Đốt rơm, rạ sau khi thu hoạch lúa: Lợi bất cập hại

Thứ Tư, 08/01/2020 | 16:26

Nông dân thường cho rằng việc đốt rơm, rạ ngay tại đồng vừa giúp giảm chi phí xử lý, tiêu diệt mầm bệnh có trong đất (từ vụ trước còn lưu lại) và tận dụng lượng tro sau khi đốt để cải tạo đất… Tuy nhiên, thói quen này thật sự lại gây ra những tác hại lớn.

Nông dân xã Hiệp Thành, TP. Bạc Liêu mua rơm để phủ luống hoa màu sau khi gieo hạt.

Vào thời điểm này, nông dân các huyện: Hòa Bình, Vĩnh Lợi, Phước Long cơ bản đã thu hoạch xong vụ lúa thu đông 2019. Lượng rơm rạ trên đồng ruộng còn rất lớn và hầu hết được nông dân xử lý bằng cách đốt. Tình trạng này cứ tiếp diễn suốt nhiều năm qua.

Ông L.T.N (xã Vĩnh Hưng, huyện Vĩnh Lợi) chia sẻ: “Trước khi thu hoạch lúa, có người đến gặp tôi đặt mua rơm với giá 45.000 đồng/công, nhưng tôi không bán. Tôi nghĩ rằng nếu bán hết rơm, đốt không hết rạ thì lúa vụ sau không tốt. Do vậy tôi để lại rơm rồi đốt”.

Một nghịch lý là người làm ruộng thì đốt bỏ rơm, còn người trồng màu, làm nấm thì phải đi mua với giá khá cao. Anh Trần Văn Nhâm (xã Hiệp Thành, TP. Bạc Liêu) bày tỏ: “Vào những tháng chuẩn bị hoa màu phục vụ thị trường tết, bà con phải tìm mua rơm dự trữ để phủ lên luống rẫy. Giá mỗi cuộn rơm là 15.000 đồng”.

Nông dân xã Vĩnh Hưng, huyện Vĩnh Lợi đốt rơm rạ sau khi thu hoạch lúa. Ảnh: C.L

Các ngành chuyên môn, các nhà khoa học khuyến cáo việc đốt rơm rạ trên đồng tiềm ẩn nhiều rủi ro và gây lãng phí. Bởi, khi đốt đồng, các chất hữu cơ trong rơm rạ và trong đất sẽ biến thành chất vô cơ, tro than của rơm rạ cũng chỉ cung cấp một lượng dinh dưỡng rất nhỏ cho đồng ruộng; việc nung đốt ở nhiệt độ cao sẽ làm cho lượng nước lớn trong đất bị bốc hơi. Nếu đốt đồng nhiều lần và lâu dài sẽ làm cho đất biến chất, trở nên chai cứng và gây ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, việc đốt đồng còn tiêu diệt những sinh vật có ích, làm mất cân bằng sinh thái đồng ruộng. Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân gây phát triển sâu bệnh trên đồng ruộng.

Hiện nay, các nhà khoa học đã đưa ra khá nhiều giải pháp xử lý rơm rạ. Giải pháp đầu tiên là mang hết rơm ra khỏi ruộng, sau đó tận dụng lượng rơm này trồng nấm để tăng thêm nguồn thu nhập. Ngoài ra, bã rơm mục sau khi thu hoạch nấm xong có thể dùng làm phân hữu cơ cung cấp cho đồng ruộng, giúp đất tơi xốp và duy trì độ màu mỡ. Bán rơm để sử dụng trồng màu cũng là một giải pháp giúp bà con có thêm thu nhập từ loại phụ phẩm này. Nếu không có điều kiện đem rơm ra khỏi đồng ruộng thì nên xử lý bằng cách cày vùi để duy trì lượng đạm trong đất. Tuy nhiên, để rơm rạ phân hủy tốt hơn, nhanh hơn, không gây ngộ độc hữu cơ cho ruộng lúa, bà con có thể dùng các chế phẩm sinh học có bán khá nhiều trên thị trường.

Thời gian gần đây, nông dân các tỉnh đã biết tận dụng rơm để sản xuất mặt hàng thủ công mỹ nghệ cho giá trị kinh tế cao, thậm chí có thể xuất khẩu như nghề quấn rơm khô thành các con thú xuất ngoại (ở huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình); chế biến rơm rạ thành ván ép chịu nhiệt ở TP. Hồ Chí Minh… Thiết nghĩ, để dần loại bỏ tập quán đốt đồng của bà con, các ngành chuyên môn cần tìm ra hướng đi bền vững cho loại phụ phẩm này như cách mà các địa phương trên đang áp dụng và đã thành công.

Chí Linh

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.