Nhọc nhằn nghề bán hàng rong

Thứ Hai, 19/08/2019 | 15:37

Trên các con đường ở TP. Bạc Liêu, chúng ta có thể bắt gặp hình ảnh những người gánh hàng, đẩy hàng rong đi bán dạo với các loại bánh, xôi, chè, rau củ, trái cây, thịt cá… Họ dãi dầu mưa nắng, tần tảo kiếm tiền bằng những giọt mồ hôi để nuôi sống bản thân, gia đình.

Dưới trời nắng chói chang, người phụ nữ vẫn đẩy xe trái cây để bán (ảnh chụp tại thị trấn Phước Long, huyện Phước Long).

Nghề bán hàng rong được nhiều phụ nữ lựa chọn bởi nghề này chỉ cần ít vốn. Có người chỉ bán quanh quẩn khu vực quen thuộc, nhưng cũng có người phải gánh hoặc đẩy xe đi rất xa mới bán được. Nói chuyện với họ, lắng nghe họ trải lòng thì mới cảm nhận được phần nào những nhọc nhằn của nghề mua gánh bán bưng.

Hơn 20 năm qua, cứ  4 giờ sáng là bà Trương Thị Liên (55 tuổi, ngụ ấp Sóc Đồn, xã Hưng Hội, huyện Vĩnh Lợi) lại quảy gánh hàng đồ tươi, trái cây (nặng trên 30kg) lên vai rồi lặn lội từ ấp Sóc Đồn đến các khu dân cư trên địa bàn TP. Bạc Liêu để bán.

Mỗi ngày bà Liên đi bộ hàng chục cây số cùng đôi quang gánh nặng trĩu. Ở cái tuổi 55 nhưng nhìn bà già hơn tuổi bởi làn da đen đúa vì nắng mưa, tay chân chai sạn vì lao động vất vả. Bà Liên bày tỏ: “Tôi có hai người con, nhà không ruộng đất, nhờ cái gánh hàng rong này mà tôi nuôi các con lớn khôn. Bây giờ tuổi đã cao nhưng ngày nào còn sức tôi vẫn gánh hàng đi khắp nơi để bán. Mỗi ngày tôi kiếm 80.000 - 120.000 đồng, giúp tôi trang trải cuộc sống”.

Bà Trương Thị Liên (ngụ xã Hưng Hội, huyện Vĩnh Lợi) bên gánh hàng của mình. Ảnh: M.L

Dù đã hơn 21 giờ đêm, bất chấp cơn mưa nặng hạt đang đổ xuống, chị Thanh Hoa (26 tuổi, quê tỉnh Quảng Ngãi) vẫn đạp xe qua từng khu dân cư, quán nhậu để bán bắp xào, hột gà nướng. Chị Hoa theo gia đình người bác về Bạc Liêu lập nghiệp hơn 3 năm qua. Gia đình người bác cũng sống bằng nghề bán bò viên chiên, bắp xào. Công việc tuy vất vả, thu nhập không cao, nhưng cũng có đồng vô đồng ra nên cuộc sống ổn định.

Mỗi tháng, sau khi trả tiền nhà trọ và các chi phí sinh hoạt, chị Hoa gửi hơn 2 triệu đồng về quê phụ cha mẹ lo cho các em ăn học. Những ngày trời mưa to gió lớn, nước ngập chị vẫn đi bán, không dám nghỉ. Chị Hoa tâm sự: “Những hôm bán ế, phải ráng bán tới khuya. Khi đi vào những con đường vắng gặp đám thanh niên bất hảo tụ tập nhậu nhẹt chọc ghẹo, tôi sợ lắm! Song, sợ thì sợ nhưng vẫn phải đi bán chứ không dám nghỉ vì còn phải trả tiền thuê nhà, tiền ăn, tiền gửi về quê cho cha mẹ”.

Hơn 20 năm qua, nhiều người dân phường 3, phường 5 (TP. Bạc Liêu) đã quen thuộc với hình ảnh người đàn ông gầy gò đẩy xe xôi ngọt đi bán. Bước qua cái tuổi lục tuần, sức khỏe suy giảm, bệnh tật triền miên nhưng chưa ngày nào ông Nhật Thành (60 tuổi, ở nhà trọ tại phường 3, TP. Bạc Liêu) nghỉ bán. Vợ chồng ông Thành ly hôn nhiều năm, con cái lớn đều ra ở riêng, giờ ông chỉ một mình và sống trong nhà trọ. Mỗi ngày ông thức dậy thật sớm để nấu xôi đi bán và lãi trên 80.000 đồng, giúp ông sống qua ngày.

Ông Thành chia sẻ: “Tôi gắn bó với cái nghề bán xôi gần 20 năm. Gánh xôi tuy nhỏ nhưng đã giúp tôi nuôi các con khôn lớn. Bây giờ gánh xôi này lại nuôi sống tôi, giúp tôi có cơm ăn, thuốc thang khi về già”.

Cuộc mưu sinh bên gánh hàng rong thấm đẫm những nhọc nhằn, vất vả! Thế nhưng, vì cuộc sống, vì miếng cơm manh áo nên họ vẫn ngày ngày rong ruổi trên đường. Hôm nào bán đắt thì bữa cơm ngon hơn, bán ế thì rau cháo qua ngày. Dù vất vả, thiếu thốn nhưng họ vẫn quyết tâm vươn lên bằng những giọt mồ hôi, sống bằng đồng tiền lương thiện.  

MINH LUÂN

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.