Đời sống - Xã hội
Những phận đời bám rác
Ruồi nhặng bu đen, mùi hôi thối nồng nặc, bẩn thỉu… là hình ảnh quen thuộc ở những thùng rác, bãi rác, ai cũng né tránh nhưng đó lại là “nồi cơm”, nơi “kiếm ăn” của những người nghèo khổ. Ngày cũng như đêm, họ phải lân la khắp hang cùng ngõ hẻm, nhặt nhạnh những thứ người ta vứt đi như vỏ chai nhựa, giấy vụn... để bán lấy tiền lo cho cuộc sống gia đình.
“Nồi cơm” của người nghèo
Dù đã vào tuổi xế chiều lại đau bệnh liên miên, song vì mưu sinh nên bất kể trời mưa dầm hay đêm sương lạnh buốt, cứ đúng 1 - 8 giờ sáng là bà Thạch Thị Hoa (67 tuổi, sống ở khóm Bờ Tây, phường Nhà Mát, TP. Bạc Liêu) lại vác chiếc bao lên vai đi rong ruổi khu Quán âm Phật đài, khu du lịch Nhà Mát và dọc mé biển để nhặt nhạnh từng cái vỏ chai, mảnh giấy vụn để đổi tiền mua gạo. Vất vả là vậy, nhưng mỗi ngày bà chỉ kiếm được từ 10.000 - 30.000 đồng. Chồng mất sớm để lại 2 con nhỏ, nghề nhặt phế liệu đã giúp bà Hoa nuôi con đến tuổi trưởng thành. Nay cả hai đều đã lấy chồng xa, nhưng gia cảnh cũng nghèo nên không thể đỡ đần được cho mẹ. Bà Hoa sống một mình trong khu tình thương được Nhà nước cất cho. “Giờ tôi chỉ mong có sức khỏe, không đau ốm bệnh tật để có thể tự chăm sóc, nuôi sống bản thân, không là gánh nặng cho con hay xã hội”, bà Hoa ngậm ngùi chia sẻ.
Mới 2 giờ sáng, khi bầu trời còn tối đen, chị Võ Thị Mỹ (Phường 1, TP. Bạc Liêu) đã đánh thức 3 đứa con nhỏ, nhắc chúng mặc áo khoác vào rồi cùng nhau đẩy chiếc xe đi thu nhặt phế liệu. Về đến nhà là 19 giờ, kết thúc một ngày mưu sinh sau khi đã phân loại những vật dụng nhặt nhạnh có thể bán được. Ngày nào “thu hoạch” nhiều thì kiếm được 120.000 - 150.000 đồng, còn gặp hôm thời tiết mưa gió, đường ngập nước thì chỉ có vài chục ngàn đồng. Thuộc diện hộ cận nghèo, vợ chồng chị Mỹ có 5 đứa con, lớn nhất 13 tuổi, nhỏ nhất vừa lên 5; chồng chị thì đau ốm liên miên không thể làm việc nặng nhọc, thêm mẹ chồng già yếu, một mình chị phải đảm đương nuôi 8 miệng ăn. Những khi trái gió trở trời, bị nhiễm bệnh, chị cũng chỉ mua vài viên thuốc uống tạm rồi tất bật với việc mưu sinh.
Chỉ vào bàn tay sưng tấy do bị kim loại đâm trong quá trình nhặt rác, chị Mỹ cho biết: “Nghề nhặt phế liệu tưởng đơn giản nhưng nguy hiểm lắm vì thường xuyên bị vật sắc nhọn đâm trúng. Đó là chưa kể phải thường xuyên đối mặt với môi trường ô nhiễm, độc hại. Tay tôi lẽ ra phải đi tiêm ngừa, nhưng lấy đâu ra tiền, chỉ biết cắn răng chịu đau. Nhiều lúc muốn chuyển sang nghề khác nhưng bản thân lớn tuổi, không nghề nghiệp nên đành chấp nhận nghề hạ bạc này”.
* Chị Võ Thị Mỹ và con gái bắt đầu một ngày mưu sinh (ảnh nhỏ). * Người nghèo lặn ngụp mưu sinh trên đống rác cao như núi (ảnh lớn). Ảnh: T.Q
Đối diện nhiều hiểm nguy, bệnh tật
Tại bãi rác Tân Tạo (ấp Cái Dầy, thị trấn Châu Hưng, huyện Vĩnh Lợi) có khoảng 10 người nghèo thường xuyên đến nhặt rác. Ngày ngày họ tìm đến những đống rác chất cao như núi, ngập ngụa, hôi thối, ruồi nhặng bu quanh… để mưu sinh. Tất cả đều nghèo như nhau, không vốn liếng, không nghề nghiệp nên chỉ biết bám vào bãi rác kiếm sống. Họ có mặt tại bãi rác từ 5 giờ sáng đến 5 giờ chiều, lầm lũi cào bới, nhặt nhạnh những thứ có thể dùng hoặc bán được.
Ngoài gặp hiểm nguy khi tiếp xúc với những vật dễ gây tổn thương da thì việc thường xuyên tiếp xúc với nước bẩn, mùi hôi thối cũng dễ dàng gây ra nhiều loại bệnh. Bên cạnh đó, có chứng kiến công việc của những người bới rác mới cảm nhận được sự vất vả, hiểm nguy của họ. Nắng nóng thì hôi hám, ruồi nhặng xen lẫn oi bức, ngày mưa to nước lên ngập ngụa dơ bẩn không thể tả nhưng họ vẫn cần mẫn bới, nhặt vì mọi chi phí sinh hoạt đều trông chờ từ rác. Rác càng nhiều thì giúp “nồi cơm” của họ càng đầy hơn.
Là cái nghề tận cùng của nghèo khó, nhiều người không giấu được sự tủi hổ, nhưng vì chén cơm manh áo, họ chấp nhận đánh đổi bằng những vất vả, gian lao với ước mong nhận được sự sẻ chia của cộng đồng, hơn hết là sự quan tâm, hỗ trợ từ chính quyền địa phương và các nhà hảo tâm để cuộc sống bớt nhọc nhằn, gian lao, thiếu thốn.
Minh Luân
- Hơn 300 học sinh TP. Hồ Chí Minh tham quan Khu lưu niệm nghệ thuật ĐCTT Nam Bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu
- TX. Giá Rai: Đánh giá, phân hạng 5 sản phẩm OCOP năn 2024
- Đoàn công tác của Tỉnh ủy, UBND: Kiểm tra tình hình sạt lở và thực hiện các dự án trên địa bàn TP. Bạc Liêu và huyện Vĩnh Lợi
- Đối thoại với nông dân, Chủ tịch UBND tỉnh - Phạm Văn Thiều: Ưu tiên đầu tư cho nông nghiệp - nông dân - nông thôn
- 4 cây me trăm tuổi trên đường Bà Triệu đã được di dời