Cùng bàn luận
“Khiêm tốn bao nhiêu cũng chưa đủ…!”
Đó là sự khẳng định tầm quan trọng của đức tính khiêm tốn vừa có tính nhắc nhở mọi người: “Khiêm tốn bao nhiêu cũng chưa đủ; tự kiêu một chút cũng là thừa!” - Các Mác.
Nhân các tổ chức, đoàn thể tổ chức cho cán bộ, đảng viên kiểm điểm những điều làm được, chưa được của mỗi cá nhân sau một năm miệt mài cống hiến; thiết nghĩ cần nhắc đến đức tính khiêm tốn để mỗi người tự “nhận diện” mình một cách sâu sắc hơn, chân thực hơn trên cả 2 phương diện: được và chưa được!
Một trong những bài học đầu tiên từ khi còn thơ bé, ai cũng thuộc lòng, đó là cần rèn cho mình đức tính khiêm tốn (cùng với thật thà, dũng cảm).
Khiêm tốn là gì? Theo Tự điển Tiếng Việt thì: “Khiêm tốn là có ý thức và thái độ đúng mức trong việc đánh giá bản thân, không tự mãn, tự kiêu, không tự cho mình là hơn người”. Theo định nghĩa này thì ý thức, thái độ đã có “nhiệm vụ” rõ ràng. Ấy vậy mà có nhiều người hiểu sai hoặc cố tình hiểu sai lệch bản chất thật của đức tính khiêm tốn, với dụng ý thiếu trong sáng, thiếu lành mạnh nhằm phục vụ cho ý đồ xấu xa của cá nhân. Họ cho rằng: Khiêm tốn là “không được thể hiện mình”, không được “vượt trước” người khác về công việc hay tầm nhìn. Có người đã lấy cớ đó làm lý do buộc người khác (thường là cấp dưới, người yếu thế…) phải nín nhịn, vâng lệnh, nghe theo, nếu không thì “hãy coi chừng”! Đức tính tốt đẹp của khiêm tốn còn bị lạm dụng với cái nghĩa là “hạn chế”, “nhỏ bé”, nên thường có những câu như: “Kết quả còn khiêm tốn”, “thành tích còn khiêm tốn”… với hàm ý những gì đạt được, làm được là “nhỏ bé” chưa xứng đáng. Ở chỗ khác lại có tư tưởng hạ thấp ý nghĩa của sự khiêm tốn. Theo những người này, khiêm tốn là yếu đuối, nhịn nhục… Nhưng ngược lại, tính khiêm tốn có sức mạnh đem lại vinh quang và sự kính trọng… Khiêm tốn - khiêm nhường trái với ngạo mạn, kiêu căng, tự mãn.
Ngạn ngữ Hy Lạp có câu: “Kiêu căng là đặc quyền của kẻ khờ dại”! Người khiêm nhường luôn sẵn sàng vì người khác với thái độ đúng mực, sống quên mình, vị tha, lượng thứ. Bởi sự khiêm nhường luôn có mối liên quan đến khoan dung, khoan hồng - còn sự kiêu ngạo có dính líu đến sự ganh tị và ghen ghét. Người khiêm nhường luôn biết thế mạnh, yếu và dám thừa nhận những khiếm khuyết, yếu điểm của mình một cách chân thành và quyết khắc phục, sửa sai. Kẻ kiêu ngạo tự đề cao mình, nhưng lại phớt lờ điểm yếu mà còn khoe khoang, lẻo mép để đánh lừa người khác. Sẵn sàng tâng bốc, bợ đỡ người trên, hống hách, mượn danh, mượn quyền “Cáo mượn oai hổ” để chà đạp người dưới. Trong đời sống, trong các tổ chức… đâu đâu cũng có dạng người này, chỉ có điều do chúng “che đậy” ma mãnh nên khó nhận ra…
Khi xây dựng khung tiêu chí đánh giá cán bộ, Đảng ta đã nêu rõ yêu cầu: “Có lối sống trung thực, khiêm tốn, chân thành, trong sáng, giản dị”. Điều này giống như là “tư tưởng lớn gặp nhau” với Ăng-ghen: “Hành trang quan trọng nhất của con người là khiêm tốn, giản dị”!
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là mẫu mực của đức tính khiêm nhường, đồng thời Người rất quan tâm giáo dục đội ngũ cán bộ, đảng viên về đức tính khiêm nhường. Người phê bình thái độ của một số cán bộ: “Cậy thế mình ở trong ban này ban nọ, rồi ngang tàng, phóng túng, muốn sao được vậy, coi khinh dư luận, không nghĩ đến dân”.
Khiêm tốn luôn gắn với thật thà, trung thực, với văn hóa, với lối sống nghĩa tình, thủy chung, lễ nghĩa, biết tôn trọng người khác, nhất là những hiền tài và với Nhân dân. Khiêm tốn giúp xử thế giữa con người với nhau, giữa cán bộ với Nhân dân, giữa lãnh đạo với cấp dưới… chan hòa tình đồng chí, đồng tình, đồng thuận…
Người tài giỏi luôn biết rằng: Sự khiêm nhường là khởi nguồn của những điều vĩ đại. Chỉ khi biết khiêm nhường thì chúng ta mới có thể học hỏi, trưởng thành và phát huy tích cực để vươn tới tầm cao trong chính mình. Khiêm tốn là đức tính không thể thiếu trong mỗi con người - nhất là cán bộ, đảng viên!
Nhân dịp các tổ chức, đoàn thể chuẩn bị bước vào cuộc sinh hoạt chính trị - kiểm điểm một năm làm việc, cống hiến như đã nêu, xin được nhắc nhớ một điều: Dù ở vị trí, cương vị nào cũng cần làm tròn bổn phận của mình với một thái độ gương mẫu, chính trực và khiêm tốn. Đừng quên, tài giỏi là yếu tố khiến người khác nể nang nhưng khiêm nhường mới là đức tính khiến con người ta trở nên cao quý. Khiêm nhường là cái gốc của sức mạnh, vì thế, càng khiêm nhường, khiêm tốn bao nhiêu, càng được trân quý bấy nhiêu.
Vâng! “Khiêm tốn bao nhiêu cũng chưa đủ…!”. Hãy luôn nhớ điều này.
N.N.K (Bài viết có sử dụng tư liệu đồng nghiệp)
- Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh tiếp xúc cử tri TP. Bạc Liêu
- 2 tháng cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm bảo vệ tết Nguyên đán Ất Tỵ
- Những quy định mới về tổ chức, hoạt động và quản lý hội
- Hiệu quả liên kết hợp tác giữa TP. Hồ Chí Minh với các tỉnh ĐBSCL
- Chế độ, chính sách đối với các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh