Các khu tái định cư: Chưa thể giúp dân an cư

Thứ Sáu, 08/05/2020 | 17:04

LTS: Thời gian qua, Bạc Liêu đã không ngừng nỗ lực và tạo mọi thuận lợi để những người sống ở “làng rừng” và những hộ nghèo không đất ở có điều kiện được an cư. Tuy nhiên, các dự án tái định cư (TĐC) vẫn chưa phải là giải pháp bền vững khi nhiều hộ vẫn tiếp tục chấp nhận bám biển, bám rừng, cuộc sống lênh đênh theo từng con nước lớn, ròng.

Bài 1: Đầu tư tiền tỷ rồi… bỏ hoang

Để di dời, sắp xếp TĐC cho hơn 900 hộ dân đang sinh sống trong các khu vực rừng phòng hộ xung yếu và TĐC tại chỗ cho các hộ trong khu vực xây dựng các dự án…, Bạc Liêu đã xây dựng 8 điểm TĐC trị giá gần 360 tỷ đồng trải dài từ địa bàn TP. Bạc Liêu đến huyện Đông Hải. Đến nay, nhiều khu TĐC đã cơ bản hoàn thiện cơ sở hạ tầng, thế nhưng đến nay những khu này vẫn chưa được “mở cửa”, để rồi nhiều hạng mục hạ tầng ngày một hư hỏng, xuống cấp, gây lãng phí và bức xúc trong dư luận.

Những căn nhà xập xệ nằm ngay sát khu tái định cư ấp 13 (xã Vĩnh Hậu, huyện Hòa Bình).

Chưa hoạt động nhưng đã… xuống cấp

Được xây dựng và hoàn thiện từ năm 2019, nhưng hiện nay, nhiều hạng mục hạ tầng của Dự án TĐC thuộc ấp 13 (xã Vĩnh Hậu, huyện Hòa Bình) như: đường nội bộ, điện, nhà văn hóa cộng đồng, trường mầm non… đã xuống cấp dù chưa đưa vào hoạt động. Đáng chú ý, nhiều diện tích đất thu hồi phục vụ dự án TĐC nay đã bị người dân tái lấn chiếm để dựng lán trại chăn nuôi dê, làm ao vèo con giống… Trong khi đó, hàng trăm hộ dân sống ở các cụm, tuyến dân cư ven biển thì ngày đêm mong mỏi khu TĐC sớm đưa vào hoạt động để bà con có chỗ ở ổn định.

Dẫn chúng tôi đi thực địa một vòng quanh khu TĐC, anh Trà Văn Trơn (xã Vĩnh Hậu) không khỏi xót ruột: “Lúc khởi công xây dựng khu TĐC, bà con trong xóm tôi mừng lắm. Mọi người ai cũng mong công trình sớm hoàn thành để có thể chuyển vào nơi ở mới, có điện, nước sinh hoạt; con cái cũng có trường lớp học hành tử tế… Giờ thì công trình này trở thành nơi "lý tưởng" để người ta chăn thả dê, phơi con ruốc..., nhìn mà xót”.

Được biết, khu TĐC ấp 13 được xây dựng nhằm di dời những hộ dân sống ven biển, dưới tán rừng phòng hộ và cả những hộ không có chỗ ở ổn định về đây sinh sống. Tuy nhiên, một năm nay, khu TĐC này vẫn chưa phát huy được vai trò và nhiệm vụ của mình, khiến người dân “làng rừng” không khỏi thất vọng. “Khổ quá hóa liều”, nhiều hộ dân nơi đây vay mượn tiền bạc mua sắt thép, cát, đá… về dựng nhà trái phép ngay dưới tán rừng.

Nếu như khu TĐC ở ấp 13 xây xong lại bị bỏ hoang dẫn đến tình trạng xuống cấp, hư hỏng gây lãng phí và bức xúc trong dân thì ở dự án TĐC thuộc ấp 18 (xã Phong Tân, TX. Giá Rai) người dân lại không chịu vào sinh sống. Được triển khai từ năm 2012, với diện tích 3.000m2, nhưng đến nay vẫn còn dang dở, khu TĐC hiện cũng chỉ là một khu đất hoang với lau sậy mọc um tùm. Có 3 hộ dân tiên phong vào định cư từ năm 2016, nhưng đến nay ngoại trừ có được căn nhà che mưa, che nắng thì cuộc sống vẫn chưa ổn định.

Bà Võ Thanh Trà chia sẻ: “Năm 2016, tôi được UBND Phường 1, TX. Giá Rai vận động vào khu TĐC này ở và được hỗ trợ xây căn nhà diện tích 5x20m. Khi đó, khu này hoang vắng lắm, tôi cứ đinh ninh vài năm nữa có thêm nhiều hàng xóm thì khu TĐC sẽ vui hơn. Nhưng từ đó đến nay, cũng chỉ có gia đình tôi cùng vài hộ đã dọn vào trước đó ở tại khu này”.

