Định kiến giới trong gia đình -​ rào cản cần sớm tháo gỡ!

Thứ Sáu, 18/11/2022 | 17:16

Bình đẳng giới (BĐG) là vấn đề luôn được Đảng và Nhà nước dành sự ưu tiên đặc biệt. Luật BĐG đề ra mục tiêu tạo cơ hội như nhau cho nam và nữ trong phát triển kinh tế - xã hội và phát triển nguồn nhân lực nhưng trên thực tế, sự định kiến về giới vẫn còn tồn tại. Tư tưởng “trọng nam khinh nữ” đã ăn sâu, bám rễ vào đời sống nhiều thế hệ khiến cho khoảng cách giới vẫn còn len lỏi trong nhiều gia đình, lĩnh vực.

Định kiến ăn sâu tâm thức

Chị N. (Phường 1, TP. Bạc Liêu) thường xuyên phải “ngậm đắng nuốt cay” bởi người cha chồng có tính gia trưởng với tư tưởng “trọng nam khinh nữ”. Những ngày đầu về làm dâu, chị N. đã được cha chồng giáo huấn với nội dung trọng tâm là: “Vợ phải nghe lời chồng”, “trong gia đình, đàn ông là người quyết định mọi việc” và đặc biệt là “phải sinh cháu trai nối dõi tông đường”. Cuộc sống của chị N. ngày càng ngột ngạt, gò bó, vừa đi làm kiếm tiền, vừa phải chu tất mọi công việc nội trợ trong gia đình, chăm con nhỏ…, mọi quan hệ xã hội đều hạn chế đến mức thấp nhất. Chỉ đến khi chị N. sinh được con trai thì không khí nặng nề thường xuyên trong gia đình mới “hạ nhiệt” được phần nào.

Đã bước vào thời đại 4.0, thế nhưng tình trạng định kiến giới vẫn còn tồn tại. Không ít người, kể cả những nam giới có trình độ vẫn coi việc chính của phụ nữ là sinh con, chăm sóc, nuôi dạy con và lo việc nội trợ. Nhiều gia đình vẫn mang nặng tư tưởng phải có con trai để nối dõi tông đường, để thừa kế tài sản, nên phải sinh con trai, dù trước đó đã có ít nhất 2 con gái. Cũng không ít hộ có “cả nếp lẫn tẻ” thì lại có sự phân biệt, đối xử bất bình đẳng ngay trong chính gia đình mình. Những tư tưởng lạc hậu này vô hình trung đã dẫn đến một hệ quả bất bình đẳng, áp đặt những việc không tên trong gia đình lên vai người phụ nữ, làm cho nữ giới mất nhiều cơ hội để phát triển và nguy cơ mất cân bằng giới tính khi sinh.

“Cha mẹ tôi sinh được 4 người con, gồm 2 trai và 2 gái. Kinh tế gia đình thuộc diện khá giả với hơn 3ha đất nuôi tôm và có xe cơ giới (xe cuốc, xe ủi…) phục vụ việc nuôi tôm của nhiều bà con trong thị xã. Song, cha mẹ tôi chỉ trọng con trai, 2 con gái sau khi gả đi, cuộc sống hết sức khó khăn vẫn không được cha mẹ đoái hoài, giúp đỡ. Trong khi tất cả đất đai, tài sản đều để lại cho con trai. Làm con, tôi không dám phiền trách cha mẹ, nhưng đôi lúc cũng cảm thấy tủi thân”, chị N.P (TX. Giá Rai) bùi ngùi chia sẻ.

Băng-rôn tuyên truyền phòng chống bạo lực gia đình. Ảnh: T.Q

Nhiều hoạt động nâng cao vai trò, vị thế phụ nữ

Những năm qua, công tác thực hiện Chiến lược quốc gia BĐG, phòng chống bạo lực trên cơ sở giới luôn được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo; cấp ủy, chính quyền, các tổ chức chính trị, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở tập trung vào cuộc. Nhận thức của toàn xã hội về phòng ngừa bạo lực gia đình, bạo lực giới cũng từng bước nâng cao, từ đó đạt được nhiều thành tựu về BĐG, xóa bỏ khoảng cách giới, đặc biệt là ở các lĩnh vực lao động, việc làm, chăm sóc sức khỏe, giáo dục...

Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh có 190.460 gia đình đạt danh hiệu Gia đình văn hóa (đạt tỷ lệ 95,4%); số vụ bạo lực trên cơ sở giới đã giảm từ 119 vụ năm 2020 xuống 87 vụ năm 2021 và 37 vụ tính đến tháng 9/2022. Hầu hết các nạn nhân bị bạo lực và người gây bạo lực được tiếp cận các hoạt động hỗ trợ phòng ngừa, giáo dục chuyển đổi hành vi.

Ngoài ra, các cấp, ngành, hội, đoàn thể còn tích cực thực hiện các giải pháp nhằm từng bước xóa bỏ định kiến giới, hỗ trợ phụ nữ yếu thế như: triển khai xây dựng 250 địa chỉ tin cậy tại cộng đồng; 15 câu lạc bộ BĐG; 90 mô hình, câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững; 32/64 tổ tư vấn; 64/64 đường dây nóng và 64/64 nhóm phòng chống bạo lực gia đình ở các xã, phường, thị trấn, nhằm đảm bảo thông tin liên lạc giữa các nạn nhân bị bạo lực gia đình. Từ các hoạt động trên đã góp phần hạn chế định kiến về giới, nhiều chị em đã phát huy được sở trường, khả năng làm việc của mình và được giao trọng trách giữ nhiều vị trí quan trọng trong công việc, trong sản xuất - kinh doanh và khẳng định được vai trò, vị thế riêng của mình trong gia đình.

Định kiến giới thuộc về yếu tố văn hóa, nhận thức của mỗi người. Để gạt bỏ định kiến giới ra khỏi xã hội không phải là chuyện một sớm, một chiều mà cần cả một hành trình dài. Do đó, cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong công tác tuyên truyền, giáo dục, mỗi người cần thay đổi nhận thức, hành vi của mình để góp phần xóa bỏ những rào cản về định kiến giới, tạo điều kiện và cơ hội để phụ nữ cống hiến, phát triển.  

Minh Luân

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.