Cuộc sống quanh ta

Lặng lẽ gánh ve chai

Thứ Tư, 14/04/2021 | 17:29

Có những nghề, càng vất vả, nhọc nhằn, người ta càng thấy vui. Tôi nhìn những quang gánh “ve chai lông vịt”, những chiếc xe chở phế liệu chất cao ngất ngưởng, mồ hôi người gánh, người chở nhễ nhại, thấy đầy nỗi nhọc nhằn. Nhưng, đó lại là miếng cơm, manh áo của người làm nghề này.

Nhọc nhằn mưu sinh. Ảnh: C.T

“Ai ve chai, lông vịt, đồng thau, nhôm, sắt vụn hôn?”, từ khi còn bé xíu, tôi đã quen nghe tiếng rao này của người thu mua phế liệu. Cũng có khi chỉ cần tiếng “tít te” thôi thì người ta biết có gánh ve chai hoặc xe thu mua đồ phế liệu đến. Ngày trước, đời sống kinh tế của nhiều người còn khó khăn, người ta tính đến việc lấy đồ cũ không sử dụng được nữa (hư, bể) để mang ra bán; hoặc ở các lớp học, thầy cô thường kêu các em đóng góp giấy vụn để bán phế liệu làm “kế hoạch nhỏ” như một hình thức gây quỹ cho lớp… Ngày nay, việc thu mua phế liệu ế ẩm hơn, bởi người ta không còn chú tâm nhiều đến việc “mót” đồ phế liệu để bán, mà thường vứt bỏ. Nghề thu mua ve chai lông vịt thường chỉ “đắt” vào mùa gần tết, người ta dọn dẹp trang trí nhà cửa thì mới có nhiều đồ phế thải để bán.

Nhà tôi thỉnh thoảng có khách đến chơi, nên đồ phế liệu sau đó là những… vỏ bia. Nhưng tôi không bán mà gom để vào một góc, chờ người mua phế liệu đi ngang nhà thì kêu vào cho. Lâu lâu, mấy mẹ con dọn dẹp những món đồ dùng cũ, giấy vụn để dành cho họ, với suy nghĩ bán cũng chẳng có bao nhiêu tiền. Vậy mà, dù chẳng có bao nhiêu tiền, họ nhận những món đồ phế liệu mà vui ra mặt, vì không phải tốn tiền mua…

Thỉnh thoảng, tôi bắt gặp những chiếc xe thu mua phế liệu chở theo những đứa bé đen nhẻm, ốm nhom, nhìn mà thấy xót xa. Các cháu còn quá nhỏ mà phải rong ruổi theo những bước mưu sinh với nắng mưa nhọc nhằn cùng cha mẹ, chỉ vì cái nghèo. Những món đồ phế liệu là đồ chơi cũ của con nhà giàu cũng thành món đồ chơi mới trong tay các cháu.

Đôi khi, nhiều người cũng ái ngại với những người vác bao nylon đi lơ thơ trên những con đường, họ không thu mua, mà là lượm phế liệu đem đi bán. Đó là những người còn nghèo hơn cả người mua phế liệu, bởi thậm chí họ không có vốn để mua! Cũng có những người lợi dụng “nghề” lượm phế liệu để trộm cắp vặt, nên người ta mới e dè với họ. Nhưng, một điều chắc chắn là, không phải ai làm nghề thu mua phế liệu, lượm ve chai, trông có vẻ nghèo khổ kia đều là những người hèn. Bởi vì cuộc sống họ quá khó khăn, nên nghề đã chọn họ!

Những chiếc xe phế liệu chất đầy những tấm nhựa, giấy bìa, thanh sắt vụn… cồng kềnh trên đường, nhiều khi gây cản trở giao thông cho người khác và nguy hiểm đối với bản thân người chở. Nhưng đó lại chính là niềm vui, vì sau một ngày lao động mưu sinh, họ kiếm ra được đồng tiền. Những chiếc bao nylon oằn vai người lượm đồ bỏ của người khác để kiếm sống, đôi khi khiến ta rưng rưng trước những phận đời…

Nhật Quỳnh

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.