Đời sống - Xã hội
Ảnh hưởng của bạo hành gia đình đối với trẻ nhỏ
Đối với trẻ em, gia đình là nơi nương tựa vững chắc và êm ái nhất trong những năm tháng đầu đời. Được sống cùng cha mẹ và những người ruột thịt, được hưởng tình yêu thương cũng như sự chăm sóc về vật chất và tinh thần là quyền chính đáng của mọi trẻ em. Khi lớn lên, những đứa trẻ được chăm sóc cẩn thận thường có đủ hiểu biết, sức khỏe và sống một cuộc sống hữu ích cho gia đình và xã hội. Nhưng trên thực tế, có rất nhiều trẻ em đã không được sống như vậy.
Hạnh phúc. Ảnh: T.L
Bất cứ hành vi bạo hành gia đình nào cũng ảnh hưởng đến sức khỏe và tâm lý của trẻ. Theo các chuyên gia tâm lý, hành vi bạo hành trong cách cư xử của cha mẹ sẽ gây tác hại to lớn, làm tổn thương tinh thần ở trẻ em, đôi khi kéo dài suốt cả cuộc đời, mà người lớn không thể hiểu hết nỗi khổ và khiếp sợ của con trẻ khi phải chứng kiến cảnh bạo hành gia đình. Hàng trăm đứa trẻ đã nói rằng, chúng chưa từng có cảm giác sợ hãi điều gì hơn là khi phải chứng kiến những hành vi bạo hành của cha với mẹ.
Cơ thể trẻ đang phát triển, mọi hành vi bạo lực đối với trẻ đều ảnh hưởng đến sức khỏe và sự phát triển thể chất của trẻ. Bên cạnh đó, hành vi bạo lực làm cho tinh thần trẻ sa sút cũng là nguyên nhân làm cản trở sự phát triển thể chất ở trẻ. Trẻ em phải chứng kiến cảnh bạo lực gia đình làm tâm lý trẻ lo sợ, buồn chán không muốn ăn uống, vận động, mọi sinh hoạt của trẻ bị ảnh hưởng. Đồng thời, sự căng thẳng tinh thần làm cho các cơ quan trên cơ thể trẻ cũng có những rối loạn trong hoạt động, làm ảnh hưởng lớn đến sự phát triển thể chất ở trẻ.
Con cái thường học theo tấm gương của cha mẹ, ảnh hưởng của cha mẹ đối với trẻ là rất lớn. Muốn giáo dục trẻ thì cha mẹ phải luôn là tấm gương sáng về phẩm chất và hành vi với trẻ. Những hành vi sai trái, những hành động bạo lực hay những lời mắng chửi thậm tệ đều có ảnh hưởng đến việc giáo dục trẻ, trẻ có thể học theo những hành vi đó của cha mẹ, hoặc cha mẹ đã làm mất uy tín của mình với trẻ khi trẻ chứng kiến hành vi bạo lực của cha mẹ. Như vậy cha mẹ sẽ không giáo dục được cho con những phẩm chất tốt khi trẻ phải chứng kiến cảnh bạo lực từ chính cha mẹ. Hiện nay lại xuất hiện quá nhiều hình ảnh trẻ ở tuổi mẫu giáo bị bạo lực bởi những người được xem là người mẹ thứ hai, đau lòng hơn trẻ lại bị bạo lực chính ở người cha, người mẹ của mình… và hệ lụy là có thể gây ra cho trẻ - những nạn nhân trực tiếp hoặc phải chứng kiến cảnh người mẹ là nạn nhân của bạo lực gia đình - những rối loạn tâm lý và sự sa sút trong học tập. Các nghiên cứu về vấn đề này cho thấy, tỷ lệ học sinh bỏ học vì lý do bạo lực gia đình thường chiếm rất cao. Trong trường hợp không bỏ học, việc học hành sa sút và những rối loạn nhân cách của các học sinh là nạn nhân (trầm cảm, và trong một số trường hợp là quấy phá hay có hành vi bạo lực với người khác...).
Những hình ảnh bạo lực gia đình trở thành một vết thương khó phai mờ trong trí não trẻ. Khi trưởng thành, chúng khó hòa nhập với cuộc sống, dễ bị căng thẳng thần kinh, dễ bị kích động bạo lực hoặc có tư tưởng trầm uất. Những bé trai dần dần sẽ hình thành nhận thức rằng làm đàn ông có quyền đánh đập phụ nữ và rồi khi trở thành người chồng thì lại có cách ứng xử như vậy đối với vợ. Với các bé gái, chứng kiến cảnh mẹ bị cha mắng chửi, đánh đập thì có thể sau này sẽ cam chịu cảnh bạo lực hoặc ác cảm với đàn ông.
Bạo lực gia đình ở những phạm vi, mức độ khác nhau không chỉ gây hậu quả nặng nề về sức khỏe, tâm lý của phụ nữ và những thành viên trong gia đình, đặc biệt là trẻ em, mà còn là những hành vi vi phạm pháp luật. Do đó, bạo lực gia đình cần được xóa bỏ. Để thực hiện được điều đó, hơn hết phải có sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể, thành viên gia đình và toàn xã hội. Mọi người hãy cùng chung tay loại bỏ những hành động bạo hành đối với phụ nữ trên toàn thế giới để phòng tránh bạo lực gia đình và vì sự phát triển toàn diện của trẻ thơ. Xây dựng gia đình hạnh phúc, không có bạo lực gia đình thì gia đình mới chính là chiếc nôi nuôi dưỡng thể chất và tâm hồn trong sáng cho trẻ.
NGUYỄN QUYÊN