Đời sống - Xã hội
Người khuyết tật bị lạm dụng tình dục: Chuyện xót lòng
Tình trạng lạm dụng, xâm hại tình dục phụ nữ đã gióng lên hồi chuông báo động, đẩy nhiều số phận vào hoàn cảnh éo le, bi đát. Đau lòng hơn, ngay cả người khuyết tật - khiếm khuyết về thân thể, trí tuệ cũng bị lạm dụng, xâm hại tình dục. Dù là đối tượng dễ bị bạo hành và xâm hại, song người khuyết tật nữ lại ít có khả năng được can thiệp, bảo vệ pháp lý hoặc chăm sóc, phòng ngừa.
Phận bạc
Ở cái tuổi 30, dù thân thể lành lặn nhưng trí não của chị T. (TX. Giá Rai) lại ngờ ngệch. Không ai biết chị từ đâu đến, chỉ thấy ngày ngày chị rong ruổi khắp nơi bán vé số mưu sinh. Vào một ngày mưa tầm tã, nhìn thấy chị nằm bất tỉnh bên đường, người dân vội đưa chị vào Bệnh viện Đa khoa TX. Giá Rai cấp cứu. Tại đây, bác sĩ cho biết, chị đang mang thai hơn 6 tháng, bào thai đã chết lưu, đang phân hủy, đe dọa đến tính mạng chị. Vì ca mổ khó nên bệnh viện chuyển chị lên bệnh viện tuyến trên để cứu chữa.
Chị Lê Thị Ngọc Hưởng bên cạnh con trai.
Bà Phạm Thị Nguyệt cùng con gái sống nương nhờ tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh. Ảnh: T.Q
Ngày chuyển viện, chị không có người thân đi cùng, trong túi chỉ còn vài chục ngàn đồng. Xót thương số phận của chị, một số người hảo tâm đã ủng hộ tiền giúp chị vượt qua cơn thập tử nhất sinh.
Còn chị C. (cùng ngụ TX. Giá Rai) cũng thường xuyên bị kẻ xấu xâm hại tình dục dẫn đến mang thai. Theo bác sĩ Huỳnh Văn Dũng, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa TX. Giá Rai: “Cứ vài năm là bệnh viện lại tiếp nhận chị C. trong tình trạng mang thai. Đầu óc chị C. không tỉnh táo nên khi hỏi cha đứa bé là ai thì chị lơ ngơ không biết. Lần nào chị nhập viện cũng đều do người dân đưa vào, không ai biết gia đình chị ở đâu. Để đảm bảo an toàn, chúng tôi phải mổ triệt sản cho chị”.
Theo bác sĩ Dũng, trường hợp của chị C. không chỉ là duy nhất, bởi thỉnh thoảng bệnh viện cũng tiếp nhận bệnh nhân là người khuyết tật tay chân, thiểu năng trí tuệ… được người nhà hoặc người dân đưa đến bệnh viện phá thai hoặc sinh con.
Đối với người bình thường, việc sinh và nuôi nấng một đứa con đã là gian truân, vất vả và tốn kém. Còn người khuyết tật với cơ thể khiếm khuyết, đầu óc không minh mẫn thì cảm giác mệt mỏi, đau đớn, vất vả còn nhân lên gấp bội. Đứa trẻ ra đời còn phải chăm sóc, nuôi nấng, dạy dỗ, nhưng với tâm trí, sức khỏe như thế, bản thân họ còn không thể tự lo, thì việc nuôi một con người càng khó vạn lần!
Những đứa con vô thừa nhận
Mang thân tật nguyền từ khi mới sinh ra, chị Lê Thị Ngọc Hưởng (28 tuổi, phường 5, TP. Bạc Liêu) cũng lâm vào hoàn cảnh bi đát.
Gia đình Hưởng rất nghèo, phải sống nhờ vào gian nhà sau của người dì. Khi 20 tuổi, Hưởng xin mẹ bán vé số kiếm tiền phụ gia đình. Giữa năm 2016, Hưởng tình cờ quen một thanh niên làm phụ hồ, những lời thề non hẹn biển đã khiến trái tim người con gái tật nguyền xao xuyến. Thế nhưng, sau khi Hưởng báo tin mang thai thì người kia đã cao chạy xa bay, bỏ mặc cô với cái thai đã tượng hình hơn 5 tháng. Hưởng tâm sự: “Suốt mấy tháng trời thấy không khỏe nên em đến trạm y tế phường khám, và em bị sốc khi nghe tin mình có thai. Trong lúc hoảng loạn, em đến bệnh viện nhờ bác sĩ phá thai nhưng bác sĩ từ chối vì thai đã quá lớn. Rơi vào đường cùng, em đành thú thật với mẹ”.
