Đời sống - Xã hội
Chung tay thực hiện tốt chính sách tín dụng
Thời gian qua, Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) huyện Hòa Bình đã tích cực thực hiện tốt các chính sách tín dụng. Qua đó, đã góp phần quan trọng vào công tác an sinh xã hội trên địa bàn nói riêng và của tỉnh nói chung.
Ngân hàng CSXH huyện Hòa Bình tổ chức vay vốn lưu động phục vụ người dân ở các xã.
PHÁT HUY HIỆU QUẢ
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Hòa Bình lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra 20 mục tiêu và nhiệm vụ. Trong đó, có chỉ tiêu đưa tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 1,5%; giải quyết việc làm cho 3.000 lao động/năm; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 74%; tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch đạt 80% và GRDP bình quân đầu người đến năm 2025 đạt 115 - 120 triệu đồng.
Để đảm bảo hoàn thành các chỉ tiêu quan trọng này, Ban Thường vụ Huyện ủy Hòa Bình đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo gắn với phát huy hiệu quả từ chương trình tín dụng chính sách (TDCS). Đồng thời, Ban Thường vụ Huyện ủy đã ban hành Chỉ thị 06 về việc nâng cao chất lượng TDCS xã hội và sử dụng hiệu quả nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước.
Thực hiện chỉ đạo này, Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Hòa Bình đã chủ động bám sát các chỉ tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đảng bộ đề ra để tham mưu cho Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Huyện ủy chỉ đạo triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình TDCS. Ngân hàng CSXH huyện còn chủ động phối hợp với cơ quan, ban, ngành, đoàn thể và cấp ủy, chính quyền xã, thị trấn rà soát đối tượng và giải ngân kịp thời nguồn vốn ưu đãi đến 100% hộ nghèo, cận nghèo, đối tượng chính sách có nhu cầu và hội đủ điều kiện vay vốn. Đến tháng 9/2023, doanh số cho vay của Ngân hàng CSXH huyện Hòa Bình trên 286 tỷ đồng, với 8.996 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn. Tổng dư nợ từ các chương trình TDCS đạt hơn 414 tỷ đồng, tăng trên 102 tỷ đồng so với đầu nhiệm kỳ, với khoảng 12.700 hộ còn dư nợ. Trong đó, chương trình cho vay hộ nghèo, cận nghèo đã giúp cho trên 2.700 lượt hộ được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển sản xuất - kinh doanh, ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo. Đồng thời, giảm nguy cơ tái nghèo và đây được xác định là chương trình có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, đáp ứng nguyện vọng của Nhân dân. Đặc biệt, đối với các đối tượng yếu thế trong xã hội, chương trình góp phần quan trọng vào mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo và tránh trường hợp hộ nghèo phải vay tín dụng đen từ bên ngoài. Hay chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm theo Nghị định 61 của Chính phủ, đã giúp trên 2.070 lao động được vay vốn giải quyết việc làm, góp phần giảm tỷ lệ thất nghiệp, tăng thu nhập, mở rộng sản xuất, phát triển các ngành nghề, thay đổi cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa ở khu vực nông thôn…
Nông dân huyện Hòa Bình thu hoạch lúa chất lượng cao từ chương trình đầu tư tín dụng cho hộ nghèo và cận nghèo. Ảnh: K.T
GÓP PHẦN XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Một trong những kết quả đáng ghi nhận là cùng với đầu tư tín dụng cho phát triển sản xuất, giải quyết việc làm, Ngân hàng CSXH huyện Hòa Bình còn tăng cường đầu tư tín dụng vào các chương trình góp phần thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM). Đơn cử như, thực hiện Chiến lược quốc gia về cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn theo Quyết định 62 của Thủ tướng Chính phủ, trong 2 năm qua, Ngân hàng CSXH huyện đã giải ngân cho hơn 2.510 lượt hộ vay vốn xây dựng công trình nước sạch và công trình vệ sinh. Với sự đầu tư này, ngoài việc giúp các hộ gia đình có điều kiện sử dụng nước sạch hợp vệ sinh, từng bước cải thiện điều kiện sinh hoạt, nâng cao sức khỏe cho hộ dân, còn hình thành nếp sống văn hóa, văn minh, nâng cao ý thức giữ gìn cảnh quan và bảo vệ môi trường xanh - sạch - đẹp, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn và góp phần hoàn thành các chỉ tiêu quan trọng trong Bộ tiêu chí về xây dựng NTM nâng cao và NTM kiểu mẫu.
Phải khẳng định rằng, việc tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình TDCS đã góp phần quan trọng trong thúc đẩy hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Hòa Bình lần thứ XII đề ra. Tuy nhiên, việc thực hiện Chỉ thị 06 thời gian qua vẫn còn một số khó khăn, hạn chế như: Nhận thức của một số cấp ủy, chính quyền cơ sở về TDCS xã hội còn chưa đầy đủ và chưa xem đây là nhiệm vụ của cấp ủy. Một số địa phương còn chưa đưa việc lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động TDCS vào chương trình, kế hoạch hoạt động thường xuyên của cấp ủy, chính quyền mà chủ yếu giao cho các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác. Cũng như, chưa quan tâm xử lý những hộ có khả năng nhưng cố tình chây ỳ không trả nợ; một số thành viên Ban đại diện Hội đồng quản trị chưa quan tâm triển khai các chương trình TDCS và thực hiện củng cố nâng cao chất lượng tín dụng, kiểm tra, giám sát để chỉ đạo, giải quyết kịp thời những tồn tại, khó khăn và vướng mắc tại cơ sở…, dẫn đến một phần nguồn vốn TDCS chưa phát huy hiệu quả, chất lượng TDCS chưa đồng đều.
Vì vậy, để tiếp tục phát huy hiệu quả của TDCS xã hội và thật sự là “trụ cột” quan trọng của hệ thống an sinh, các ngành, địa phương cần quan tâm chung tay lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt hơn nữa, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị cùng tham gia công tác này.
Nguyễn Xuân Dũng (Ngân hàng CSXH huyện Hòa Bình)
- Gấp rút hoàn thành việc sắp xếp đơn vị hành chính các cấp
- Sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã: Chính sách cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số có thay đổi?
- Báo chí với sứ mệnh phát triển văn hóa, con người Việt Nam
- Đảm bảo triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia vùng dân tộc thiểu số
- Những bộ phim kinh điển trong tuổi thơ