Doanh Nghiệp - Doanh nhân

Cần thực hiện ngay các giải pháp hỗ trợ

Thứ Hai, 23/03/2020 | 17:01

Sau khi Báo Bạc Liêu thực hiện chuyên đề “Ứng phó với dịch COVID-19: Doanh nghiệp “gồng mình” trong khó khăn”, đã nhận được nhiều kiến nghị của các doanh nghiệp với mong muốn UBND tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các ngành, địa phương có ngay các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp.

Ngân hàng NN&PTNT (Agribank) - một trong 4 ngân hàng thương mại được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo tham gia gói hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng dịch COVID-19 (giao dịch tại Agribank - Chi nhánh tỉnh Bạc Liêu). Ảnh: L.D

*Ông Lê Chí Tôn, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Bạc Liêu:​ Đẩy mạnh liên kết hợp tác để cùng vượt qua khó khăn

Với việc Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và UBND tỉnh ban hành các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Bạc Liêu rất phấn khởi và cảm kích với sự chia sẻ khó khăn này.

Tuy nhiên, để các chính sách hỗ trợ đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả, các ngành cần tích cực triển khai ngay các giải pháp và gói hỗ trợ cho doanh nghiệp, nhất là các thủ tục hành chính liên quan đến ngân hàng. Trong đó, cần hướng dẫn cụ thể, thiết thực và tránh tình trạng có chính sách hỗ trợ mà doanh nghiệp lại không tiếp cận được.

Bên cạnh đó, để ứng phó có hiệu quả với dịch COVID-19 và giảm tối đa thiệt hại, các doanh nghiệp cần đẩy mạnh liên kết hợp tác để cùng vượt qua khó khăn. Ngoài hỗ trợ các doanh nghiệp, các ngành, địa phương cần quan tâm đến số đông lao động nghèo sống bằng nghề kinh doanh dịch vụ, vì họ là đối tượng dễ bị tổn thương nên cần các chính sách miễn, giảm về thuế.

* Bà Đỗ Hồng Linh Thương, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Du lịch Bạc Liêu: Cần hỗ trợ giảm lãi suất cho vay

Từ khi phát sinh dịch COVID-19 cho đến nay, hoạt động kinh doanh của công ty giảm mạnh. Công suất các phòng nghỉ chỉ đạt 10% và dịch vụ ăn uống giảm 80%, đặc biệt du lịch lữ hành không có doanh thu và dịch vụ bán vé máy bay giảm 95% doanh thu. Trong khi đó, công ty không thể cắt giảm nhân viên và phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ về thuế. Để giúp doanh nghiệp giảm bớt khó khăn, công ty kiến nghị UBND tỉnh và các ngành, ngân hàng cần hỗ trợ miễn phí tiền đóng các khoản trích theo lương như: BHXH, BHYT, BHTN và phí công đoàn. Đồng thời hỗ trợ giảm lãi suất ngân hàng từ 7%/năm xuống còn 3%/năm (đối với vay ngắn hạn) và từ 10,5%/năm xuống còn 5%/năm (đối với vay trung hạn), đặt biệt là hỗ trợ đơn giá thuê đất hàng năm giảm 60% và giảm đồng bộ các đơn giá dịch vụ nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp vượt khó sau khi hết dịch COVID-19.

* Ông Ngô Thanh Đức Tâm, Giám đốc Công ty TNHH hệ thống giáo dục Tâm Tâm: Sẽ tạm thời đóng cửa toàn bộ cơ sở giáo dục nếu dịch bệnh kéo dài

Trong hơn 2 tháng qua, doanh nghiệp không có doanh thu, vì học sinh nghỉ học. Tuy gặp khó, nhưng doanh nghiệp vẫn duy trì 100% giáo viên và nhân viên. Vì vậy, mỗi tháng doanh nghiệp phải chi hơn 500 triệu đồng để chi trả tiền lương cho người lao động. Thêm vào đó, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực giáo dục không có tài sản đảm bảo để thế chấp ngân hàng. Do vậy, việc vay vốn ngân hàng để có kinh phí tháo gỡ các khó khăn hiện nay càng thêm khó khăn. Nếu việc nghỉ học kéo dài đến cuối tháng 3/2020, doanh nghiệp phải tính đến phương án cắt giảm nhân sự giáo viên và nhân viên. Còn nếu việc nghỉ học kéo sau tháng 3/2020 hoặc lâu hơn, doanh nghiệp sẽ tạm thời đóng cửa toàn bộ cơ sở giáo dục.

Vì vậy, doanh nghiệp kiến nghị BHXH tỉnh có chính sách hỗ trợ đặc biệt đối với các cơ sở giáo dục, giáo viên, bảo mẫu không phân biệt số năm tham gia BHXH. Đồng thời, các ngân hàng nên có chính sách hoặc gói hỗ trợ dài hạn và cần tái cơ cấu lại nợ dài hạn ít nhất là 1 năm để doanh nghiệp có đủ thời gian khôi phục khó khăn và hoạt động trở lại.

K.T (thực hiện)

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.