Đời sống - Xã hội
Những phòng thuốc Nam quen thuộc của người nghèo
Mặc dù công tác khám, chữa bệnh (KCB) ở các phòng chẩn trị y học cổ truyền, các phòng thuốc Nam trên địa bàn TP. Bạc Liêu hoàn toàn miễn phí, nhưng các lương y luôn tận tâm, tận tình chăm sóc bệnh nhân nghèo với phương châm “Hoạt động phước thiện để giúp đỡ người nghèo khó, chữa bệnh từ thiện nhân đạo, giúp đỡ người nghèo bị bệnh tật bằng thuốc Nam”.
Người dân đến châm cứu tại phòng thuốc Nam Hưng Vĩnh Tự.
Địa chỉ quen thuộc của người nghèo
Tọa lạc trên đường Võ Thị Sáu (Phường 3, TP. Bạc Liêu), phòng thuốc Nam Hưng Vĩnh Tự (thuộc chùa Tịnh Độ) có tuổi đời hơn 80 năm là nơi các bệnh nhân nghèo thường xuyên lui tới. Phòng thuốc này có 17 y sĩ, y sinh hoạt động ở 3 phòng: nam dược, châm cứu và nhãn khoa. Công tác KCB, hốt thuốc nơi đây hoạt động xuyên suốt trong tuần, mỗi ngày bắt đầu từ 5 - 11 giờ. Ngoài cấp phát thuốc Nam cho người nghèo, phòng thuốc còn được trang bị các dụng cụ hỗ trợ trị liệu cho bệnh nhân như: đèn xông, châm cứu... Các loại phương tiện trị bệnh đều được xử lý an toàn cho mỗi lượt chữa bệnh. Trung bình mỗi ngày có khoảng 60 - 70 lượt người trong, ngoài tỉnh đến khám, châm cứu và hốt thuốc tại phòng thuốc Nam Hưng Vĩnh Tự. Tất cả mọi việc, từ bắt mạch chẩn đoán bệnh, đến kê đơn thuốc, phát thuốc đều hoàn toàn miễn phí.
Ngoài các loại thuốc Nam là cây lá phơi khô mang về sắc uống truyền thống, phòng thuốc Nam Hưng Vĩnh Tự còn bào chế ra một số loại thuốc tán, thuốc viên... nhằm giúp bệnh nhân thuận tiện hơn trong việc điều trị bệnh. Không chỉ KCB, phát thuốc miễn phí, trị bệnh, phòng thuốc này còn hỗ trợ bệnh nhân nghèo những suất ăn trong thời gian điều trị.
Lương y Trương Văn Truyển - Chánh Thư ký Ban Trị sự Tịnh độ cư sĩ Phật hội Việt Nam tỉnh, cho biết: “Tịnh độ cư sĩ Phật hội Việt Nam tỉnh hiện có 23 chi hội trực thuộc và 1 phòng thuốc Nam. Trung bình mỗi ngày mỗi chi hội có 30 - 40 lượt người đến bắt mạch, châm cứu, hốt thuốc và được miễn phí hoàn toàn. Đặc biệt là tùy theo chứng bệnh và điều kiện đi lại, nhà gần hay xa mà các y sĩ sẽ điều chỉnh số lượng thuốc cho bệnh nhân”.
Bị mắc chứng bệnh tê tay, giãn tĩnh mạch nhiều năm, cô Võ Thị Nga (61 tuổi, Phường 1, TP. Bạc Liêu) được một người bạn giới thiệu đến phòng thuốc Nam Hưng Vĩnh Tự khám bệnh, châm cứu. Sau một thời gian điều trị, nay bệnh của cô đã khỏi hẳn. “Từ khi tôi khỏi bệnh, tôi thường xuyên giới thiệu cho họ hàng, người quen đến phòng thuốc Nam Hưng Vĩnh Tự khám bệnh, hốt thuốc. Những thang thuốc nghĩa tình đã giúp người nghèo chúng tôi khỏi bệnh, ơn nghĩa không sao kể xiết”, cô Nga chia sẻ.
Với sự tận tâm, hết lòng vì bệnh nhân nghèo, ngoài phòng thuốc Nam của các Chi hội Tịnh độ cư sĩ, các phòng thuốc Nam khác trên địa bàn TP. Bạc Liêu cũng đã góp phần không nhỏ trong công tác chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân.
