Đời sống - Xã hội
Chứng tích hào hùng của những người tù Côn Đảo
Với những người trẻ, sinh ra và lớn lên sau ngày đất nước hòa bình, thống nhất, điều đọng lại sâu sắc nhất sau chuyến tham quan di tích lịch sử chính là khí tiết của người tù chính trị trước cảnh đọa đày. Nhiều thế hệ chiến sĩ cách mạng, đồng bào yêu nước trong lao tù vẫn kiên cường, bất khuất đấu tranh với địch. Từ một nhà tù biệt lập giữa biển khơi, họ biến thành trường học cách mạng mà mỗi học viên là một chiến sĩ cộng sản trung kiên, thà hy sinh chứ nhất định không khuất phục, không chịu đầu hàng.
* Tái dựng hình ảnh nữ tù Đội biệt động mang tên Lê Thị Riêng bị cấm cố trong chuồng cọp Côn Đảo.
* Các hội viên Hội cựu Tù binh - Tù chính trị tỉnh Bạc Liêu. Ảnh: T.Đ
NHỮNG NỮ TÙ CHUỒNG CỌP
Sổ sách lưu lại tại Bảo tàng Côn Đảo là trong thời gian bị giam cầm, lực lượng nữ tù chính trị ở Trại V và Chuồng cọp đã trở thành lực lượng trung kiên, sát cánh với tập thể tù chính trị và tập thể tù án chính trị chống chào cờ tại chuồng cọp.
Tháng 8/1966, ngụy quyền Sài Gòn đày 36 phụ nữ chống đối lâu năm từ các nhà lao đất liền ra Côn Đảo. Ở nơi đó, các chị tuyên bố chống chào cờ, chống nội quy, chịu chế độ cấm cố khắc nghiệt. Năm 1967, các chị đã tuyệt thực 10 ngày đòi cải thiện đời sống, đòi đưa về đất liền. Chị Nguyễn Thị Bé đã dùng dao lam mổ bụng trước mặt tên Đại úy Nguyễn Phúc Trân, Phụ tá Quản đốc để phản đối hành động man rợ của chúng đối với phụ nữ.
Cuối năm 1968, địch đưa 36 phụ nữ này về Nhà lao Thủ Đức. Sau cuộc tổ chức lễ tang Bác Hồ tại các nhà lao Thủ Đức, Chí Hòa, ngụy quyền Sài Gòn đày 342 phụ nữ và 2 cháu bé ra Côn Đảo. Tất cả bị giam ở Chuồng cọp, mỗi chuồng 5 người. Bất chấp nội quy, các chị đã liên hệ công khai, đấu tranh đòi tăng khẩu phần ăn, đòi trả quần áo, vật dụng vệ sinh, đòi được tắm giặt, có thuốc trị bệnh, đòi cho các chị có thai ra bệnh xá sinh nở. Bọn gác ngục đã nhiều lần đàn áp bằng vôi bột và sào nhọn bịt đồng.
Bản sơ kết tình hình Nhà lao Côn Đảo của Trung ương Cục soạn thảo năm 1974 đánh giá: “Từ cuối năm 1969 đến tháng 8/1970, đội ngũ chị em phụ nữ ở Chuồng cọp là ngọn cờ hiệu triệu dũng cảm nhất, kiên quyết nhất, làm cho địch khiếp sợ, góp phần động viên phong trào toàn đảo. Đầu năm 1970, tập thể nữ tù chính trị ở Chuồng cọp đã tổ chức học tập Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh mà một số người có trách nhiệm đã chép được từ Nhà lao Chí Hòa. Bản Di chúc được chuyền tay trong số cán bộ cốt cán ở các chuồng. Vào thời điểm thuận lợi, số cán bộ cốt cán của mỗi chuồng sẽ truyền miệng từng đoạn Di chúc của Bác Hồ kính yêu cho những người cùng chuồng.
Chị Lê Hồng Quân, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn biệt động nữ mang tên Lê Thị Riêng đã phổ biến Di chúc của Bác Hồ cho tập thể 14 chị em què lết, tàn tật ở gian Hầm đá nổi số 1 đối diện với Chuồng cọp II vào đúng dịp 19/5/1970. Tất cả họ đều cam kết quyết tử chống ly khai Đảng, chống ly khai Việt cộng trở về với “quốc gia”; chống học tập, cải tạo tư tưởng; chống lăn tay, chụp hình; chống tráo án chính trị thành thường phạm và không nhìn nhận chủ nghĩa quốc gia.
VƯỢT NGỤC VỀ KHÁNG CHIẾN
Dù phải đối mặt với mọi thủ đoạn tra tấn tàn bạo của địch, với căn bệnh sốt rét rừng triền miên, nhưng nhiều sĩ phu yêu nước như Huỳnh Thúc Kháng, Phan Chu Trinh, Lê Hồng Phong... đến những nhà cách mạng nổi tiếng như: Tôn Đức Thắng, Lê Duẩn, Lê Đức Thọ, Phạm Hùng, Võ Thị Sáu, Phạm Văn Đồng... vẫn giữ gìn khí tiết, không ngừng đấu tranh với địch, nổi dậy giải phóng Côn Đảo. Vượt ngục là cuộc chạy đua giữa tính mạng với tử thần, nhưng không có hiểm nguy nào ngăn được ý chí của người tù chính trị cho dù chết chìm dưới biển khơi hay vỡ thuyền, bị bắt lại hoặc giết chết. Xà lim, xiềng xích, kỷ luật của nhà tù chỉ nung nấu thêm khát vọng vượt ngục của họ trở về tham gia kháng chiến.