Gạt vội dòng nước mắt, bà Nguyễn Thị Cúc (mẹ Hưởng) nói: “Nghe con báo tin mà lòng tôi như lửa đốt! Có ngờ đâu, thân con tôi tật nguyền như vậy mà cũng bị dụ dỗ lừa gạt đến nỗi mang thai”.
Thương con, nhưng đôi tay yếu ớt không thể ôm ấp vỗ về, mỗi lần muốn gần gũi con, Hưởng phải nhờ mẹ bế để trên người. Gia cảnh quá khó khăn lại không có sữa cho con bú, nên dù mới sinh mổ hơn 1 tháng, Hưởng phải cắn răng nén cơn đau tiếp tục bán vé số kiếm tiền mua sữa. Những ngày không có tiền, bé thiếu sữa, cứ khóc ngặt, nhìn con mà ruột gan Hưởng se thắt.
Còn bà Phạm Thị Nguyệt (59 tuổi, ngụ tỉnh Cà Mau), sau nhiều năm trời lang bạt sống tại góc chợ, lề đường, đến khi không còn sức lao động, bà đành dắt đứa con gái thiểu năng đến nương nhờ tại Trung tâm Bảo trợ xã hội Bạc Liêu.
Bà Nguyệt ít nói, lầm lì, ngờ ngệch, suốt ngày chỉ quấn quýt chăm lo cho con. Con bà thì ngu ngơ, không nhận biết mọi sự việc xung quanh, nhiều khi còn giận dữ đánh cả mẹ. Chứng kiến tình cảnh của bà, ai cũng xót lòng.
Khi được hỏi về cha của đứa con, bà Nguyệt chỉ nói không biết hoặc đã chết lâu rồi. Mỗi ngày bà chỉ biết ra sức bảo vệ đứa con gái tránh xa những người đàn ông. Có lẽ, quá khứ của bà cũng đã bị nỗi ám ảnh bởi người đã tạo ra đứa con của mình, để cuộc đời của người phụ nữ vốn quá khổ, quá khờ như bà phải đeo mang thêm gánh nặng dưỡng nuôi đứa con vô cảm.
Vẫn còn đó, rất nhiều trường hợp khiếm khuyết về cơ thể, trí tuệ, không khả năng tự vệ… phải gánh chịu hậu quả của những kẻ nhẫn tâm khiến cuộc đời họ thêm chất chồng trầm luân, lao khổ.
Hiện nay, đối với nhiều phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ khuyết tật, những khía cạnh liên quan đến tình yêu, hôn nhân và đời sống tình dục của họ đang bị bỏ quên bởi bản thân không đủ nhận thức cùng với định kiến của gia đình, xã hội. Chính vì bị bỏ quên nên phụ nữ khuyết tật luôn là đối tượng có nguy cơ bị xâm hại tình dục nhiều hơn so với phụ nữ bình thường. Trong khi công tác tuyên truyền, quan tâm về đời sống tinh thần, sức khỏe sinh sản dành cho người khuyết tật rất hạn chế. Các địa phương chỉ thực hiện công tác chăm lo cho người khuyết tật dựa vào chính sách chung mà chưa có nhiều giải pháp sâu sát, cụ thể gắn với từng người khuyết tật. Do đó, khi người khuyết tật bị xâm hại thì họ và gia đình đành nhắm mắt chấp nhận, hoặc giấu giếm. Họ không dám cậy nhờ cơ quan chức năng tố cáo thủ phạm hoặc tìm kiếm sự giúp đỡ về pháp luật, tâm lý, y tế.
Hành vi xâm hại tình dục người khuyết tật diễn ra ngày càng nhiều, nhưng số người đứng ra tố cáo kẻ thực hiện hành vi đồi bại lại rất ít, để lại nỗi đau tột cùng cho cả nạn nhân, người thân lẫn dư luận xã hội. Trên hết là những đứa trẻ - con của những kẻ vô lương tâm sau khi được sinh ra, liệu có mấy gia đình chấp nhận nuôi nấng, dạy dỗ hay đưa vào các trại, trung tâm nuôi trẻ mồ côi, hoặc bỏ mặc ngoài đường. Tương lai của những đứa trẻ về đâu khi bên cạnh không có người thân dạy dỗ, chăm sóc? Và những đứa trẻ ấy khi lớn lên liệu có trở thành người hữu dụng hay lại tiếp tục trở thành gánh nặng cho xã hội!?...
Minh Luân
- Xã Định Thành và Định Thành A đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao
- Tọa đàm kỷ niệm Ngày Khoa học - Công nghệ Việt Nam
- 21 thí sinh tham gia Hội thi Chỉ huy Đội giỏi cấp thành phố năm học 2024 - 2025
- Gần 100 vận động viên tranh tài tại Giải vô địch cầu lông các CLB tỉnh Bạc Liêu năm 2025
- Xây dựng dữ liệu cho bản đồ du lịch thông minh tại Bạc Liêu