Cùng bàn luận

Hợp pháp và hợp lý

Thứ Sáu, 28/08/2020 | 14:43

Hợp pháphợp lý là hai thuộc tính thống nhất khó có thể tách rời. Hầu như điều gì có tính hợp lý thì cũng đồng nghĩa với hợp pháp và ngược lại.

Hợp pháp là đúng luật lệ (đúng luật pháp). Hợp lý là đúng với lẽ phải, đúng với sự cần thiết, đúng với lô-gíc của sự vật, hiện tượng…

Tuy nhiên trong đời sống muôn màu, không phải lúc nào điều đó cũng thống nhất với nhau - mà sự chủ quan, duy ý chí, sự cảm tính của con người vô tình “chia rẽ” sự thống nhất ấy. Thế nên mới có chuyện “hợp pháp nhưng không hợp lý” - công tác tổ chức cán bộ là một trong những lĩnh vực thường hay mắc phải điều này.

Xin nêu vài ví dụ cụ thể từng xảy ra khi điều động, bổ nhiệm cán bộ, dù rất “đúng quy trình” nhưng vẫn có những ý kiến phản ảnh, kiện thưa, bất bình… Có trường hợp cán bộ chủ chốt “rớt” ngay trong đại hội. Có trường hợp phải “điều chuyển” đến vài lần, dù những lần điều chuyển ấy có khoảng cách được tính bằng… vài ngày! Có cả trường hợp vừa bị kỷ luật “chưa ráo mực” ở nơi này lại được điều động, bổ nhiệm cao hơn ở nơi khác… Thử hỏi cách làm như vậy có thể nào gọi là… hợp lý? Rồi còn các điều kiện chuyên môn, nghiệp vụ, năng lực cho vị trí mới luôn “thiếu trước, hụt sau” dẫn đến hiệu quả công việc không nhiều mà hậu quả thì… không ít. Trong giáo dục vẫn gọi đó là hiện tượng “ngồi nhầm chỗ”!

Thành thật mà nói, trong thực tế không phải không có người được cất nhắc, bố trí không “hiểu” năng lực của mình, không “biết” sự đảm đương rất… hụt hẫng của bản thân, nhưng tổ chức “quyết” như vậy, cấp trên “cất nhắc” như vậy, cộng với tâm lý tư tưởng “cả đời phấn đấu, không bằng một lần cơ cấu”… nên cũng “tuyệt đối chấp hành và sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao!”. Nhưng trên thực tế thì ngược lại! Vì như trên đã nói: Bố trí đúng quy trình, đúng nguyên tắc, nhưng không… đúng người, đúng việc… Ai đời cán bộ văn hóa lại phân làm Tài nguyên - Môi trường, cán bộ học luật phân làm Chữ thập đỏ. Người học nông nghiệp được bố trí làm công tác tổ chức. Hay cán bộ vừa rời ghế cấp xã đùng cái ngồi vào ghế… cấp tỉnh. Ngay cả cán bộ còn ngơ ngác, nói chi đến hiệu quả?!

Bố trí cán bộ, đôi khi cứ tưởng như đúng nguyên tắc, là tất yếu, đúng người, đúng việc, đúng mục tiêu, đúng thẩm quyền và đúng… luật pháp (hợp pháp). Nhưng đôi khi không hợp lý (về năng lực, sở trường…), đôi lúc bị bỏ quên, không để ý. Cho nên cái việc “bài binh bố trận tréo cẳng ngỗng” thực tế mất nhiều hơn được, hậu quả nhiều hơn hiệu quả, sự thụt lùi nhiều hơn phát triển… nơi cán bộ “nhận trọng trách”.

Ông bà ta từng dạy: “Dụng nhân như dụng mộc” - cần nhớ, mỗi loại gỗ chỉ thích hợp với một “công dụng” nhất định và cũng chỉ tạo ra một số sản phẩm nhất định. Người thợ giỏi (người làm tổ chức) phải biết khúc gỗ ấy sẽ có tác dụng thế nào trước khi “dụng” đến!

Cái việc bố trí, sắp xếp cán bộ “khi đến mùa” cũng rất dễ bị chi phối bởi yếu tố thời gian. Đây cũng là hậu quả của việc hợp pháp nhưng không hợp lý - cho dù ở đâu, cấp nào cũng khẳng định: Làm theo quy trình, đúng quy trình, lấy ý kiến qua nhiều bước khác nhau…

Việc điều động, bố trí cán bộ không phù hợp với năng lực, sở trường, không tính đến lợi thế kinh nghiệm và nguyện vọng chính đáng của người được điều chuyển, đề bạt, bố trí cũng là hình thức dễ “ngồi nhầm chỗ” như đã nói…

Công tác cán bộ, suy cho cùng là thuộc phạm trù ý thức, tinh thần. Đây là lĩnh vực nhận thức, tư tưởng của con người. Mà cái gì là nhận thức - tư tưởng vẫn luôn có độ “chủ quan” chi phối, không thể bất di, bất dịch. Đã là chủ quan thì việc “chủ quan có ý thức” của người làm công tác cán bộ là khó tránh khỏi?...

Để cho công tác cán bộ được tốt và khoa học, chọn lựa được một đội ngũ cán bộ “vừa hồng, vừa chuyên”, thiết nghĩ cần xây dựng một bộ tiêu chí “cứng” mang tính định lượng cho công tác này. Đi liền với đó là sự công khai, minh bạch, tăng cường sự giám sát, kiểm tra, thanh tra đối với công tác cán bộ. Và… tất nhiên phải xử lý một cách triệt để những trường hợp cố tình vi phạm để trục lợi. Có như vậy mới tránh được việc “ngồi nhầm chỗ” một cách… hợp pháp nhưng không hợp lý.

N.N.K

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.