Anh Nguyễn Văn Tính, thuyết minh viên của Ban quản lý di tích lịch sử Nhà tù Côn Đảo cho biết, chuyến vượt ngục thành công sớm nhất của tù chính trị thời kỳ 1945 - 1954 là chuyến của hai anh Diễn và Phong. Hai anh đã cập bến an toàn vào vùng biển Bạc Liêu và ở lại công tác ngay tại Tỉnh đội Bạc Liêu lúc đó. Biết rằng trăm lần thất bại, may ra chỉ có vài chuyến thành công, nhưng nhiều chuyến vượt biển vẫn liên tục được tổ chức. Những chuyến thành công thường cập vào vùng biển Bạc Liêu, Rạch Giá, Mũi Cà Mau vào mỗi mùa gió chướng. Phương tiện vượt biển của những người tù Côn Đảo là bè nhỏ được kết từ những tấm gỗ của nhà hoang hoặc thuyền làm từ những sợi mây. Nhóm người tù khác thì vượt đảo bằng thuyền khung mây bọc vải. Đã đi vào lịch sử Côn Đảo khi nhóm tù nhân Sở Lưới hai lần đánh chiếm tàu địch vượt biển thành công, gây tổn thất nặng nề cho nhà tù. Tên Giám đốc Côn Đảo (Bruylê) đã gọi đây là “tấn bi kịch”, là “cuộc vượt ngục thảm khốc nhất”.
Trong suốt quá trình chuẩn bị làm thuyền vượt ngục, biết bao chiến sĩ cách mạng đã góp nhiều ý kiến chỉ đạo như gửi vào đất liền bản anh hùng ca không dứt về tinh thần chiến đấu bất khuất và niềm tin sắt đá vào thắng lợi của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.
LẬP HỘI CỰU TÙ BINH - TÙ CHÍNH TRỊ BẠC LIÊU
Ngày đất nước giành độc lập, trở về cuộc sống đời thường, những người cựu tù binh, tù chính trị (CTB-TCT) quê Bạc Liêu được hưởng đầy đủ các chế độ, chính sách của Đảng, Nhà nước. Trong 113 năm, Bạc Liêu có tổng cộng 20.000 lượt người bị lưu đày tại Côn Đảo, số khác bị địch đưa ra nhà tù Phú Quốc.
Năm 2015, Hội CTB-TCT tỉnh được thành lập với tư cách hội những người có công, là thành viên của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh. Dù mới thành lập gần 2 năm nhưng Hội CTB-TCT đã thu hút 2.220 hội viên tự nguyện tham gia. Có 3 địa phương đã thành lập được Hội cấp huyện là huyện Phước Long, Đông Hải và TP. Bạc Liêu.
Toàn tỉnh hiện có 531 người được hưởng chế độ tù đày 850.000 đồng/người/tháng. Trọng tâm hoạt động của Hội CTB-TCT là chăm lo đời sống cho hội viên, quan tâm những người bị tù nhưng chưa có chế độ ưu đãi thường xuyên. Song song đó là xây dựng tổ chức Hội vững mạnh. Năm 2017, Hội CTB-TCT tỉnh đã vận động xây 7 căn nhà tình thương (mỗi căn trị giá 50 triệu đồng) tặng hội viên nghèo. Riêng năm 2016, Hội đã vận động tặng 69 sổ tiết kiệm (mỗi sổ 3 triệu đồng) cho hội viên có hoàn cảnh khó khăn.
Những vấn đề mà Hội CTB-TCT đang gặp khó khăn là một số địa phương chưa tạo điều kiện cho Hội CTB-TCT cấp huyện được thành lập; chưa có thù lao cho cán bộ chuyên trách công tác Hội ở cơ sở; kinh phí hoạt động còn rất eo hẹp…
Ông Lê Tấn Thanh cho biết, sau khi ổn định tổ chức, hoạt động của các cấp Hội CTB-TCT trong tỉnh sẽ hướng mạnh vào công tác tuyên truyền đấu tranh cách mạng cho tuổi trẻ; đồng thời thành lập câu lạc bộ nối tiếp truyền thống để mãi xứng danh người con kiên trung của đất Việt.
Tấn Đạt
- Kỷ niệm trọng thể 50 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước
- Diễn văn của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước
- Hội thảo và tuyên dương tác phẩm văn học - nghệ thuật tiêu biểu tỉnh Bạc Liêu giai đoạn 1975 - 2025
- Công bố Quyết định hợp nhất Báo Bạc Liêu và Đài Phát thanh - Truyền hình Bạc Liêu
- Phát động Tháng công nhân - Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động năm 2025”