Người dân ấp 18 (xã Phong Tân, TX. Giá Rai) phản ánh tình trạng hoang hóa của khu tái định cư. Ảnh: C.L

Vì sao người dân không mặn mà?

Hiện nay, hầu hết các địa phương trong tỉnh đều có quy hoạch và xây dựng các khu TĐC. Thế nhưng, phần lớn vị trí những khu TĐC thường nằm cách xa các trung tâm, dân cư thưa thớt. Chính vì thế, nếu muốn kiếm được việc làm hoặc kinh doanh, mua bán nhỏ, mưu sinh thì người dân ở các khu TĐC phải di chuyển một quãng đường khá xa. Thế là chuyện người dân đến ở, rồi lại dời đi như một điệp khúc mà các cấp, các ngành cũng như chính quyền sở tại cũng không thể quản lý xuể. Bởi, phần đông những hộ được đưa về định cư tại các khu TĐC là dân di cư tự do. Chính vì vậy, dù các địa phương đã có phương án xây cất nhà, hỗ trợ vốn, khi về nơi ở mới... thì vẫn còn nhiều hộ không mấy “mặn mà” với việc chuyển vào ở tại các khu TĐC.

Nguyên nhân chính của vấn đề này là do khi di dân và quy hoạch các dự án TĐC ngành chức năng không tính đến tập quán sinh hoạt của người dân, không giúp họ tạo ra sinh kế ổn định, lâu dài khi về nơi ở mới. Thế là, sau vài tháng chi xài hết khoản tiền hỗ trợ thì họ trở lại sống với việc bám biển, phá rừng. Có không ít trường hợp bỏ lại nhà cửa đã được cấp để dọn về nơi ở cũ, hoặc khóa cửa rồi cả nhà dắt díu nhau lên các khu công nghiệp ở Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh kiếm sống.

Bà Nguyễn Cẩm Tú - Phó Chủ tịch UBND TX. Giá Rai, cho biết: “Nhiều hộ xin được vào định cư ở khu TĐC ấp 18, nhưng sau khi đến xem vị trí đất thì họ lắc đầu, quay về nơi ở cũ chứ không chịu dọn vào khu TĐC. Nguyên nhân của tình trạng trên là do vị trí khu TĐC nằm cách xa trung tâm nên bà con khi vào đó rất khó tìm được việc làm và tạo cơ sở để làm ăn, mua bán. Sắp tới, UBND TX. Giá Rai sẽ tìm giải pháp để khắc phục tình trạng này, giúp bà con được an cư, lạc nghiệp khi về nơi ở mới”.

Để những khu TĐC thật sự là “mái nhà chung” cho những di dân tự do, rất cần sự chung tay, góp sức của các cấp, các ngành và cần tăng cường hơn nữa trách nhiệm giữa chủ đầu tư và chủ dự án. Khi xác minh đối tượng đưa vào khu TĐC, cần vận động, tạo tâm lý để họ yên tâm sinh sống. Đồng thời phải tính đến hiệu quả của dự án, tránh tình trạng xây dựng khu TĐC rồi bỏ hoang, gây lãng phí tiền của Nhà nước. Để tìm giải pháp căn cơ, bền vững cho dự án TĐC “làng rừng”, mới đây, báo cáo tại buổi làm việc với Đoàn giám sát của HĐND tỉnh, ông Lưu Hoàng Ly - Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: “Hiện Sở NN&PTNT đang lập phương án cụ thể để di dời người dân sống trong các tán rừng phòng hộ xung yếu ra ở tại các khu TĐC. Tuy nhiên, về lâu dài thì cần có phương án cụ thể để bà con có thể tìm được việc làm, có thu nhập ổn định. Đây mới là vấn đề cốt lõi của việc di dời người dân vào khu TĐC và cần sự vào cuộc của tất cả các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở”.

Để dự án TĐC “làng rừng” không đi theo “vết xe đổ” như một số dự án TĐC đã từng được triển khai trước đây của các đơn vị có liên quan, thiết nghĩ cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện cũng như tìm nguồn vốn hỗ trợ, những giải pháp hữu hiệu để người dân TĐC có nơi ăn, chốn ở ổn định. Đồng thời, chính quyền địa phương nên tăng cường tuyên truyền, vận động để người dân TĐC nâng cao ý thức tự vươn lên, không trông chờ, ỷ lại vào sự trợ giúp của Nhà nước.  

Chí Linh

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.