Cùng bàn luận
“Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”!
Trong đời sống xã hội và trong cuộc sống thường nhật, giao tiếp là một nhu cầu không thể thiếu của mỗi con người. Mức độ quan hệ thế nào sẽ có nhu cầu giao tiếp thế đó. Ở đó, lời nói luôn tiên phong đi đầu. Và mọi sự thành, bại của cuộc giao tiếp đều đặt gánh nặng “lên vai của… lời nói”!
Lời nói là “sứ giả” mở đường, dẫn lối từ khi mở đầu câu chuyện đến kết thúc cuộc giao tiếp. Vì vậy, muốn có cuộc giao tiếp đạt hiệu quả cao thì phải biết “uốn lưỡi bảy lần”…, phải biết “lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau” như ông bà xưa đã dạy!
Tuy nhiên, nếu để ý một chút, chúng ta dễ dàng bắt gặp “một bộ phận người… lập dị” muốn làm nổi, gây sự chú ý… đã lạm dụng lời nói bằng nhiều cách phát ngôn phản cảm, thiếu văn hóa, thậm chí hàm hồ… để xúc phạm người khác, gây bất bình trong cộng đồng. Có những người còn có những phát ngôn… quá đà, với lời lẽ, nội dung vừa xấu, vừa độc… vượt ra ngoài khuôn khổ đạo đức và pháp luật cho phép.
Điều đáng nói là bộ phận lập dị này đã tự cho mình cái quyền đứng trên thiên hạ để săm soi, xỉa xói và bình phẩm hồ đồ, vô tội vạ bất kể vấn đề gì.
Mới đây, một cuộc thi mang tính văn hóa - nghệ thuật cấp khu vực, khi sắp về đích thì có “ý kiến” đứng ra “ngáng đường”. Họ mỉa mai cho đây là cuộc thi, là “sản phẩm thấp kém”, phi văn hóa dù không chỉ ra được cái sự “thấp kém” là gì. Điều đáng nói là khi “ý kiến ngáng đường” được tung lên mạng, lại có nhiều ý kiến a-dua, cũng bình phẩm loạn xạ không cần biết đúng - sai - hơn - thiệt.
Cũng mới đây, Tòa án nhân dân TP. Hồ Chí Minh đưa ra xét xử vụ án NPH, với bản án 3 năm tù. Cái giá phải trả ở đây cũng bắt nguồn từ… lời nói (qua hình thức 57 cuộc livestream) để xúc phạm danh dự người khác nhằm thỏa mãn dục vọng cá nhân mình.
Cái việc lợi dụng những tiện ích của mạng xã hội (Facebook, Zalo…) để rêu rao, bêu rếu, nói xấu, bôi nhọ, xúc xiểm… danh dự, nhân phẩm người khác (cho dù theo kiểu “ẩn danh vô thực”, kẻ thực hiện thì “ném đá, giấu tay”) đã xuất hiện không ít trên các trang mạng… Thiết nghĩ trước khi pháp luật “sờ” đến, bản thân “những bàn tay ném đá” hãy biết xấu hổ về những hành vi, lời lẽ thiếu văn hóa, thiếu nhân cách… mà tự điều chỉnh mình (trong đó có lời nói) để khỏi hối tiếc vì sự độc địa từ chính miệng mình “phun” ra!
Ngạn ngữ có câu: “Con người cần 2 năm để học nói và cần 60 năm để học cách giữ gìn lời ăn, tiếng nói”. Vì vậy hãy cố mà “luyện” cho mình cách học nói và học giữ gìn lời ăn tiếng nói trước khi mọi cái đều quá muộn! Nhà sư Thích Nhất Hạnh có dạy rằng: “Nói ra một câu không có tình, có nghĩa, một câu gieo sự bất hòa, nghi kỵ hận thù - Câu nói đó cũng mang chữ ký của mình, mình chịu trách nhiệm hoàn toàn” không chối bỏ được đâu!
Có nhiều người (vạ miệng hay lỡ miệng viết ra) rồi tìm cách “thu hồi”. Điều đó phần nào châm chước được. Nhưng nên nhớ, lời nói (nếu là lời ác độc) đã được “nhả” ra thì nó đã tức thì “nhiễm độc” cho đời sống xã hội. Nhà thơ nổi tiếng người Mỹ - Maya Anghelou cho rằng: “Khi một lời thô lỗ hay ác ý được nói ra, lời chỉ trích hà khắc, lời miệt thị, lời căm hận… Hãy ném tất cả ra khỏi nhà. Vì những lời tiêu cực ấy dính lên phần mộc ngôi nhà và đồ đạc, rồi điều tiếp theo là chúng bám vào da thịt con người”!
“Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”! “Lựa lời” mà ông bà ta căn dặn là khi nói năng, giao tiếp với nhau thì nên thận trọng việc sử dụng ngôn ngữ. Lời lẽ trước khi thốt ra cần suy nghĩ kỹ (uốn lưỡi bảy lần trước khi nói), tránh lỡ lời làm xúc phạm hay làm xấu đi mối quan hệ với mọi người xung quanh. “Lời nói” ở đây còn được hiểu rộng ra, không chỉ là lời trực tiếp đối thoại mà cả trong các hình thức khác (thông qua câu văn, thông qua chữ viết, thông qua các phương tiện chuyển tải…) đều phải biết… “lựa lời”. “Lựa lời” với người mình giao tiếp và “lựa lời” cho tư cách chính mình!
“Lựa lời mà nói…” là ăn nói văn minh, lịch sự, hợp tình, hợp lý; biết coi trọng tâm lý, tình cảm người đang đối thoại với mình. Cần nhớ, “lựa lời” không có nghĩa là ăn nói mơn trớn, xu nịnh, giả dối để mua chuộc, lừa bịp người đối thoại. Vì kẻ ăn nói xu nịnh, giả dối là vô đạo đức, thiếu nhân cách…
“Lựa lời” là lựa… ngôn ngữ. Ngôn ngữ phản ánh vốn sống, sự hiểu biết, trình độ học vấn… của mỗi người; kẻ dốt nát, thô lậu ăn nói thô lỗ, tục tằn. Ngôn ngữ (lời nói) còn là thước đo đạo đức. Dễ thấy nhất là lời ăn, tiếng nói luôn gắn liền với lễ nghĩa, đạo lý… nên đừng tùy tiện, thiếu suy nghĩ trong nói năng, vì mỗi người chúng ta đều phải chịu trách nhiệm về lời nói của mình như Nhà sư Thích Nhất Hạnh đã dạy.
Ngay từ khi còn nằm trong bụng mẹ đến lúc cất tiếng chào đời, rồi trưởng thành khôn lớn, tiếng mẹ (lời nói) luôn gắn liền với tâm hồn và cuộc sống của mỗi người. “Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau” không chỉ chứa đựng một lời khuyên, một sự nhắc nhở phải biết trân trọng và ý thức giữ gìn. Lời ăn tiếng nói còn là điều thiêng liêng để gắn kết mọi người “người yêu người, sống để yêu nhau”!...
Nói phải đúng, đúng sự thật, đúng hiện tượng khách quan, đúng tư tưởng tình cảm, ý nghĩ của mình, phải ăn nói đúng nơi, đúng lúc. Muốn nói đúng phải biết “lựa lời”, cân nhắc ngôn từ, lựa chọn cách diễn đạt sao cho khéo, dễ hiểu, cảm hóa lòng người…
Ngôn ngữ tiếng nói là công cụ để giao tiếp, để diễn đạt tư tưởng, tình cảm con người. Ngôn ngữ - cách ăn nói là thước đo tri thức, nhân cách… Vì thế ông bà ta khuyên dạy trước khi nói phải biết lựa lời - “Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”.
Một lời nói văn minh, tế nhị, nhẹ nhàng sẽ lắng đọng trong tâm hồn của người nói lẫn người nghe!...
N.N.K (Bài viết có sử dụng tư liệu đồng nghiệp)
- TỔNG BÍ THƯ, CHỦ TỊCH NƯỚC TÔ LÂM GỬI THƯ CHÚC TẾT TRUNG THU CHO CÁC CHÁU THIẾU NIÊN, NHI ĐỒNG
- Phiên tòa giả định tuyên truyền chống khai thác IUU
- 100 thí sinh tranh tài tại Chung kết Cuộc thi “Em yêu biển, đảo quê hương”
- Trao quà Trung thu cho trẻ em lớp học tình thương
- Dâng hương tưởng niệm nhạc sĩ Cao Văn Lầu nhân kỷ niệm 105 năm Ngày ra đời bản Dạ cổ hoài lang