Gian nan quản lý người bệnh tâm thần trong cộng đồng!

Thứ Sáu, 24/04/2020 | 16:41

Do phải đối mặt với nhiều áp lực trong cuộc sống hiện đại như: công việc, học tập, kinh tế, tình cảm... nên số người bị rối loạn tâm thần ở nước ta nói chung, Bạc Liêu nói riêng đang có chiều hướng tăng. Tuy nhiên, công tác quản lý, chăm sóc và điều trị cho những người mắc bệnh tâm thần gặp nhiều khó khăn, trở ngại do thiếu nhân lực, kinh phí, sự hợp tác của gia đình và đặc biệt là sự kỳ thị của cộng đồng...

BÀI 1: Hiểm nguy từ người mắc bệnh tâm thần tại gia!

Hiện nay, tại một số khu dân cư trong tỉnh, người mắc bệnh tâm thần sống chung với mọi người trong cộng đồng. Do mất nhận thức, không làm chủ được hành vi, người bệnh tâm thần có thể tấn công gây thương tích cho người khác,  gây mất trật tự, cản trở giao thông, thậm chí gây nguy hiểm đến tính mạng người khác… Song, để quản lý hiệu quả các đối tượng này lại là vấn đề nan giải!

Ông T.V.H bị nhốt trong song sắt. Ảnh: T.Q

Hiểm nguy rình rập

Đã từng có gia đình hạnh phúc, vợ chồng siêng năng lao động, sống hiền hòa, thế nhưng vào năm 26 tuổi, ông T.V.H (sinh năm 1964, ngụ phường 1, TP. Bạc Liêu) bỗng dưng trở chứng, thường xuyên mắng chửi, đánh đập vợ con và nói nhảm cả ngày. Nhận thấy ông H. có dấu hiệu không bình thường nên anh của ông H. (là ông Trần Văn Lẹ) đưa ông đi khám và bác sĩ kết luận ông H. bị mắc bệnh tâm thần. Sau nhiều lần điều trị, song, không bao lâu thì bệnh lại tái phát, vì quá chán nản và lo sợ nên vợ ông H. bỏ nhà ra đi.

Vậy là hơn 20 năm qua, ông H. sống với gia đình anh trai. Những ngày phát bệnh, ông H. đập phá đồ đạc, thậm chí đánh cả anh trai, chị dâu. Ông Lẹ đành xây căn phòng phía sau nhà để nhốt em và cho uống thuốc mỗi ngày. Khi ông H. tỉnh thì thả ra, điên lên thì nhốt lại. Ông Lẹ cho biết: “Khi phát điên thì nó rất hung hăng, đập phá đồ đạc, đánh người. Cho nên những lúc thả nó ra thì tôi đóng hết các cửa đề phòng nó ra ngoài gây họa hoặc bị bỏ mạng vì xe cộ”. 

Trường hợp của chị T.T.P (sinh năm 1975, ngụ thị trấn Phước Long, huyện Phước Long) cũng tiềm ẩn phức tạp không kém. Chị P. lúc tỉnh lúc điên, thường xuyên mắng chửi xóm giềng, chồng chị thì nghiện rượu nặng. Hai vợ chồng cùng đứa con gái 19 tuổi sống trong căn nhà ẩm thấp, bừa bộn. Con gái của chị lúc nhỏ cũng bình thường như bao người khác, song khi lên 8 tuổi thì tâm trí, tính tình cũng “dở dở ương ương” như mẹ. Chị P. và con rất hung hăng, hễ có người lạ tìm đến nhà là hai mẹ con cầm cây đuổi đánh.

Chị Kim Triều, Chủ tịch Hội LHPN thị trấn Phước Long, cho biết: “Gia đình của chị P. rất khó khăn. Nhiều lần Hội LHPN thị trấn cùng với chính quyền địa phương đến thăm hỏi để tìm cách hỗ trợ, đưa chị P. đi trị bệnh, nhưng vừa đến trước cửa nhà là bị chị P. đuổi đánh, không thể nào tiếp xúc được”.

Hiểm nguy hơn là trường hợp của D.D.L (sinh năm 1988, ngụ thị trấn Hòa Bình, huyện Hòa Bình). Nhà của L. ở  cạnh Trường THPT Lê Thị Riêng, L. có nghề làm tóc, mở tiệm tại nhà. Sau đó, L. đi xuất khẩu lao động tại Malaysia 2 năm, khi trở về thì có biểu hiện mắc bệnh tâm thần kinh. L. thường vào sân trường hăm dọa đánh, chém giáo viên, nhân viên bảo vệ và học sinh của Trường THPT Lê Thị Riêng.

Năm 2019, chính quyền cùng gia đình đã nhiều lần đưa L. đi điều trị bệnh tâm thần tại TP. Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai), tỉnh Tiền Giang, Bệnh viện Đa khoa Bạc Liêu và gần đây là tại tỉnh Cà Mau. Cả 4 lần, các bệnh viện đều yêu cầu bệnh nhân điều trị bệnh lao, nhưng L. không chịu, nên bệnh viện trả về. Sau khi trở về, hàng xóm phát hiện L. có một hung khí dài khoảng 5 tấc (giống như mã tấu) nên mọi người nơm nớp lo sợ. Bởi, nếu như gia đình và địa phương không có biện pháp chữa trị kịp thời, thì trong một lần nào đó, khi L. nổi cơn điên thì hậu quả L. gây ra không ai dám nghĩ tới.