Lương y Nguyễn Văn Định bắt mạch cho bệnh nhân. Ảnh: T.Q
Những lương y như từ mẫu
Tuy đồng lương ít ỏi, nhưng các lương y trên địa bàn TP. Bạc Liêu vẫn kiên trì, không ngại khó mà miệt mài với công việc KCB, sưu tầm thuốc phục vụ người bệnh. Có những lương y đã dành trọn cuộc đời mình cho y học, KCB miễn phí cho người nghèo.
Tổ chẩn trị Đông y khóm 5 (Phường 1) duy chỉ có lương y Nguyễn Văn Định phụ trách, thế nhưng suốt 14 năm qua, đây lại là địa chỉ quen thuộc của hàng ngàn bệnh nhân trong và ngoài tỉnh tìm đến. Lương y Nguyễn Văn Định là truyền nhân thứ 3 trong gia đình theo Đông y ở tỉnh Thái Bình. Được ông rồi đến cha truyền dạy về y đức, trách nhiệm đối với bệnh nhân nghèo ngay khi còn nhỏ, nên sau khi vào Bạc Liêu lập nghiệp, lương y Nguyễn Văn Định luôn nỗ lực chữa bệnh cho người nghèo bằng tất cả tấm lòng. Đáng quý hơn ở người từ mẫu này là ông còn đầu tư mảnh đất có diện tích 6.000m2 để trồng cây dược liệu phục vụ việc chữa trị cho bệnh nhân.
Lương y Nguyễn Văn Định chia sẻ: “Trung bình mỗi ngày có 20 - 30 bệnh nhân đến bắt mạch, hốt thuốc trị bệnh với khoảng 150 thang thuốc. Gần 2 năm nay, nguồn thuốc Nam khan hiếm, tôi phải tìm mua ở các tỉnh bạn. Nhiều bệnh nhân có điều kiện thấu hiểu nên ủng hộ tôi lại một ít kinh phí để tôi có thêm chi phí mua cây thuốc, còn người nghèo thì tôi điều trị, hốt thuốc miễn phí”.
Với mong muốn san sẻ gánh nặng bệnh tật cho người nghèo nên cuối năm 2014, lương y Đoàn Công Thanh (Phường 3, TP. Bạc Liêu) đã tham gia Tổ chẩn trị Đông y khóm Chòm Xoài (phường Nhà Mát), và từ đó đến nay, mỗi ngày ông chữa bệnh miễn phí cho hàng chục lượt người. Sinh ra trong gia đình có truyền thống lâu đời làm nghề thầy thuốc Đông y, lương y Đoàn Công Thanh rất am hiểu về tác dụng của cây cỏ thiên nhiên và lĩnh vực chữa bệnh bằng các phương thuốc Đông y. Bản thân ông còn tự nghiên cứu các loại thuốc hay từ thiên nhiên chữa bệnh về xương khớp, khí huyết, thần kinh tọa... Mỗi bệnh nhân khi đến KCB được lương y Thanh và các cộng sự tận tình điều trị, đồng thời còn được hướng dẫn trồng cây thuốc tại nhà, tích cực thu hái các cây thuốc mọc hoang để làm thuốc chữa bệnh cho chính mình và gia đình, cộng đồng.
Thực hiện lời dạy của Đức y tổ Hải Thượng Lãn Ông - Lê Hữu Trác là “không có nghề nào nhân đạo bằng nghề cứu người, không có nghề nào vô nhân đạo bằng nghề y thiếu đạo đức”, các hoạt động khám bệnh, hốt thuốc miễn phí cho người nghèo chính là hình ảnh đẹp của những “ông tiên áo trắng” tận tâm, tận lực chăm lo sức khỏe cho bệnh nhân nghèo.
Minh Luân
- Thông cáo báo chí về ngày làm việc thứ 2 và phiên bế mạc Hội nghị Trung ương khoá XIII
- Khai mạc triển lãm sách, báo xuân Ất Tỵ 2025
- Giá nước sinh hoạt năm 2025 tại TP. Bạc Liêu tăng 2 - 3%
- Trao quà tết và học bổng với chủ đề “Đánh thức ước mơ - Chào mùa Xuân mới” cho trẻ em khuyết tật
- Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh thăm, chúc Tết các lực lượng vũ trang