phòng - an ninh được giữ vững, ổn định. Tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức cao so với các vùng lân cận, đảm bảo bền vững; nâng cao thu nhập cho người dân. Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phù hợp với điều kiện phát triển của từng lĩnh vực kinh tế - xã hội của huyện; đặc biệt, xây dựng con người Phước Long phát triển toàn diện cả về trí tuệ, thể chất, đạo đức và tuân thủ tốt pháp luật.

Chủ trương của huyện là phát triển mạnh sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (lúa chất lượng cao, tôm sú sạch, tôm càng xanh, mô hình lúa - tôm...) đảm bảo hiệu quả cao, phát triển bền vững, gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm; quy hoạch, xây dựng hoàn chỉnh hệ thống thủy lợi, ô đê bao khép kín trên địa bàn toàn huyện.

Đặc biệt sắp tới đây, Phước Long sẽ có chợ đầu mối thủy sản Phó Sinh để giải quyết sản phẩm đầu ra cho cả huyện Phước Long, Hồng Dân và một số địa phương lân cận, như: TX. Giá Rai và huyện Thới Bình (tỉnh Cà Mau); có khu du lịch Vườn Chim ấp Long Hòa (thị trấn Phước Long) và Vườn chim ấp Bình Hổ (xã Vĩnh Phú Tây). Để phát huy tối đa lợi thế tuyến QLPH, huyện Phước Long đang tập trung mời gọi đầu tư xây dựng hệ thống nhà hàng, khách sạn, các cơ sở dịch vụ thương mại, nhà máy xay xát lúa gạo, chế biến thủy sản dọc theo tuyến lộ này.

Lộ trình 2019 - 2025, huyện sẽ vận động các công ty, doanh nghiệp mở rộng cơ sở sản xuất - kinh doanh theo hướng: Nâng cấp, mở rộng Công ty TNHH MTV Nhựa Tý Liên với dự toán kinh phí 25 tỷ đồng. Hiện tại, công ty này đang giải quyết việc làm cho hơn 1.000 công nhân đến từ các huyện trong tỉnh. Đồng thời mở rộng Nhà máy chế biến thủy sản Hoàng Vô (xã Phong Thạnh Tây B); Nhà xưởng thu mua thủy hải sản Hồng Duyên và cơ sở chế biến thủy sản Tùng Loan (xã Vĩnh Phú Tây). Phòng NN&PTNT huyện Phước Long cho biết, năng lực thu mua và chế biến thủy sản của các cơ sở nêu trên không chỉ đáp ứng nguồn tôm nguyên liệu trên địa bàn huyện mà còn mở rộng ra địa bàn TX. Giá Rai, huyện Hồng Dân, huyện Thới Bình (tỉnh Cà Mau) và huyện Vĩnh Thuận (tỉnh Kiên Giang). Đáng chú ý, trong đề án đưa huyện Phước Long trở thành trung tâm kinh tế của vùng, UBND huyện đang xúc tiến mời gọi đầu tư xây dựng nhà máy chế biến da cá sấu để phát huy tối đa lợi thế của một địa phương đứng đầu khu vực đồng bằng về số lượng cá thể cá sấu được gây nuôi và mua bán hàng năm…

Bí thư Huyện ủy Phước Long - Đặng Tiến Út, cho biết, trong kế hoạch, Dự thảo Đề án xây dựng Phước Long trở thành trung tâm kinh tế ở vùng Bắc QL1A của tỉnh sẽ được nâng lên thành nghị quyết chuyên đề của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Và vùng Bắc QL1A khi đó sẽ có đủ điều kiện để tỏa sáng cùng tỉnh nhà vươn lên mạnh mẽ trong nhiệm kỳ mới.  

TẤN ĐẠT

Để thực hiện hoàn thành mục tiêu, lộ trình xây dựng địa phương trở thành trung tâm phát triển vùng phía Bắc QL1A, giai đoạn 2020 - 2025, UBND huyện Phước Long sẽ tập trung xúc tiến xây dựng hạ tầng kỹ thuật, mời gọi đầu tư các nhà máy sản xuất, chế biến nằm trong Khu công nghiệp Chủ Chí để tạo động lực phát triển kinh tế, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn trong vùng. Song song đó, xây dựng Trung tâm thương mại thị trấn Phước Long và 3 khu đô thị mới, gồm: Khu đô thị mới thị trấn Phước Long (quy mô 13ha); khu đô thị Phó Sinh (5ha) và khu đô thị Chủ Chí (5ha).

Nhằm đáp ứng tốt cho mục tiêu phát triển đó, huyện Phước Long đã dự toán kinh phí đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đến hơn 3.300 tỷ đồng (bao gồm nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương, tỉnh, vốn doanh nghiệp và Nhân dân đóng góp). Theo đó, huyện sẽ phối hợp với Trung ương và tỉnh đầu tư xây dựng, nâng cấp gần 500km đường, cầu trên địa bàn huyện. Lộ trình đến năm 2025, huyện đề nghị Trung ương nâng cấp, thảm nhựa mặt đường tuyến đường Quản lộ Phụng Hiệp đạt tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng cùng hàng loạt tuyến giao thông chiến lược khác.

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.