Chị T.T.P ngồi trước hiên nhà và sẵn sàng cầm cây đánh nếu có người lạ vào nhà. 

Người điên gây án

Dẫu biết người mắc bệnh tâm thần có thể có những hành vi nguy hiểm bộc phát bất cứ lúc nào, song hầu hết các gia đình đều cố tình giấu giếm không khai báo. Thậm chí, có trường hợp người tâm thần đã gây ra nhiều vụ tấn công người trong lúc lên cơn, nhưng gia đình vẫn quyết giữ lại để chăm sóc tại nhà. Trong khi đó, người dân thường có tâm lý tránh xa những người có biểu hiện tâm thần nặng, còn trường hợp những người bị tâm thần dạng nhẹ thì ít khi đề phòng. Cho nên, đã có nhiều vụ án mạng như mẹ giết con, chồng giết vợ, giết hàng xóm… mà hung thủ là những người mắc bệnh liên quan đến tâm thần bị phát bệnh bất ngờ rồi gây ra những vụ việc đau lòng.

Hơn một năm trôi qua nhưng người dân xã Long Điền (huyện Đông Hải) vẫn chưa hết bàng hoàng bởi hành vi giết con của người mẹ tên N.K.N (sinh năm 1981, ngụ xã Long Điền). Vào tháng 3/2019, chị N. cùng với con trai lớn và con gái nhỏ là cháu N.T.K (4 tuổi) ra phía trước nhà để hóng mát. Một lúc sau, N. bế cháu K. vào trong nhà sau chốt cửa lại, rồi tiếp tục bế cháu K. vào nhà vệ sinh. Tại đây, N. chốt luôn cửa nhà vệ sinh, sau đó dùng búa chém vào người cháu K. nhiều nhát.

Chị N. mắc bệnh tâm thần từ năm 33 tuổi, trước tết Nguyên đán 2019, người thân bảo lãnh chị về khi chị đang điều trị tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2 (tỉnh Đồng Nai). Mọi người cứ nghĩ chị đã lành bệnh, có thể sinh hoạt bình thường, ai ngờ đâu chỉ trong một phút lơ là đã xảy ra thảm cảnh đau lòng trên.

Trước đó, vào năm 2018, vùng quê xã Hưng Hội (huyện Vĩnh Lợi) bỗng rúng động khi người thanh niên hiền lành, cục mịch tên T.S.K đột nhiên phát cơn điên, cầm dao qua nhiều nhà hàng xóm để chém người. Tổng số nạn nhân bị K. chém là 12 người, trong đó có 3 người tử vong. 

K. đã có vợ con, sinh sống ở tỉnh Trà Vinh, mới về quê được vài ngày thì xảy ra án mạng. Theo cơ quan điều tra, K. có biểu hiện tâm thần đã nhiều năm. Sau khi bị bắt, đối tượng tiếp tục quậy phá tại cơ quan điều tra và buộc phải sử dụng thuốc an thần, cơ quan chức năng đã đưa K. đi giám định tâm thần và kết quả là K. mắc bệnh tâm thần, mất khả năng nhận thức, cũng như khả năng điều khiển hành vi của mình.      

Bệnh tâm thần đang ngày càng trở thành vấn đề xã hội lớn, nan giải. Trong khi đó, nhận thức của người dân về bệnh tâm thần còn rất hạn chế nên việc để người tâm thần sống cùng người thân trong gia đình sẽ tiềm ẩn nhiều nguy hiểm. Đã có những quy định về quản lý người tâm thần tại địa phương, song công tác này còn gặp nhiều khó khăn do thiếu sự phối hợp từ phía gia đình người bệnh. Và những vụ án mạng đau lòng nêu trên là những lời cảnh báo về thực trạng này.

Hiện nay, với tiến bộ của y học, bệnh tâm thần hoàn toàn có thể chữa khỏi, người bệnh có thể trở lại cuộc sống bình thường cùng gia đình và xã hội. Song, để người mắc bệnh tâm thần được bình phục hoàn toàn, không tái phát bệnh, bên cạnh sự nỗ lực của ngành Y tế thì cũng cần sự quan tâm nhiều hơn nữa của các cấp, ngành, các tổ chức có liên quan và cả cộng đồng.

Minh Luân

Người tâm thần đi lang thang ngoài cộng đồng. Ảnh: T.Q

----------------------------------------------------------------------

Theo thống kê của Sở LĐ-TB&XH, trên địa bàn tỉnh hiện có 3.186 người mắc bệnh tâm thần được phục hồi chức năng, điều trị tại cộng đồng; trong đó, tâm thần phân liệt là 1.259 người, rối loạn tâm thần và các dạng khác là 1.927 người. Dự báo đến năm 2030, số người bị rối nhiễu tâm trí, tâm thần trên địa bàn tỉnh do sức ép công việc, việc làm, cuộc sống, tình cảm… là khoảng 5.496 người, trung bình mỗi năm tăng thêm 210 người.

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.