Nhọc nhằn nghề nạo vét cống

Thứ Sáu, 21/06/2024 | 16:09

Nạo vét cống rãnh là một trong những công việc cực kỳ nặng nhọc, vất vả, luôn phải tiếp xúc với mùi hôi thối, chất độc hại. Ấy vậy mà ngày ngày, bất kể nắng mưa, những công nhân của Đội thoát nước (Trung tâm Dịch vụ đô thị tỉnh) vẫn bền bỉ, lặng lẽ làm việc giữa dòng người qua lại với mong muốn những con đường không còn ngập nước mỗi khi mưa lớn, triều dâng.

Công nhân Đội thoát nước nạo vét bùn trên tuyến đường Lê Văn Duyệt (Phường 3, TP. Bạc Liêu). Ảnh: T.Q

Hiểm nguy chực chờ

Đội thoát nước có 4 tổ, mỗi tổ gồm 4 thành viên. Một ngày làm việc của họ bắt đầu từ 7 giờ sáng đến 5 giờ chiều. Mặc dù có sự hỗ trợ của máy móc nhưng do tính đặc thù của công việc, những công nhân này vẫn phải trầm mình dưới lòng cống nước đen ngòm, hôi thối. Cực nhất là những ngày mưa bão, rác thải bị cuốn xuống cống nhiều gây tắc nghẽn khiến những công nhân phải làm việc liên tục không kể ngày đêm, bì bõm trong nước ngập. Họ tới từng miệng hố ga vớt rác để khơi thông dòng chảy. Dưới cống thoát nước, bên cạnh nước thải thì còn nhiều rác tạp như: sắt vụn, mảnh chai vỡ, túi nylon, hóa chất, dầu mỡ… gây hôi thối, tắc nghẽn, nhất là ở các khu vực mua bán, chợ. Do đó, anh em công nhân phải dọn luôn các loại rác này, có trường hợp phải dùng dụng cụ chuyên dụng đục để đường thoát nước được thông thoáng. Có những đoạn hố ga hẹp và sâu từ 5 - 8m, công đoạn chuyển rác thải, bùn lên trên cũng phải cần đến nhiều người, nặng nhọc gấp đôi, vô cùng vất vả.

Không chỉ làm việc trong môi trường vất vả và độc hại, những công nhân nạo vét cống còn phải đối mặt với những tai nạn có thể gặp phải bất cứ lúc nào như đạp trúng đinh, ống tiêm, vật sắc nhọn… Song với lòng yêu nghề và vì cuộc sống mưu sinh, họ đã vượt qua những khó khăn thường nhật.

Ông Tào Thanh Anh Dũng - người có thâm niên 26 năm với nghề nạo vét cống chia sẻ: “Với chúng tôi, bị vật sắc nhọn đâm phải hay cứa đứt chân là chuyện bình thường. Nếu vết thương nhỏ thì tự sơ cứu tại chỗ, khi nào nặng quá thì mới đến cơ sở y tế để may vết thương. Nguy hiểm là vậy nhưng tôi quyết không bỏ nghề vì nhờ nghề này mà tôi nuôi được 5 người con lớn khôn”.

Buồn vui cùng nghề

Khi còn nhỏ, anh Âu Ngọc Lợi (hiện đã ngoài 40 tuổi) đã ngày ngày theo mẹ là công nhân Đội vệ sinh quét rác các tuyến đường nội ô. Tham gia Đội thoát nước vào năm 15 tuổi, đến nay trải qua 25 năm gắn bó với nghề, anh Lợi đã trải qua biết bao nguy hiểm, buồn vui với nghề. “Có những hố ga nhỏ, hẹp, sâu, vào một lúc là muốn ngạt thở do khí gas xộc thẳng vào mũi. Ngoài ra, ở những trạm bơm, mỗi khi xảy ra sự cố là tôi phải lặn sâu đến 5m để sửa lại chân vịt, gỡ rác, vét bùn… Nghề này thoạt nhìn có vẻ bình thường, song khi tiếp xúc với nghề mới thấy được những hiểm nguy chực chờ, dù vậy do đây là nghề tôi đã chọn nên tôi vẫn nguyện gắn chặt với nghề đến khi nào không làm nổi mới thôi”, anh Lợi sẻ chia.

Công việc nặng nhọc, làm trong môi trường độc hại, nguy hiểm là thế nhưng mức lương của công nhân khoảng 7 triệu đồng/tháng kể cả tiền độc hại. Cuộc sống của hầu hết các công nhân nạo vét cống đều khó khăn, đa số còn ở nhà thuê, họ phải chi tiêu rất hạn chế mới có thể sống được trong thời buổi vật giá leo thang này.

Chọn nghề nạo vét cống, ngoài nhận được sự cảm thông, nhiều người phải tủi thân vì ánh mắt kỳ thị của người đi đường và một số gia đình. Có một số người còn lớn tiếng yêu cầu anh em chuyển sang làm vào đêm khuya vì làm ban ngày gây hôi thối, ảnh hưởng đến sinh hoạt, mua bán của họ; một số người thì tráng lấp miệng hố ga, mỗi khi có sự cố nghẹt cống, anh em phải khoan, đục tìm đường xuống rất vất vả…

Anh Lê Trung Hiếu - Đội trưởng Đội thoát nước (Trung tâm Dịch vụ đô thị tỉnh), cho biết: “Trung bình mỗi năm, các thành viên trong đội phải nạo vét gần 100 tuyến đường. Tuy thu nhập chưa tương xứng với sức lao động và sự độc hại, nguy hiểm trong công việc nhưng với lòng yêu nghề và sự đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, cùng với sự quan tâm, chăm lo của lãnh đạo Trung tâm đã tạo động lực, niềm lạc quan để chúng tôi cống hiến sức lực, góp phần cùng đơn vị hoàn thành nhiệm vụ giữ gìn, làm đẹp phố phường”.

Nạo vét cống được coi là nghề độc hại, luôn đối mặt với nguy hiểm, thế nhưng, những công nhân mà tôi gặp chưa hề có ý định bỏ nghề, bởi bỏ qua gánh nặng cơm áo gạo tiền, họ luôn mong muốn được đóng góp công sức góp phần làm cho thành phố ngày càng sạch đẹp, văn minh.

Minh Luân

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.