Giảm nghèo trong đồng bào dân tộc Khmer: Cần những mô hình cụ thể

Thứ Tư, 31/07/2019 | 16:44

Chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào dân tộc (ĐBDT) là một chính sách lớn và xuyên suốt của Đảng, Nhà nước; trong đó, công tác giảm nghèo được xác định là một trong những chương trình mục tiêu quốc gia. Từ đó cho thấy công tác giảm nghèo có ý nghĩa chiến lược, tầm quan trọng đặc biệt trong thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng và văn minh.

Khám bệnh và cấp thuốc miễn phí cho hộ nghèo ĐBDT Khmer ở huyện Hòa Bình. Ảnh: L.D

Bạc Liêu được xem là tỉnh có đông ĐBDT Khmer với hơn 15.980 hộ/69.606 khẩu, chiếm 7,75% dân số. Tuy nhiên, tỷ lệ hộ nghèo trong ĐBDT Khmer còn chiếm khá cao với trên 10% so với hộ nghèo toàn tỉnh. Do vậy, việc tập trung giảm nghèo trong ĐBDT Khmer có một ý nghĩa vô cùng quan trọng.

Để giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo trong ĐBDT Khmer và hướng đến giảm nghèo bền vững, thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách về thực hiện giảm nghèo, đặc biệt là giảm nghèo trong ĐBDT Khmer. Tỉnh cũng đã huy động nhiều nguồn lực và ban hành nhiều chính sách để giảm nghèo trong ĐBDT Khmer, thực hiện các tiêu chí theo giảm nghèo đa chiều. Một trong những chính sách đó là đầu tư phát triển  hạ tầng giao thông, xây dựng trường, trạm ở các xã đặc biệt khó khăn, có đông ĐBDT sinh sống. Cụ thể là Chương trình 135; Quyết định 102 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ trực tiếp; Quyết định 74 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho ĐBDT và nhiều chính sách khác. Chỉ tính riêng năm 2018, nguồn vốn đầu tư cho Chương trình 135 trên 28 tỷ đồng.

Ngoài những chính sách hỗ trợ chung, Bạc Liêu còn quan tâm và chăm lo nhiều lĩnh vực cụ thể cho ĐBDT Khmer. Năm 2018, tỉnh đã cấp hơn 200.960 thẻ bảo hiểm y tế cho ĐBDT Khmer với tổng kinh phí trên 141 tỷ đồng; cấp phát 125.450 tờ báo, tạp chí; xây dựng nhiều chương trình phát trên Đài PT-TH tỉnh… Đặc biệt là đẩy mạnh các chương trình đầu tư, hỗ trợ về tín dụng, đào tạo nghề, giải quyết việc làm và thực hiện các mô hình đa dạng hóa sinh kế, như việc đầu tư gần 6 tỷ đồng cho các mô hình và phát triển sản xuất trong ĐBDT Khmer.

Tuy nhiên, việc thực hiện công tác giảm nghèo trong ĐBDT Khmer thời gian qua cũng còn tồn tại nhiều khó khăn, hạn chế. Đó là ngoài những hộ nỗ lực vươn lên thoát nghèo, cũng còn khá nhiều hộ có tâm lý ỷ lại, dựa dẫm vào các chính sách hỗ trợ và không muốn thoát nghèo. Bên cạnh đó, tuy áp dụng nhiều chính sách hỗ trợ và đầu tư cho hộ nghèo ĐBDT Khmer, nhưng đến nay tỉnh vẫn chưa xây dựng các mô hình đột phá và giảm nghèo bền vững, kéo theo đó là mặc dù có nhiều chính sách hỗ trợ nhưng hiệu quả chưa cao. Cùng với đó, tâm lý và tập quán sinh hoạt của ĐBDT nhiều nơi, nhất là các xã bãi ngang ven biển vẫn chưa được “cởi trói”. Thanh niên và lao động nông thôn ĐBDT ít quan tâm đến học nghề gắn với giải quyết việc làm, mà thích đi làm thuê, hoặc làm theo mùa vụ, thời gian nông nhàn còn chiếm khá lớn.

Mặt khác, một số ban ngành và địa phương nhận đỡ đầu cho hộ ĐBDT nghèo còn nặng về hỗ trợ vật chất thay vì hướng dẫn mô hình, tạo sinh kế và giúp hộ nghèo tự vươn lên. Trên thực tế, vốn hỗ trợ chỉ là “vốn mồi”, vấn đề quan trọng và quyết định vẫn là xây dựng mô hình giảm nghèo hiệu quả.

Để giải quyết những khó khăn và hướng đến giảm nghèo bền vững, cùng với đẩy mạnh công tác tuyên truyền, chính quyền, ngành chức năng cần xem xét, đánh giá lại các chính sách hỗ trợ theo hướng đầu tư có trọng tâm, hạn chế đầu tư dàn trải. Đồng thời cần xây dựng các mô hình tạo sinh kế gắn với hướng dẫn cách làm và nêu gương điển hình để hộ nghèo ĐBDT Khmer học tập, làm theo; phát huy vai trò người có uy tín trong ĐBDT nhằm khơi dậy khát vọng giảm nghèo và giảm nghèo bền vững trong ĐBDT Khmer.

Thạch Bình

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.