Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh với cử tri
“Nóng” các vấn đề Quốc hội chất vấn tại nghị trường
Trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn diễn ra 2,5 ngày (từ ngày 6 đến sáng 8/11), các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã chất vấn các thành viên Chính phủ, Trưởng ngành về nhiều lĩnh vực mà cử tri cả nước quan tâm. Cụ thể là các nhóm vấn đề thuộc các lĩnh vực công thương, NN&PTNT, giao thông - vận tải, xây dựng, tài nguyên và môi trường; nhóm nội chính gồm tư pháp, nội vụ, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, thanh tra, tòa án, kiểm sát, kiểm toán và nhóm liên quan đến lĩnh vực khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, văn hóa - thể thao và du lịch, y tế, LĐ-TB&XH, thông tin và truyền thông.
Đại biểu Lê Thị Ngọc Linh (đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu) chất vấn tại nghị trường. Ảnh: T. Thúy
Tại ngày chất vấn thứ 2, đại biểu Lê Thị Ngọc Linh (đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu) đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông liên quan đến mục tiêu vào năm 2025, 100% dân số sẽ được phủ sóng mạng 4G đô thị và đến năm 2030, 100% dân số sẽ được phủ sóng 5G mà Bộ đặt ra. Đại biểu quan ngại về lộ trình này, nhất là khi việc phủ sóng di động ở nhiều xã, thôn, bản còn khó khăn, nhiều nơi chưa có điện lưới thì giải pháp của Bộ là gì? Và Việt Nam có áp dụng cách thức phát triển thuê bao di động, viễn thông trực tuyến không? Đồng thời chỉ rõ việc này sẽ thực hiện như thế nào, lộ trình cụ thể trong thời gian tới?
Chỉ riêng lĩnh vực văn hóa - xã hội, đã có 124 đại biểu đăng ký chất vấn, 35 đại biểu thực hiện quyền chất vấn và tranh luận, 6 Bộ trưởng và Phó Thủ tướng Chính phủ - Trần Hồng Hà đã trả lời chất vấn. Còn có 89 đại biểu đăng ký chất vấn, 10 đại biểu đăng ký tranh luận, nhưng không đủ thời gian để chất vấn. Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu ngoài đại biểu Lê Thị Ngọc Linh còn có các ĐBQH khác đăng ký chất vấn nhưng không đủ thời gian với các vấn đề đó, đại biểu cũng đã gửi câu hỏi chất vấn đến các thành viên Chính phủ để được trả lời bằng văn bản.
Trong các kỳ họp Quốc hội, bao giờ các phiên chất vấn và trả lời chất vấn cũng luôn được cử tri đặc biệt quan tâm. Điển hình như trên lĩnh vực giáo dục, nhiều đại biểu bày tỏ sự lo lắng về tình trạng bạo lực học đường. Với số liệu báo cáo bình quân mỗi năm học cả nước xảy ra hơn 1.500 vụ bạo lực học đường trong và ngoài nhà trường; cứ 5.200 học sinh lại có 1 vụ học sinh đánh nhau… Đó cũng là thể hiện mong muốn của cử tri cả nước về các giải pháp đồng bộ để chấm dứt tình trạng này.
Cũng liên quan đến giáo dục, nhiều đại biểu cho biết qua giám sát tại địa phương cho thấy, nhiều trường THCS đang gặp khó khăn khi bố trí giáo viên dạy các môn tích hợp. Công tác đào tạo giáo viên dạy các môn học tích hợp và môn học mới triển khai còn chậm, tính dự báo và kế hoạch không cao. Nhiều đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo có giải pháp sự để khắc phục tình trạng trên.
Một vấn đề cũng được cử tri cả nước hết sức quan tâm liên quan đến y tế, chính là tình trạng bệnh nhân đi khám bệnh bảo hiểm y tế phải mua thuốc ở bên ngoài với lý do thiếu thuốc. Các đại biểu đề nghị Bộ trưởng Y tế chỉ đạo phối hợp với cơ quan Bảo hiểm y tế có giải pháp kịp thời cho bệnh nhân khi tham gia bảo hiểm, khám chữa bệnh, đặc biệt là đảm bảo quyền lợi cho bệnh nhân nghèo, có điều kiện kinh tế khó khăn.
Hay vấn đề khai thác cát làm sạt lở bờ sông, đại biểu các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đề nghị Trung ương cần có giải pháp hạn chế tối đa khai thác cát và tình trạng sạt lở bờ sông. Nhiều đại biểu băn khoăn với việc cấp phép khai thác cát xây dựng đường cao tốc, trong khi khối lượng cát cần cho đường cao tốc sử dụng tới 54 triệu mét khối, sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình trạng sạt lở bờ sông.
KIM TUẤN
- Hướng dẫn sử dụng phần mềm FaceFarm và WACA trong sản xuất lúa giảm phát thải
- Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh: Triển khai chương trình công tác quý 4/2024
- Làm việc với Bộ Nông nghiệp Cộng hòa Pháp về nâng cao giá trị hạt muối
- Khởi tố Hiệu trưởng trường mẫu giáo nhận hơn 300 triệu đồng bỏ túi riêng
- Họp mặt kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Hội LHPN Việt Nam