Chuyện những người "vác tù và hàng tổng"

Thứ Tư, 25/09/2019 | 15:45

Trong cuộc sống hiện đại, khi không ít người lo cho lợi ích cá nhân thì vẫn còn nhiều cán bộ khóm, ấp; chi hội trưởng chi hội nông dân, phụ nữ… cần mẫn gánh vác việc cộng đồng. Những chuyện lớn nhỏ, từ giải quyết mâu thuẫn gia đình, giữ gìn an ninh trật tự xóm ấp đến làm đường, xây dựng nông thôn mới… đều có sự đóng góp của họ.

Ông Sơn Vĩnh thăm hỏi đời sống của hộ nghèo khóm 3 (phường 1, TX. Giá Rai).

ÔNG SƠN VĨNH:

SỐNG GƯƠNG MẪU, TRÁCH NHIỆM

15 năm làm Chi hội trưởng Chi hội nông dân khóm 3 (phường 1, TX. Giá Rai) là bấy nhiêu thời gian ông Sơn Vĩnh (sinh năm 1952) luôn sống có trách nhiệm và hết mình vì mọi người. Trong khóm, nhà ai có việc vui, ông đến chung vui; nhà ai có việc không may, ông đến chia sẻ, an ủi, động viên; có trường hợp gia đình xảy ra mâu thuẫn, ông đến khuyên can, hòa giải; khi địa phương phát động làm lộ giao thông nông thôn, ông đi từng nhà vận động bà con đóng góp công sức xây dựng…

Không chỉ gương mẫu chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, ông còn tích cực tham gia các phong trào thi đua do phường và Hội Nông dân các cấp phát động như: Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa; Nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi; xây dựng nông thôn mới… Bên cạnh đó, ông tích cực phát triển kinh tế gia đình bằng việc nuôi tôm, trồng rẫy, nuôi cá và mua bán nhỏ. Hơn 10 năm liền ông được công nhận là Nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi từ cấp huyện đến cấp tỉnh.

Ở cương vị Chi hội trưởng Chi hội Nông dân, ông luôn trăn trở, tìm cách để nâng cao đời sống hội viên, không để hội viên nào chịu cảnh đói nghèo. Năm 2017, ông cùng với Chi hội Nông dân khóm phát động hội viên, nông dân áp dụng mô hình trồng lúa trên đất tôm, tham gia tổ chăn nuôi gà, vịt... Từ đó giúp hội viên, nông dân ổn định thu nhập, nâng cao cuộc sống. Hiện nay, Chi hội Nông dân khóm 3 có 117 hội viên, nhưng chỉ còn 5 hội viên thuộc diện hộ nghèo.

Không chỉ chăm lo đời sống hội viên, ông còn tích cực tham gia các phong trào thiện nguyện của địa phương qua việc vận động người hảo tâm tặng tập, viết, quần áo, học bổng cho học sinh nghèo, vận động xây nhà tình thương cho hộ nghèo…

Nhiều năm qua, ông Sơn Vĩnh cứ lặng lẽ với những việc làm thiết thực, đóng góp một phần không nhỏ vào sự phát triển của địa phương. Vì thế, ông được người dân kính trọng và bầu làm người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số.

Cô Thạch Thị Năm (bìa trái) vận động hội viên tham gia làm vệ sinh môi trường.

CÔ THẠCH THỊ NĂM:

ĐIỂM TỰA CỦA HỘI VIÊN, PHỤ NỮ

Hơn 20 năm tham gia công tác Hội và gần 10 năm làm Chi hội trưởng Phụ nữ ấp Giồng Giữa A (xã Vĩnh Trạch Đông, TP. Bạc Liêu), cô Thạch Thị Năm (SN 1957) luôn nỗ lực hết mình cho các phong trào, hoạt động Hội, là điểm tựa cho phụ nữ nghèo, yếu thế.

Những ngày đầu nhận nhiệm vụ, cô phải đối diện với nhiều thử thách, bởi đời sống của chị em phụ nữ trong ấp phần lớn nghèo khó, sống bằng nghề làm rẫy, làm thuê. Để giúp chị em hưởng những quyền lợi dành cho mình, hơn 10 năm qua, người Chi hội trưởng Phụ nữ ấp kiêm cộng tác viên y tế, dân số này bất chấp nắng mưa, đến từng nhà để tuyên truyền, vận động chị em tham gia tổ chức Hội, kế hoạch hóa gia đình, không tham gia tệ nạn xã hội…

Để nâng cao đời sống hội viên, cô đề xuất Hội LHPN xã phối hợp với các cơ quan chức năng mở các lớp tập huấn kỹ thuật cho hội viên, phụ nữ; đồng thời tranh thủ mọi nguồn lực giúp chị em phát triển kinh tế gia đình. Từ sự hỗ trợ của cô Năm, nhiều hội viên, phụ nữ từng bước vượt qua khó khăn, chí thú làm ăn và ổn định cuộc sống.

Chị Sơn Kim Lương, Chủ tịch Hội LHPN xã Vĩnh Trạch Đông, nhận xét: “Ngôi nhà và số điện thoại của cô Năm từ lâu đã trở thành địa chỉ quen thuộc của hội viên, phụ nữ. Họ xem cô là điểm tựa mỗi khi gặp khó khăn trong cuộc sống. Nếu không có sự góp sức đắc lực của cô thì công tác tập hợp, thu hút phụ nữ vào tổ chức Hội cũng như nâng cao đời sống chị em sẽ gặp nhiều khó khăn”.

Cô Thạch Thị Sửu nghiên cứu các chính sách mới để tuyên truyền cho người dân. Ảnh: T.Q

CÔ THẠCH THỊ SỬU:

CHĂM LO CHO NGƯỜI NGHÈO

Ở phường 1 (TX. Giá Rai) còn có cô Thạch Thị Sửu (SN 1959), Phó trưởng khóm 5, người luôn quan tâm chăm lo cho người nghèo, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc.

Nhiều năm công tác ở cơ sở nên cô nắm rõ hoàn cảnh của từng gia đình trong khóm, từ đó kịp thời nắm bắt và đề xuất cơ quan chức năng hỗ trợ hộ nghèo vay vốn, phương tiện sản xuất, tặng gạo, xây nhà… Hết lòng với bà con, cô thường xuyên vận động các gia đình không sinh con thứ 3; thực hiện các tiêu chí gia đình văn hóa, xây dựng khu dân cư tiên tiến, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; giúp nhau sản xuất tăng thu nhập gia đình; không tham gia tệ nạn xã hội… Phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền cho đồng bào dân tộc thiểu số chấp hành tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và các chính sách có liên quan đến đồng bào dân tộc thiểu số.

Nhờ sự tiếp sức của cô, các hộ nghèo có điều kiện phát triển sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi, mua bán nhỏ; nhiều hộ vươn lên thoát nghèo bền vững.

Không những có tinh thần trách nhiệm cao trong công việc, cô còn là tấm gương về lòng nhân ái. Khi có người bệnh tật, bất hạnh cần cứu giúp, cô sẵn sàng bỏ tiền túi để hỗ trợ; hoặc tặng gạo cho các hộ khó khăn có người thân từ trần.

*    *    *

Công việc nhiều, trách nhiệm cao, số tiền trợ cấp ít ỏi, nhưng với nhiệt huyết và những việc làm thiết thực, hiệu quả, những người cán bộ khóm, ấp đã mang lại sự đoàn kết cộng đồng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, làm tăng thêm niềm tin của người dân đối với Đảng, Nhà nước.

MINH LUÂN

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.