Những tấm gương tỏa sáng giữa đời thường

Thứ Hai, 24/08/2020 | 20:12

Những năm qua, từ cuộc vận động học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; các phong trào thi đua yêu nước và phong trào người tốt, việc tốt, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện nhiều tấm gương điển hình trên các lĩnh vực. Đó là những con ngoan, trò giỏi, thầy cô tâm huyết, yêu nghề; những nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi; những người lính bản lĩnh, sáng tạo trong môi trường quân đội hay những chiến sĩ áo blouse trắng tận tụy, không quản gian khổ, hiểm nguy trên mặt trận chống dịch COVID-19… là những minh chứng sinh động, mang lại hiệu ứng xã hội rất lớn và có sức lan tỏa rộng khắp.

Đại úy Trần Thanh Liêm: Người “rinh” nhiều giải thưởng sáng tạo vũ khí trang bị

Hơn 20 năm là thợ sửa chữa vũ khí, cũng là ngần ấy năm Đại úy chuyên nghiệp Trần Thanh Liêm (Xưởng sản xuất quân giới, Phòng Kỹ thuật, Bộ CHQS tỉnh) đã dành trọn tâm huyết cho việc nghiên cứu, cải tiến các mô hình, học cụ phục vụ hiệu quả cho công tác huấn luyện, diễn tập và sẵn sàng chiến đấu trong quân đội.

Đại úy Trần Thanh Liêm thực nghiệm mô hình giá hiệu chỉnh súng bộ binh. Ảnh: N.Q

Bên cạnh những kiến thức đã được đào tạo ở trường, Đại úy Trần Thanh Liêm còn tranh thủ nghiên cứu tài liệu, tham khảo ý kiến của chỉ huy, cơ quan cấp trên và phát huy tính sáng tạo để tìm ra giải pháp khắc phục, tiết kiệm và đạt hiệu quả cao nhất. Với sự đam mê và tinh thần trách nhiệm, không những bảo dưỡng, phân cấp, sửa chữa tốt trên 10.000 khẩu súng bộ binh các loại, người “thợ lính” này còn tham gia đảm bảo kỹ thuật cho nhiều cuộc diễn tập, đồng thời trực tiếp tham gia huấn luyện tại các hội thao, bắn súng quân dụng, hội diễn nghệ thuật quần chúng và chuyên nghiệp cấp quân khu, cấp tỉnh và toàn quân.

Trong điều kiện cơ sở vật chất, nhất là mô hình học cụ phục vụ huấn luyện của lực lượng vũ trang tỉnh còn thiếu, bản thân Đại úy Liêm luôn trăn trở và đã tham mưu cho Đảng ủy, Ban chủ nhiệm Phòng Kỹ thuật phát động phong trào thi đua đẩy mạnh sáng kiến, cải tiến kỹ thuật. Trong đó, anh tiên phong đi đầu tham gia sản xuất, thực nghiệm thành công trên 50 mô hình súng các loại như: mô hình súng cối 60mm, 82mm, ĐKZ 82mm, súng chống tăng B40 bắn đạn hơi, mô hình súng phóng lựu đạn (kiểu M79); mô hình súng ngắn K54 bằng tia laser; thiết bị giá hiệu chỉnh súng bộ binh và mô hình B41, giàn phóng thuốc nổ và tạo giả tiếng nổ trên các hướng hỏa lực, bên cạnh đó sản xuất trên 1.000 cây xẻng bộ binh đa năng.

Các mô hình trên đã góp phần nâng cao chất lượng huấn luyện, diễn tập và sẵn sàng chiến đấu của lực lượng vũ trang tỉnh trong suốt thời gian qua. Đặc biệt, khi đem các sáng kiến của mình tham gia hội thi sáng kiến, cải tiến mô hình, trang thiết bị huấn luyện toàn quân; hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Bạc Liêu, Đại úy Trần Thanh Liêm liên tục đạt nhiều giải cao trong các năm 2016, 2017, 2018, 2019.

Với những cống hiến xuyên suốt cho địa phương, đơn vị và cho quân đội, Đại úy Trần Thanh Liêm nhiều lần vinh dự được Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Quân khu 9 và Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen vì đã có những thành tích suất sắc.

