Đời sống - Xã hội
Nhọc nhằn nghề bốc vác
Trong những ngành nghề lao động tự do, bốc vác được xem là công việc nặng nhọc nhất. Những người bốc vác thường phải làm việc trong môi trường độc hại nhưng lại thiếu các biện pháp bảo hộ, nên khi về già họ thường mắc nhiều chứng bệnh. Dù biết như vậy, nhưng vì cuộc sống, những phu bốc vác vẫn ngày ngày lặng lẽ làm việc.
Nhóm bốc vác của anh Nguyễn Minh Ba đang vác lúa xuống ghe. Ảnh: C.L
Sau khi thỏa thuận xong giá cả với chủ ghe lúa, nhóm bốc vác gồm 5 thành viên do anh Nguyễn Minh Ba (xã Vĩnh Hưng, huyện Vĩnh Lợi) phụ trách bắt tay vào việc. Do đã phân công từ trước, một người đứng cạnh đống lúa làm nhiệm vụ “giật bao” đưa từng bao lúa tươi (trọng lượng trung bình khoảng 50kg/bao) lên vai các thành viên để đưa lúa xuống ghe đang đậu cách đó hơn 10m. Nhìn bước đi nặng nhọc và chiếc đòn bắc xuống ghe cong mình theo từng nhịp bước của người vác lúa mới cảm nhận sự vất vả mà họ đang làm. Có lẽ, điểm chung dễ nhận thấy nhất ở nhóm khuân vác là cả 5 người đều có nước da sạm nắng, những chiếc áo cũ sờn, bạc phếch.
Tranh thủ thời gian nghỉ, anh Nguyễn Minh Ba tâm sự: “Làm nghề bốc vác này vất vả lắm! Công việc thì bất kể ngày hay đêm. Khi nào chủ hàng gọi là mình phải có mặt, nếu không sẽ mất mối. Nhiều hôm về đến nhà do quá mệt nên chưa tắm gội, cơm nước là đã lăn ra ngủ”.
Các thành viên trong nhóm bốc vác bày tỏ, nếu hôm nào thấy trong người không khỏe thì cũng chỉ nghỉ ngơi 1 - 2 ngày, chứ không dám nghỉ lâu. Thỉnh thoảng cũng có người xin vào nhóm tham gia bốc vác, nhưng làm được vài tháng là nghỉ. Họ tìm việc khác để làm, chứ làm nghề này cực quá không theo nổi. Thu nhập hàng ngày được tính theo trọng lượng hàng hóa mà họ phải cõng trên lưng, vác trên vai. Trung bình mỗi người phải vác từ 2 - 3 tấn hàng mới đủ trang trải cuộc sống.
Phần lớn người làm nghề bốc vác không có hợp đồng lao động, không có bảo hiểm y tế và cũng không được đóng bảo hiểm xã hội. Họ chỉ giao kèo, thỏa thuận với người sử dụng lao động bằng miệng. Khi có sự cố, tai nạn lao động xảy ra, người bốc vác tự chịu mọi tổn thất. Nếu gặp người chủ tốt bụng thì cho vài trăm ngàn đồng mua thuốc uống, thế là xong! Làm quanh năm chỉ đủ ăn, nên những người bốc vác không có dư để dành dụm. Khi chẳng may gặp tai nạn, phải nghỉ việc dài ngày thì coi như gia đình họ lâm vào cảnh túng quẫn.
Anh Danh Huynh (xã Vĩnh Trạch, TP. Bạc Liêu) làm nghề bốc vác vật liệu xây dựng gần 5 năm, chia sẻ: “Nghề bốc vác thì làm ngày nào ăn ngày nấy, vậy là mừng lắm rồi! Tôi “ngán” nhất là mặt hàng xi măng. Lúc mới vào nghề, hôm nào vác nhiều xi măng là da tôi bị dị ứng, nổi mẩn đỏ và ngứa. Tối về thoa dầu rồi sáng lại đi làm, riết rồi quen dần”.
Nghề bốc vác thu nhập rất bấp bênh, do vậy ít ai dám nghĩ về tương lai và sự ổn định của nghề này. Còn ngày ngày, gánh nặng mưu sinh vẫn hiện hữu, đè nặng trên đôi vai theo từng bước chân nặng nhọc của họ.
CHÍ LINH