Chênh vênh xóm ngụ cư

Thứ Tư, 15/05/2019 | 16:15

Giữa nhịp sống ồn ào, hối hả, có những xóm ngụ cư với mỗi xóm vài chục nóc gia nằm lọt thỏm trong cánh rừng phòng hộ ven biển Bạc Liêu, tách biệt hẳn với cuộc sống bên ngoài. Là những người di cư tự do, họ tập trung lại thành xóm, sống lay lắt qua ngày dưới những tán rừng, những bãi bồi ven biển để mò cua, bắt ốc mưu sinh. Không đất sản xuất, không nghề nghiệp ổn định, trẻ con sinh ra không giấy khai sinh, không được đến trường, phải sớm lao động phụ giúp gia đình. Họ mong được Nhà nước quan tâm giúp đỡ, tạo điều kiện để được làm các giấy tờ tùy thân, sớm an cư lạc nghiệp, con cháu có thể học hành, khép lại cuộc sống tăm tối…

Bài 1: Lay lắt những mảnh đời nghèo khó

Mỗi người một hoàn cảnh khác nhau, đến từ nhiều vùng quê khác nhau, nhưng những hộ dân sống ở xóm ngụ cư ven biển Bạc Liêu có chung một điểm: nghèo đói và thất học, chọn vùng đất này làm nơi mưu sinh. Họ sống một cách lặng lẽ, cơ hội nhìn xa, trông rộng với nhịp sống bên ngoài dường như là điều khó chạm đến, và chuyện con cái được học hành, có thuốc men trị bệnh, hưởng thụ văn hóa… là điều xa xỉ.

Luẩn quẩn trong vòng nghèo khó

Rừng phòng hộ ven biển Bạc Liêu hiện có trên 4.000ha, nối liền một mạch 56km từ giáp thị xã Vĩnh Châu (tỉnh Sóc Trăng) đến thị trấn Gành Hào (huyện Đông Hải). Trong đó, 2 xã ven biển là Vĩnh Thịnh, Vĩnh Hậu (huyện Hòa Bình) có nhiều hộ dân sinh sống nhất. Người dân tứ xứ kéo về đây sinh sống, quần tụ thành những xóm biệt lập, lọt thỏm, quạnh hiu giữa những cánh rừng phòng hộ và họ đặt tên xóm theo tên các con kênh thủy lợi như: Mương Hai, Mương Bốn, Mương Bảy...

Sạp bán thực phẩm duy nhất ở Mương Hai.

Ở mỗi mương có từ 20 - 30 nóc gia sinh sống, đa phần là những căn chòi lá tạm bợ, rách bươm. Họ không tổ chức nuôi trồng, sản xuất mà chủ yếu sống dựa vào nguồn lợi từ rừng, biển như bắt tôm, cá, đào bới sâm đất, kể cả việc... phá rừng. Nếu đến đây vào ban ngày thì chỉ gặp được người già và trẻ nhỏ. Những đứa trẻ tuổi chỉ mới lên 5, lên 6 là đã biết thay cha mẹ chăm lo cho em, một số thì lặn lội vào rừng hay ra biển cùng cha mẹ lao động kiếm cái ăn đắp đổi qua ngày. Cuộc sống khó khăn, nay đói mai no, tách biệt với thế giới bên ngoài đã khiến cho những cư dân ở đây có cách sống và sinh hoạt lạc hậu, thiếu thốn trăm bề.

Theo cha vào Mương Bốn (ấp Vĩnh Tiến, xã Vĩnh Thịnh, huyện Hòa Bình) từ khi còn ẵm ngửa trên tay, đến nay bà Lâm Thị Khiết (SN 1973) đã có con đàn, cháu đống. Bà Khiết kể: “40 năm trước, cha tôi dắt díu cả gia đình đến Mương Bốn cặm chòi, bắt đầu cuộc sống mới. Ngày ngày chúng tôi theo cha vào rừng kiếm củi, hoặc ra biển mò cua, bắt ốc để kiếm cái ăn qua ngày. Anh em tôi cùng nhiều đứa trẻ khác lớn lên trong hoàn cảnh thiếu thốn: không điện, không đường, không được đi học, không khám chữa bệnh, thiếu nước sạch sinh hoạt..., sống biệt lập hoàn toàn với cuộc sống bên ngoài. Tuy hiện nay cuộc sống đỡ vất vả hơn khi có nguồn điện “chia hơi” để xài, có nước giếng khoan để sinh hoạt, con cháu ít nhiều cũng biết được vài mặt chữ…, thế nhưng với nguồn thu nhập bấp bênh, không ổn định, chúng tôi cứ luẩn quẩn trong cái vòng đói nghèo, không có lối ra”.

Men theo con đường đất gồ ghề một khoảng khá xa, chúng tôi tìm đến Mương Bảy (ấp Vĩnh Tiến) và được biết, người đầu tiên đặt chân đến đây là anh em ông Tô Văn Chiến. Từ một vài hộ, đến nay, qua hơn 50 năm nơi đây đã có gần 30 nóc gia sinh sống, hầu hết đều là họ hàng với nhau.

Mỗi ngày, bất chấp mưa to, nắng gắt, các hộ dân ở Mương Bảy đều kéo nhau vào rừng nhặt từng con ốc, bắt từng con cua. Hôm nào bắt được nhiều thì được no bụng, còn ngược lại thì ăn cháo loãng thay cơm… Khi những đứa trẻ lớn lên, được dựng vợ gả chồng, cũng nối tiếp cuộc sống của cha mẹ, tách hộ - cất căn chòi nhỏ rồi lại kéo nhau ra biển, vào rừng mưu sinh. Một vòng đời lặp lại, luẩn quẩn trong cái nghèo khó không lối ra.

Cuộc sống dập dềnh theo sóng nước

Tuy không phải sống tách biệt trong rừng, nhưng cuộc sống nhiều cư dân ở Khu tình thương 64 căn, khu E, khu F... (phường Nhà Mát, TP. Bạc Liêu) cũng thiếu khốn, khó khăn không kém. Đa phần người dân ở đây đều là người xứ khác đến, sống dựa vào nghề đi biển, làm thuê và mua gánh bán bưng quanh khu du lịch Quán âm Phật đài. Những hộ sống lâu năm được chính quyền tạo điều kiện cho mượn đất ở tạm, hoặc xây nhà kiên cố cho họ trú thân. Những năm gần đây, có thêm nhiều người từ nơi khác tìm đến, rồi tự ý cất nhà nối liền các khu ngụ cư. Dân cư ngày càng đông đúc và hộ nghèo, trẻ em thất học vì thế cũng tăng theo.

Những đứa trẻ ở Mương Hai sống biệt lập với cuộc sống bên ngoài. Ảnh: T.Q

Hầu hết người dân ở các xóm ngụ cư gắn với nhiều cái không: Không đất sản xuất, không nghề nghiệp ổn định, không giấy tờ tùy thân, nhiều cặp đôi sống với nhau không đăng ký kết hôn, dẫn đến những đứa con sinh ra không được làm giấy khai sinh, không được đến trường. Trẻ nhỏ sinh ra không được tiêm chủng đầy đủ, thiếu ăn, thiếu mặc, sớm theo cha mẹ mưu sinh, phải tự chăm sóc bản thân. Do không được chăm sóc tốt, không được ăn uống đủ đầy nên nhiều em bị suy dinh dưỡng, chậm phát triển…

Chị Yến Nhi (40 tuổi, ngụ khu E, phường Nhà Mát, TP. Bạc Liêu) phân trần: “Hôm trước con tôi bệnh mà trong túi không có tiền, tôi đánh liều đem con nhập viện. Khi thấy con đã qua cơn nguy hiểm thì tôi dắt con trốn viện. Biết làm như vậy là không đúng, nhưng tôi thật sự không biết đào đâu ra tiền để đóng viện phí…”.

Cạnh nhà chị Nhi là nhà của Nguyễn Thị Bé Trúc. Tuy mới 29 tuổi nhưng Trúc đã là mẹ của 6 đứa con nheo nhóc, èo uột vì đói ăn. Cả 6 đứa trẻ đều không có giấy khai sinh. Tương tự như chị Nhi, Trúc cũng đã từng trốn viện sau khi sinh đứa con thứ 6 đúng 1 ngày vì không có tiền để đóng viện phí. Đau lòng hơn là trong số 6 đứa trẻ, có một bé 3 tuổi do không được tiêm chủng phòng bệnh nên bị liệt cả hai chân…

Còn rất nhiều những mảnh đời, những câu chuyện cùng với nhiều hoàn cảnh éo le khác nhau. Cuộc sống của những mảnh đời nghèo khó ở xóm ngụ cư tách biệt hoàn toàn với cuộc sống đô thị phồn hoa. Đối với họ, việc mưu sinh vẫn là ưu tiên hàng đầu, chuyện học hành, thuốc men, nhu cầu văn hóa là điều xa xỉ. Mùa mưa đã tới, những túp lều ọp ẹp vẫn đang phập phồng chống chọi với gió mưa, và cuộc sống của họ cũng dập dềnh theo sóng nước, bữa đói, bữa no.

Minh Luân

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.