Không chỉ là “cây sáng kiến”, quá trình công tác và sinh hoạt cùng với đơn vị, đồng đội, Đại úy Liêm được đánh giá là một tấm gương về phẩm chất đạo đức và lối sống. Anh luôn gương mẫu đi đầu trong mọi công việc, không ngại vất vả, giờ giấc, do đó được chỉ huy tin tưởng và đồng đội quý mến. Đại úy Trần Thanh Liêm từng là một trong những cá nhân được Bộ CHQS tỉnh tuyên dương điển hình trong phong trào học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.        

Thanh Hải

Điều dưỡng Nguyễn Ngọc Lụa:​ Hết lòng vì bệnh nhân COVID-19

Tuy mới vào nghề từ năm 2013, nhưng với sự nhiệt tình, hết lòng vì công việc, vì bệnh nhân nên điều dưỡng Nguyễn Ngọc Lụa - Khoa Nhiễm, Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Bạc Liêu đã nhận được sự tín nhiệm, quý mến của đồng nghiệp, lãnh đạo đơn vị, cũng như những bệnh nhân đã và đang được điều trị tại đây. Đặc biệt, trong cuộc chiến phòng chống dịch bệnh COVID-19 đầy gian nan, nguy hiểm, điều dưỡng Nguyễn Ngọc Lụa là một trong những gương mặt tiêu biểu của ngành Y vinh dự được Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen.

Điều dưỡng Nguyễn Ngọc Lụa (thứ hai từ phải sang) cùng Ban Giám đốc BVĐK tỉnh trao giấy xuất viện cho bệnh nhân nhiễm virus SARS-CoV-2. Ảnh: C.K

Từ ngày 26/2/2020 đến nay, điều dưỡng Ngọc Lụa đã cùng đội ngũ y, bác sĩ Khoa Nhiễm BVĐK Bạc Liêu đã tiếp nhận, điều trị thành công 4 đợt bệnh nhân nhiễm COVID-19 và hàng chục trường hợp nghi ngờ, các trường hợp F1… Thời gian điều trị bệnh nhân COVID-19 mỗi đợt có khi kéo dài gần cả tháng, do đó rất hiếm khi nữ điều dưỡng này được ở bên gia đình.

Không thể diễn tả hết những cống hiến thầm lặng của những chiến sĩ áo blouse trắng trong cuộc chiến với dịch COVID-19. Họ đã âm thầm hy sinh những lợi ích, hạnh phúc của gia đình vì sự bình yên, sức khỏe của người dân. Những đóng góp hiệu quả của chị được ghi nhận bởi những bệnh nhân đã điều trị khỏi bệnh. Đối với chị, đó chính là phần thưởng xứng đáng nhất.

Điều dưỡng Nguyễn Ngọc Lụa bộc bạch: “Tôi luôn ý thức học tập nâng cao tay nghề, tận tụy, hết lòng phục vụ người bệnh. Bên cạnh đó, tôi cũng cố gắng từng bước tiếp cận và sử dụng có hiệu quả những trang thiết bị hiện đại, kỹ thuật cao trong chuyên môn, từ đó từng bước tạo được uy tín cho đơn vị, tạo lòng tin cho người dân khi đến khám và điều trị bệnh…”.

Trúc Ly

Trần Thị Như Quỳnh:​ “Mang cả thế giới” vào trong kính hiển vi

Ấn tượng trong tôi về Trần Thị Như Quỳnh, học sinh lớp 8 (Trường THCS Nguyễn Minh Nhựt, huyện Vĩnh Lợi) là gương mặt ngây thơ, cử chỉ lúng túng, không giấu được vẻ thẹn thùng, rụt rè khi lên sân khấu nhận giải thưởng cuộc thi sáng tạo Thanh thiếu niên nhi đồng tỉnh Bạc Liêu lần thứ V (2018 - 2019). Với ý tưởng “không ai nghĩ đến”, Như Quỳnh đã khiến nhiều người hết sức bất ngờ, thú vị về lợi ích mang lại trong học tập, trong cuộc sống của việc kết hợp những dụng cụ tưởng chừng như đơn lẻ, không có liên hệ gì với nhau: Webcam, kính hiển vi điện tử, máy tính…

Trần Thị Như Quỳnh (thứ hai từ trái sang) tại lễ tổng kết cuộc thi sáng tạo Thanh thiếu niên nhi đồng tỉnh Bạc Liêu lần thứ V (2018 - 2019).  Ảnh: C.K

Như Quỳnh bộc bạch: “Khi nghiên cứu các mẫu vật trong tiết Sinh học, em nhận thấy kính hiển vi trang bị rất ít, cộng thêm thời gian tiết học ngắn nên nhiều bạn không được tham gia thực hành. Em đã đưa ra đề xuất kết hợp các dụng cụ đó lại, từ mẫu vật trên kính hiển vi, webcam sẽ ghi lại và truyền qua máy tính, từ máy tính sẽ trình chiếu lên màn hình rộng cho cả lớp cùng quan sát. Quá trình này sẽ không mất nhiều thời gian mà cả lớp, thậm chí cả hội trường cũng có thể cùng quan sát được những mẫu vật, những tế bào sinh vật, thực vật… trong tiết thực hành, mang lại hiệu quả học tập rất cao”.

