Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh với cử tri

Nên thận trọng trong vấn đề tăng tuổi nghỉ hưu

Thứ Hai, 28/10/2019 | 16:59

Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV đã thảo luận nhiều về dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi). Sau khi tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 7, cũng như tham vấn, khảo sát, lấy ý kiến rộng rãi, dự thảo Bộ luật Lao động đã được chỉnh lý nhiều nội dung như về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng, về giải quyết tranh chấp lao động và đình công; một số quy định chung; việc làm, tuyển dụng và quản lý lao động; hợp đồng lao động; tổ chức đối thoại tại nơi làm việc; mức lương tối thiểu; Hội đồng tiền lương quốc gia; nâng lương, nâng bậc, chế độ phụ cấp, trợ cấp…

ĐBQH Tạ Văn Hạ. Ảnh: Quốc hội

Hiện tại vẫn còn một số nội dung có ý kiến khác nhau như mở rộng khung thỏa thuận thời giờ làm thêm tối đa; tuổi nghỉ hưu; thời giờ làm việc bình thường; nghỉ lễ tết; tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở.

Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Tạ Văn Hạ, Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu bày tỏ quan điểm với hai nội dung mà Thường vụ Quốc hội đang để ở hai phương án và xin ý kiến của Quốc hội. “Thứ nhất, về tăng tuổi nghỉ hưu theo quy định tại Điều 169. Hiện nay, theo Tờ trình của Chính phủ, tăng tuổi nghỉ hưu nhằm ứng phó việc vỡ quỹ bảo hiểm và chống già hóa dân số. Tuy nhiên, điều chỉnh nghỉ hưu cũng cần phải có tầm nhìn dài hạn theo đúng như tinh thần Nghị quyết 28 của Trung ương khóa XII. Hiện nay, thế giới đã và đang bước vào cuộc cách mạng 4.0, với tốc độ phát triển nhanh chóng. Do đó vấn đề hiện đại hóa, tự động hóa, công nghệ là một xu thế tất yếu, khi đó chúng ta thấy xã hội sẽ xuất hiện một loại lao động đặc biệt, đó là lao động không hưởng lương, không cần ăn uống, nghỉ ngơi để tái tạo sức lao động, đó là những con rô-bốt. Trong báo cáo cũng so sánh kinh nghiệm của nhiều nước như Singapore, Nhật Bản và Hàn Quốc, tuy nhiên tôi cho rằng đối với sự phát triển của công nghiệp 4.0 thì ta cũng như các quốc gia khác”, ĐBQH Tạ Văn Hạ cho ý kiến.

ĐBQH Tạ Văn Hạ nói thêm: “Bên cạnh đó, hàng năm chúng ta có khoảng hơn 200.000 người trong độ tuổi lao động không có việc làm, việc kéo dài tuổi nghỉ hưu đương nhiên sẽ làm mất cơ hội việc làm của một bộ phận người lao động, trong đó đặc biệt là những người trẻ tuổi. Đối tượng trẻ tuổi không có việc làm hay nói cách khác là thất nghiệp sẽ nảy sinh nhiều vấn đề xã hội, khi đó Nhà nước, xã hội sẽ phải đầu tư nhiều nguồn lực, nhân lực, vật lực để khắc phục, thậm chí còn lớn hơn cả số tiền bù đắp cho quỹ bảo hiểm. Do vậy, tôi đề nghị Quốc hội xem xét vấn đề tăng tuổi nghỉ hưu một cách cẩn trọng nhất”.

Thứ hai, về vấn đề mở rộng khung thỏa thuận thời giờ làm thêm, ĐBQH Tạ Văn Hạ đề nghị không mở rộng khung thỏa thuận về giờ làm thêm là đảm bảo được tính khoa học, phù hợp với tầm vóc, sức khỏe của người Việt. Trong đó, về tính khoa học là tái tạo sức lao động và thể hiện tính ưu việt của chế độ, đáp ứng được tính phù hợp, hài hòa nhu cầu, lợi ích của chủ doanh nghiệp, người lao động, Nhà nước và xã hội như hiện nay chúng ta đã thực hiện.

Nguyễn Lập

(Văn phòng Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu)

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.