Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh với cử tri
Cần mạnh tay với thông tin vi phạm, trái pháp luật
Trong nhiều lần tiếp xúc cử tri trước và sau các kỳ họp Quốc hội, cử tri tỉnh Bạc Liêu nhiều lần bức xúc, yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) tăng cường các biện pháp xử lý tình trạng thông tin vi phạm, trái pháp luật, nhất là các thông tin lừa đảo, tệ nạn xã hội trá hình tràn lan trên mạng hiện nay. Vì thời gian qua, tình trạng thông tin lừa đảo trá hình không ai xử lý, dẫn đến nhiều người bị lừa đảo, bị mất tiền, bị ảnh hưởng đến quyền lợi và cuộc sống.
Cử tri thị trấn Gành Hào (huyện Đông Hải) kiến nghị nhiều vấn đề với Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bạc Liêu trước Kỳ họp thứ 5. Ảnh: K.K
Hiện nay, các thông tin lừa đảo, tệ nạn xã hội trá hình trên mạng đang phát triển nhanh gây nhiều hệ lụy cho xã hội. Nhận thức được vấn đề này, ngoài công tác phổ biến, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người sử dụng mạng Internet để tạo sức “đề kháng” của Nhân dân trên môi trường mạng, Bộ TT-TT đã đồng thời thực hiện nhiều biện pháp cụ thể để quản lý thông tin trên mạng Internet, nhằm hạn chế các thông tin xấu, độc, lừa đảo như cử tri nêu. Nổi bật là một số biện pháp nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý cho quản lý thông tin trên mạng như xây dựng nghị định thay thế Nghị định 72/2013/NĐ-CP ngày 15/7/2013 về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet; tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị định 15/2020/NĐ-CP ngày 3/2/2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử; Nghị định 70/2021/NĐ-CP ngày 20/7/2021 hướng dẫn thi hành Luật Quảng cáo, trong đó bổ sung các quy định về quảng cáo xuyên biên giới… Tăng cường phối hợp với các bộ, ngành nhằm phối hợp quản lý các nội dung liên quan đến lĩnh vực quản lý các ngành trên môi trường mạng.
Bên cạnh đó, Bộ triển khai, vận hành “Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia” để chủ động rà soát, phát hiện, đánh giá thông tin trên mạng và giám sát an toàn không gian mạng, chỉ đạo các nhà mạng triển khai các giải pháp kỹ thuật để ngăn chặn hiệu quả tại nguồn sự phát tán của thông tin xấu, độc, ngăn chặn kịp thời các hành vi tấn công mạng, lợi dụng mạng để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật. Vận hành Tổng đài 156 tiếp nhận phản ánh về cuộc gọi rác, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo qua 2 hình thức thoại và tin nhắn. Vận hành trang tingia.gov.vn, nhằm tiếp nhận các thông tin sai sự thật, tin xấu, độc, tin có dấu hiệu giả mạo để kịp thời xác minh, công bố để người dân có thể phản ánh, kiểm chứng các thông tin xấu, độc, giả mạo trên mạng xã hội.
Bộ TT-TT cũng triển khai nhiều giải pháp buộc các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xuyên biên giới như Facebook, Google, TikTok… tuân thủ pháp luật Việt Nam. Kiểm soát, hạn chế, ngăn chặn, gỡ bỏ kịp thời thông tin giả, xấu, độc hại, phản cảm trên mạng xã hội; thông tin xuyên tạc chủ trương, đường lối và phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, thông tin lừa đảo, đánh bạc, quảng cáo không đúng sự thật, thông tin gây mất an ninh, trật tự, an toàn xã hội, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của cơ quan, tổ chức, cá nhân; thông tin độc hại đối với trẻ em...
Ngoài ra, liên quan đến các hoạt động lừa đảo qua SIM rác, Bộ TT-TT đã yêu cầu các nhà mạng cương quyết dừng hoạt động của các thuê bao có thông tin không chính xác, chấm dứt hoạt động đăng ký, kích hoạt, mua, bán SIM không đúng quy định, nhằm định danh tài khoản, hạn chế hình thức lừa đảo qua mạng viễn thông.
K.K (tổng hợp)
- Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh tiếp xúc cử tri TP. Bạc Liêu
- 2 tháng cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm bảo vệ tết Nguyên đán Ất Tỵ
- Những quy định mới về tổ chức, hoạt động và quản lý hội
- Hiệu quả liên kết hợp tác giữa TP. Hồ Chí Minh với các tỉnh ĐBSCL
- Chế độ, chính sách đối với các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh