Làm mẹ ở tuổi vị thành niên và những hệ lụy

Thứ Sáu, 27/09/2019 | 17:17

Theo báo cáo của ngành Y tế, tỷ lệ nạo phá thai ở tuổi vị thành niên (VTN) Việt Nam cao hơn nhiều nước trong khu vực và đứng thứ 5 trên thế giới. Ở Bạc Liêu, dù chưa có con số thống kê cụ thể, nhưng thực tế tại các phòng khám tư nhân về sản khoa, không khó để bắt gặp những cô bé tuổi VNT tìm đến để sinh con, phá thai. Nạo phá thai, mang thai và sinh con ở tuổi VTN không chỉ là gánh nặng, thách thức lớn cho công tác dân số và phát triển của địa phương, mà còn để lại những hậu quả, hệ lụy nghiêm trọng cho bản thân các em, người thân và xã hội.

 Bà mẹ trẻ T.N.H tay bồng tay bế dắt con đi xin ăn.

Bà mẹ trẻ con

Tuy mới bước sang tuổi 19, nhưng T.N.H đã trải qua 4 lần vượt cạn. Sinh ra tại huyện Trần Văn Thời (tỉnh Cà Mau), đến khi 8 tuổi, H. được mẹ đưa về sinh sống với cha dượng ở phường 3 (TP. Bạc Liêu). Năm lên 12 tuổi, em bị xâm hại tình dục và sinh con đầu lòng ở tuổi 13. Do không biết cách chăm sóc, bảo vệ, cộng thêm cơ thể người mẹ chưa phát triển toàn diện nên khi đứa bé vừa lọt lòng mẹ thì đã mất.

Biến cố khác lại ập đến trong cuộc đời cô gái trẻ bất hạnh này, khi mẹ em dứt áo ra đi, bỏ lại đứa con gái cho người cha dượng nghèo khó. Một thời gian sau đó, H. trở thành “vợ” của cha dượng, rồi tiếp tục sinh con ở tuổi 15 và 17. Hai đứa con của H. sinh ra trong hoàn cảnh nhiều cái không: không giấy khai sinh, không được tiêm chủng, không được học hành, suốt ngày chỉ quanh quẩn bên mẹ.

Bi kịch của đời H. vẫn chưa khép lại, khi em mang đứa con thứ 3 được 5 tháng thì “chồng” mất. Không nghề nghiệp, không việc làm, phần thì phải chăm sóc các con nhỏ dại, để có cái ăn hàng ngày, 3 mẹ con H. dắt díu nhau đi xin. Trong một lần đói lả, mẹ con H. may mắn gặp được một mạnh thường quân dang tay cứu giúp, đưa vào sống ở Niệm Phật đường Từ Trí (xã Vĩnh Trạch Đông, TP. Bạc Liêu). Cuộc sống vất vả, thiếu thốn, bữa đói bữa no đã khiến H. sinh non (vào tháng thứ 7 của thai kỳ), và đứa trẻ sinh ra chỉ nặng 2kg…

H. ngậm ngùi: “Nhờ vào tình thương của các nhà hảo tâm và tấm lòng của những sư cô nơi cửa chùa nên mấy mẹ con em mới có cuộc sống như hôm nay. Trước mắt, có cơm ăn áo mặc, chỗ ở che mưa che nắng, không phải vất vả bữa đói bữa no là là tốt lắm rồi, còn chuyện tương lai con cái học hành là điều em chưa dám nghĩ đến”.

Trường hợp của H. là một trong số nhiều trẻ VTN yêu sớm và làm mẹ ở tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới”. Đặc biệt là ở các vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa, cuộc sống còn nghèo khó, lạc hậu khi các bé gái vừa lớn lên là đã lập gia đình, rồi sinh con, thậm chí có em mới 20 - 25 tuổi đã có từ 3 - 5 đứa con. Nhiều trường hợp con của các cặp vợ chồng “trẻ con” không được đi học, không được chăm sóc đầy đủ về dinh dưỡng, y tế, văn hóa tinh thần... lớn lên các cháu lại tiếp tục là gánh nặng cho xã hội.

Tình trạng kết hôn sớm, sinh con đông còn diễn ra khá nhiều ở vùng nông thôn. Ảnh minh họa: T.Q

Cần tăng cường giáo dục sức khỏe sinh sản cho trẻ VTN

Hiện nay, lứa tuổi VTN đang có xu hướng yêu và quan hệ tình dục sớm, trong khi kiến thức về sức khỏe sinh sản (SKSS) còn hạn chế dẫn tới mang thai ngoài ý muốn, nạo phá thai…

Theo bác sĩ Nguyễn Thị Mỹ Khánh - Trưởng khoa Chăm sóc SKSS (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh): “Theo thống kê, mỗi năm cả nước có trên 1 triệu trẻ VTN phá thai ở hệ thống bệnh viện công lập. Ở Bạc Liêu, chưa có số liệu chính xác về các trường hợp nạo phá thai ở tuổi VTN , bởi lẽ nhiều em khi mang thai không cho gia đình biết mà tự tìm đến các cơ sở y tế tư nhân, không đăng ký dịch vụ để thực hiện nạo phá thai. Một số gia đình khi con ở tuổi VTN có thai, do muốn giữ “tai tiếng” nên thường đưa đến các tỉnh, thành phố khác để thực hiện nạo phá thai, sinh con, hoặc khai tăng tuổi nên ngành chức năng khó nắm bắt, không thống kê được thực tế”.

Cũng theo bác sĩ Khánh, tình trạng trẻ VTN yêu đương và mang thai hiện tăng cao so với những năm trước. Nguyên nhân là do các em thường xuyên được tiếp xúc nhiều nguồn thông tin không lành mạnh qua Internet, mạng xã hội. Sự chủ động và dễ dàng tiếp cận thông tin như hiện nay đã dẫn đến những hệ lụy đáng buồn khi trẻ không được định hướng, không có sự tiếp cận đa chiều và không sàng lọc được thông tin. Nhiều em có suy nghĩ thoáng trong quan hệ tình dục nhưng lại thiếu kiến thức, thiếu hiểu biết về tình dục an toàn, thiếu các biện pháp hỗ trợ tránh thai hoặc cách xử lý khi có thai ngoài ý muốn. Trong khi đó, các bậc phụ huynh hiện nay lại ít có thời gian quan tâm đến những thay đổi tâm sinh lý của con, nhiều gia đình phó mặc việc giáo dục kiến thức về SKSS cho nhà trường. Mặt khác, với sự phát triển hiện nay, trẻ em dậy thì khá sớm (từ 12 - 14 tuổi), những thắc mắc, băn khoăn của các bạn trẻ về vấn đề phát triển cơ thể, SKSS… không được người lớn giải thích thỏa đáng và hướng dẫn khiến các em càng tò mò, muốn tìm hiểu.

Để hạn chế tình trạng mang thai, sinh con, nạo phá thai ở  trẻ VTN thì giải pháp giáo dục giới tính cho trẻ là hết sức cần thiết. Mỗi năm, Khoa Sức khỏe sinh sản cùng các trung tâm y tế ở địa phương đều có tổ chức tuyên truyền về kiến thức SKSS cho học sinh các trường THCS, THPT.  Tuy nhiên, hoạt động giáo dục này vẫn còn thiếu và yếu trong khi lứa tuổi dậy thì tập trung nhiều ở khối này. Bởi vậy, định hướng cho trẻ VTN hiểu biết về giới tính cần có sự vào cuộc của xã hội, trong đó, quan trọng nhất là gia đình và nhà trường. Gia đình cần cởi mở hơn trong giáo dục giới tính cho trẻ; về phía nhà trường, cần tổ chức nhiều buổi ngoại khóa giúp các em có thêm kiến thức về SKSS tuổi VTN. Hơn hết là nhà trường và gia đình cùng các cơ quan chức năng như: Sở LĐ-TB&XH, Tỉnh đoàn, Hội LHPN… nên “bắt tay” nhau để tổ chức tuyên truyền, định hướng đúng cho trẻ về SKSS để tránh hậu quả đáng tiếc xảy ra.

Minh Luân

Ở tuổi VTN, cơ thể các bé gái chưa hoàn thiện nên khi mang thai sẽ ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe của chính bản thân và thai nhi trong bụng. Sinh con sớm cũng khiến các em phải chịu áp lực trong sinh nở, chăm sóc con cái và gia đình khi chưa trưởng thành, bản thân các em gái sẽ mất đi cơ hội học hành, không có công ăn việc làm, thiếu kiến thức chăm con. Còn đối với những đứa trẻ được sinh ra từ những bà mẹ trẻ con thường có sức khỏe yếu ớt, còi cọc, chậm phát triển... Bên cạnh những trường hợp may mắn được cha mẹ, ông bà hay người thân nuôi dưỡng, cưu mang thì có không ít trường hợp vừa mở mắt chào đời, những đứa trẻ bất hạnh này đã bị chính người dứt ruột đẻ ra nhẫn tâm bỏ rơi tại các trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi, bệnh viện - trở thành gánh nặng cho xã hội. Đau lòng hơn, có bé bị vứt bỏ thùng rác, chôn sống..., bị tước đoạt quyền được sống, được yêu thương một cách nhẫn tâm, chỉ vì lối sống ích kỷ, buông thả của một bộ phận người trẻ

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.