Cùng bàn luận
Đừng để người dân lạc hậu với chuyển đổi số
Chuyển đổi số là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nhằm đưa nước ta nhanh chóng bước vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đi tắt đón đầu những làn sóng khoa học - kỹ thuật hiện đại để xây dựng nền tảng phát triển kinh tế - xã hội thời đại số!
Chuyển đổi số nghe có vẻ như một khái niệm khoa học ở tầm vĩ mô, tuy nhiên tất cả những gì chúng ta đã, đang và sẽ thao tác trên môi trường số với nền tảng Internet là chủ đạo chính là việc mỗi người đã tham gia vào chuyển đổi số. Với một quốc gia hàng đầu về tỷ lệ người sử dụng Internet như Việt Nam, chuyển đổi số thật sự không quá xa lạ, cũng không quá nhiều thách thức. Vấn đề khó khăn lớn nhất là hạ tầng số cùng sự quyết tâm của các ngành, các cấp, các doanh nghiệp khi bước vào hoạt động trên môi trường hiện đại này.
Với Bạc Liêu, chuyển đổi số đã ghi nhận những bước đi đầu tiên, dù có thể chậm nhưng đã cho thấy sự thích ứng khá nhanh của một số cơ quan công quyền cấp tỉnh và các doanh nghiệp với việc cung cấp các dịch vụ công, dịch vụ thanh toán không dùng tiền đến người dân. Trong đó, thanh toán không dùng tiền mặt có thể xem là dịch vụ cơ bản và thiết thực nhất với người dân khi tham gia chuyển đổi số, đảm bảo sự tiện ích và an toàn trong quá trình sinh hoạt, trao đổi, mua bán hàng ngày. Nhưng nếu thanh toán không dùng tiền mặt ngày càng phổ biến ở các tỉnh, thành khác trong cả nước, có mặt từ siêu thị, cửa hàng tiện lợi, thực phẩm đến chợ truyền thống thì tại Bạc Liêu, hoạt động này thật sự lại khá mới mẻ. Không nói đến chợ truyền thống, các cửa hàng tạp hóa có quy mô trung bình, thậm chí đến các chuỗi cửa hàng có quy mô lớn khi về Bạc Liêu mở chi nhánh cũng không triển khai dịch vụ thanh toán qua app, quét mã QR... Nhiều người dân bắt đầu có thói quen không sử dụng tiền mặt lại phải chật vật sử dụng tiền mặt trở lại nếu muốn sử dụng dịch vụ hay mua hàng hóa.
Có thể do quá trình chuyển đổi số của Bạc Liêu được đánh giá là chậm và còn nhiều yếu kém nên khi về đầu tư, hoạt động tại Bạc Liêu, nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn đã không triển khai dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt do quá ít người sử dụng. Tuy nhiên, chuyển đổi số là một xu hướng và không ai có thể đứng ngoài cuộc, từ cơ quan công quyền đến doanh nghiệp tư nhân và mỗi người dân. Nên không thể từ việc Bạc Liêu còn chậm trong chuyển đổi số mà ngán ngại cung cấp các dịch vụ thiết yếu như thanh toán không dùng tiền mặt cho người dân được. Và để thay đổi quan niệm này, chính ngành chức năng cùng sự phối hợp với các cấp, các đơn vị có liên quan phải đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số để người dân Bạc Liêu không lạc hậu trong thời đại số này.
N.L
- Nan giải bài toán giá thành sản xuất trong nuôi tôm
- Huyện Phước Long: Xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển nông nghiệp
- 5 năm thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng: Củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và Nhân dân
- Làm tốt công tác tuyên truyền pháp luật về phòng, chống tham nhũng
- Truyền thông hiệu quả để giảm nghèo bền vững