Đời sống - Xã hội
Huyện Phước Long: Giải pháp hữu hiệu cho công tác giảm nghèo
Với sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả của cả hệ thống chính trị, cùng sự hưởng ứng tích cực của cộng đồng xã hội và các tầng lớp nhân dân, công tác giảm nghèo trên địa bàn huyện Phước Long thời gian qua đã đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Qua đó, thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025.
Bí thư Huyện đoàn Phước Long - Ngô Thị Như Ý trao học bổng cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn huyện. Ảnh: H.L
NHIỀU GIẢI PHÁP ĐỒNG BỘ, HIỆU QUẢ
Huyện Phước Long đã chỉ đạo thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, chăm lo cho gia đình chính sách, người có công; khơi dậy ý chí vươn lên của hộ nghèo và có nhiều giải pháp thiết thực. Qua tổng rà soát giai đoạn 2022 - 2025, toàn huyện có 2.471 hộ nghèo đa chiều, chiếm 8,05% tổng dân số toàn huyện. Năm 2023, huyện đã phối hợp với các ban, ngành tỉnh chỉ đạo các ban, ngành huyện, các xã, thị trấn hỗ trợ xây dựng nhà ở, trao vốn cho 362 hộ nghèo. Đến cuối năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo của Phước Long còn 1.254 hộ, chiếm 4,11%.
Để công tác giảm nghèo đạt hiệu quả, huyện Phước Long đã đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, người nghèo và toàn xã hội đối với công tác giảm nghèo; thông tin kịp thời, đầy đủ các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ trong cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, cán bộ, đảng viên và Nhân dân về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; động viên, khích lệ, khơi dậy ý chí vươn lên thoát nghèo, xóa bỏ tâm lý tự ti, tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ, giúp đỡ của Nhà nước và cộng đồng xã hội… Cùng với đó, huyện còn thực hiện tốt công tác chuyển đổi ngành nghề cho lao động nông thôn; nâng cao chất lượng đào tạo nghề, đa dạng hóa các hình thức đào tạo, giúp người lao động, hộ nghèo, cận nghèo tiếp cận, bổ sung kiến thức, tay nghề. Đổi mới công tác đào tạo nghề theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo, thực hiện đào tạo theo nhu cầu của thị trường lao động, gắn đào tạo nghề với chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của huyện.
Từ đầu năm đến nay, huyện đã mở 54 lớp đào tạo nghề nông thôn, có 1.613 lao động theo học; đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ chiếm 1,25%; lao động làm việc trong lĩnh vực xây dựng, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp chiếm 5,9%; lao động theo nhu cầu thị trường làm việc trong các khu chế xuất, khu công nghiệp, nhà máy, doanh nghiệp chiếm 10,27% tổng số lao động. Thực hiện tốt chính sách chuyển đổi ngành nghề cho lao động thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo trên địa bàn đạt 70%, đảm bảo lao động có việc làm ổn định, tăng thu nhập và thoát nghèo.
Hội LHPN huyện Phước Long phối hợp dạy nghề đan năn tượng cho hội viên phụ nữ.
GIẢM NGHÈO GẮN VỚI XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trong những năm qua, tình hình kinh tế của huyện Phước Long có chiều hướng phát triển nhanh, toàn diện trên các lĩnh vực; sản xuất nông nghiệp và các mô hình sản xuất ngày càng có hiệu quả, mở rộng quy mô; sản phẩm, hàng hóa ngày càng chất lượng; công nghiệp - xây dựng, dịch vụ - thương mại tăng dần tỷ trọng theo cơ cấu. Cuối năm 2022, thu nhập bình quân đầu người đạt 81 triệu đồng/năm. Hệ thống giao thông nông thôn của huyện được đầu tư xây dựng từng bước hoàn thiện; lĩnh vực văn hóa - xã hội, các phong trào văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao ngày càng đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa, tinh thần cho Nhân dân; công tác an sinh xã hội, các chế độ chính sách đối với người có công luôn quan tâm chỉ đạo chặt chẽ... Đặc biệt, từ khi triển khai thực hiện Nghị quyết 03 của Tỉnh ủy, công tác xây dựng nông thôn mới (NTM) nâng cao, NTM kiểu mẫu của huyện đến nay đạt nhiều kết quả theo tiêu chí mới.
Trong 2 năm qua, huyện tập trung công tác duy tu, sửa chữa, dặm vá các tuyến đường, cầu giao thông bị xuống cấp, hư hỏng, gia cố chống sạt lở, xây dựng cầu liên ấp trên 265 tỷ đồng; các loại ô tô, xe cơ giới đã lưu thông đến các ấp. Đầu tư xây dựng các tuyến lộ ngõ xóm theo phương châm Nhà nước và Nhân dân cùng làm với chiều dài gần 16km. Hiện toàn huyện có 2 tuyến đường trục liên huyện được nhựa hóa; 6 tuyến đường trục liên xã, 60 tuyến đường trục liên ấp, 170 tuyến đường ngõ xóm được bê-tông hóa. Đến nay, huyện có 100% xã đạt tiêu chí về giao thông theo Bộ tiêu chí xã NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025. Ngoài ra, huyện có 28 ô đê bao khép kín gắn với 31 trạm bơm điện và đang đầu tư thêm 8 trạm bơm điện phục vụ sản xuất cho người dân; số hộ dân được sử dụng điện sinh hoạt, sản xuất đảm bảo an toàn và ổn định là 30.194 hộ, có 5/5 xã đạt tiêu chí về điện theo bộ tiêu chí huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025... Xây dựng mới, sửa chữa nhà tình nghĩa, nhà tình thương với số tiền hơn 10 tỷ đồng; hiện nay gia đình chính sách không còn hộ nghèo và có mức sống từ bằng tới hơn mức sống trung bình của người dân trong vùng. Nhờ sự quan tâm đầu tư, chăm lo này mà hộ nghèo, cận nghèo có thêm điều kiện phát triển, sản xuất, ổn định cuộc sống vươn lên thoát nghèo.
Xác định công tác giảm nghèo bền vững là một trong những nhiệm vụ quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Thời gian qua, huyện Phước Long đã đề ra các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp giảm tỷ lệ hộ nghèo, tránh tái nghèo, tăng thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân. Hằng năm, huyện đã tổ chức thực hiện việc rà soát hộ nghèo, cận nghèo, phân tích nguyên nhân nghèo để đưa ra những giải pháp cụ thể đến từng hộ gia đình, từ đó có các chính sách hỗ trợ sát thực, phù hợp, hiệu quả. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, vận động Nhân dân thay đổi nhận thức, khơi dậy tinh thần chủ động, vươn lên của các hộ nghèo, tiếp nhận và sử dụng có hiệu quả chính sách, nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước, cộng đồng để thoát nghèo bền vững.
GIA NGUYỄN
- UBND tỉnh triển khai nhiệm vụ năm 2025
- Ban hành Quyết định đo lường sự hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh
- Chi gộp 2 tháng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội - Nhân lên niềm vui đón Tết
- Gian quần áo 0 đồng - giúp người nghèo ấm lòng dịp Tết
- Giá lúa giảm, nông dân kém vui