Giao thông nông thôn: Người dân khổ vì những công trình xuống cấp

Thứ Sáu, 20/09/2019 | 14:27

Cùng với hệ thống giao thông chính, mạng lưới giao thông nông thôn (GTNT) trong tỉnh đã giúp việc đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân được thuận tiện, thông suốt, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho khu vực nông thôn. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều tuyến đường GTNT đã xuống cấp nghiêm trọng, có những con đường khi mưa xuống lại trở thành nỗi “ám ảnh” của người dân.

Tuyến lộ từ xã An Trạch về trung tâm huyện Đông Hải xuống cấp, hư hỏng nặng.

Đường xuống cấp, hư hỏng

Gần một tháng nay, người dân sống dọc theo tuyến đường liên xã Điền Hải - Long Điền Tây (huyện Đông Hải) phải sống trong cảnh “nắng bụi, mưa lầy”. Tuyến lộ này (dài khoảng 6km) có nhiều đoạn vỡ từng mảng, mặt đường trồi lên, sụt xuống tạo thành hố sâu, gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông.

Chị Nguyễn Thị Kim Chi, một người dân có nhà trên tuyến đường cho biết, những ngày qua, ở đoạn đường này đã xảy ra nhiều vụ tai nạn do người điều khiển phương tiện giao thông va quẹt nhau khi tránh ổ gà, ổ voi hoặc bị mất lái do sình lầy trơn trượt. Nhiều phụ huynh không khỏi lo lắng khi con em mình hàng ngày vẫn phải đi trên con đường này để đến trường.

Nguyên nhân việc xuống cấp trầm trọng của tuyến đường này là do đơn vị thi công đào đường để xây 71 cống tiêu thoát nước nhưng sau đó không san lấp, làm đường để trả lại hiện trạng ban đầu của con lộ.

Tương tự, tuyến đường từ xã An Trạch về thị trấn Gành Hào (huyện Đông Hải) cũng trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng, nhiều đoạn bị sụt lún tạo thành những hố sâu. Mỗi khi mưa xuống hoặc thủy triều lên thì những cái hố này trở thành những cái bẫy cho người đi đường.

Anh Trần Thanh Nam (người đi đường) chia sẻ: “Chạy xe trên con đường này có nhiều đoạn nhìn cứ tưởng như đi trên sông. Mong chính quyền địa phương sớm sửa chữa đường để người dân đi lại được thuận tiện, an toàn”. Theo người dân phản ánh, nguyên nhân khiến cho đường GTNT xuống cấp nhanh là do các phương tiện chở quá tải hoạt động, nhất là tại các địa phương có xe tải chở vật liệu xây dựng đi qua.

Tình trạng sạt lở bờ sông, các tuyến kênh cũng là một trong những nguyên nhân làm nhiều tuyến lộ GTNT đang dần bị “nuốt chửng”. Đơn cử như tuyến lộ từ cống Láng Trâm - Ngã Năm (TX. Giá Rai), do nằm sát bờ kênh và khi bờ kênh bị sạt lở đã ảnh hưởng đến con lộ. Để đảm bảo an toàn cho người đi đường, chính quyền địa phương phải gắn biển cảnh báo.

Tuyến lộ liên xã Điền Hải - Long Điền Tây (huyện Đông Hải) lầy lội do đơn vị thi công không dặm vá ở những nơi đào đường làm cống ngầm.

Thiếu vốn duy tu, sửa chữa

Từ đầu năm đến nay, Sở GT-VT đã phối hợp với các địa phương trong tỉnh dặm vá 536 tuyến đường. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn gần 1.200km đường cần sửa chữa, trùng tu, nâng cấp với tổng kinh phí ước tính 1.336 tỷ đồng; 270 tuyến đường với tổng chiều dài hơn 600km bị xuống cấp, hư hỏng nghiêm trọng cần được sửa chữa, tổng nguồn vốn ước tính 700 tỷ đồng (tập trung ở các huyện: Đông Hải, Hồng Dân, Vĩnh Lợi). Nhu cầu đầu tư sửa chữa các tuyến đường GTNT rất lớn, song, do ngân sách có hạn, vì vậy Sở GT-VT chỉ ưu tiên sửa chữa những tuyến đường trọng yếu bị hư hỏng nặng.

Với các địa phương, dù hàng năm đều được bố trí ngân sách để duy tu, sửa chữa cầu, đường, nhưng kinh phí chỉ đáp ứng được từ 30 - 40% so với nhu cầu. Ông Phạm Minh Tú, Trưởng Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Đông Hải, cho biết: “Là huyện ven biển, Đông Hải muốn hoàn thiện hệ thống GTNT thì cần nguồn vốn khá lớn. Bên cạnh đó, các công trình đã đưa vào sử dụng cũng xuống cấp khá nhanh, nhưng huyện thiếu nguồn lực để duy tu, sửa chữa thường xuyên. Từ đó, trên địa bàn huyện ngày càng có nhiều tuyến đường xuống cấp, hư hỏng, gây cản trở việc đi lại, giao thương hàng hóa của người dân”.

Lộ GTNT ở xã Hưng Hội (huyện Vĩnh Lợi) bị sạt lở gây mất an toàn giao thông. Ảnh: C.L

Ngoài lý do thiếu vốn, Sở GT-VT cho rằng, việc lập quy hoạch, quản lý điều hành, bảo trì đường tại các địa phương còn yếu kém. Vì vậy, để nâng cao hiệu quả quản lý, bảo trì các tuyến đường GTNT, các địa phương cần thực hiện đồng bộ các giải pháp như: Tăng cường công tác quản lý quy hoạch phát triển GTNT gắn với xây dựng nông thôn mới; ban hành chính sách xã hội hóa phù hợp nhằm thu hút nguồn lực xây dựng GTNT của các tổ chức, cá nhân, các thành phần kinh tế; duy trì các biện pháp bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông, hạn chế hoạt động của phương tiện vận tải quá khổ, quá tải.

Phát biểu tại buổi họp bàn về việc nâng cấp, trùng tu sửa chữa các tuyến GTNT xuống cấp trên địa bàn tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy - Nguyễn Quang Dương nhấn mạnh: “Mặc dù nguồn lực còn hạn hẹp, nhưng các địa phương cần quyết tâm hoàn thiện hệ thống GTNT để bà con đi lại được thuận tiện, dễ dàng. Các địa phương nên xem xét kỹ tuyến nào xuống cấp nặng thì ưu tiên sửa chữa, tuyến nào bức thiết thì ưu tiên làm trước, tránh để ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân”.

Khôi Nguyên

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.