Với webcam thông minh được kết nối wifi, nếu giáo viên không có mặt tại phòng thí nghiệm thì cũng có thể nắm được quá trình thực hành của học sinh thông qua điện thoại thông minh. Đó là sự kết hợp tuyệt vời giữa ý tưởng và công nghệ 4.0 của một học sinh cấp THCS. Giải pháp “Webcam thông minh kết hợp với kính hiển vi điện tử” đã giúp Như Quỳnh xuất sắc đoạt giải Nhất tại cuộc thi sáng tạo Thanh thiếu niên nhi đồng tỉnh Bạc Liêu lần thứ V (2018 - 2019).

Khánh Châu

Nguyễn Chí Kiên: Nghị lực vượt khó của chàng trai khuyết tật

Không may bị dị tật ở chân từ lúc nhỏ, lớn lên trong hình hài khiếm khuyết nhưng Nguyễn Chí Kiên (ấp Bửu I, xã Long Điền Đông, huyện Đông Hải) chưa bao giờ buông xuôi, phó mặc cho số phận mà luôn tự tin, tự lập, không ngừng tìm kiếm cơ hội phấn đấu để hoàn thiện bản thân. Chàng trai giàu nghị lực ấy đã góp phần làm lan tỏa, truyền cảm hứng mạnh mẽ cho những bạn trẻ có hoàn cảnh không may nỗ lực vươn lên trong cuộc sống.

Nguyễn Chí Kiên chăm sóc đàn bò của gia đình. Ảnh: Đ.K.C

Suốt 12 năm đèn sách, Kiên chưa bao giờ khiến cha mẹ phải thất vọng,  vì em luôn là học sinh giỏi, có thành tích xuất sắc. Dù ấp ủ nhiều dự định, ước mơ nhưng do gia cảnh quá khó khăn, Kiên đành rẽ lối học cao đẳng nghề với chuyên ngành Điện lạnh. Dễ dàng tìm việc làm sau khi ra trường, nhưng gần 3 năm gắn bó với nghề,  Kiên nhận ra nó không phù hợp với điều kiện sức khỏe, hoàn cảnh của bản thân.

Trở về quê với quyết tâm nâng tầm nghề trồng rau truyền thống của gia đình theo hướng sản xuất hữu cơ, đảm bảo an toàn sức khỏe người tiêu dùng, Kiên đến tận Sóc Trăng để học hỏi kinh nghiệm. Không ít lần thất bại bởi thời tiết, sâu bệnh, vấn đề kỹ thuật, chi phí cao, sản lượng thấp, giá thành cạnh tranh gặp khó..., nhưng với sự kiên trì, sáng tạo, công sức của Kiên đã được đền đáp thật xứng đáng. Từ 4 thành viên ban đầu, Tổ hợp tác rau hữu cơ Trung Nhân do Kiên làm tổ phó đã lên đến 11 thành viên, sản phẩm rau màu của Kiên và các thành viên được người tiêu dùng tin tưởng, là nguồn cung thường xuyên cho các chợ Gành Hào, Giá Rai, Hộ Phòng. Và hiện tại, Kiên đang đẩy nhanh lộ trình hoàn thiện các thủ tục để nâng  thành hợp tác xã, mở rộng thêm quy mô canh tác rau màu hữu cơ cung cấp cho hệ thống các siêu thị, cửa hàng tiện lợi trong tỉnh. Kiên còn tăng gia nuôi thêm bò và chắc chắn tương lai không xa nữa, đàn bò sẽ trở thành nguồn thu nhập chính của cả gia đình.

Không chỉ là nông dân sản xuất giỏi, Kiên còn là Bí thư Chi đoàn ấp gương mẫu. Dưới sự dìu dắt, chia sẻ kinh nghiệm tận tình của Kiên, nhiều đoàn viên đã triển khai thành công các mô hình chăn nuôi, trồng trọt sạch ở địa phương, góp phần phát triển kinh tế, cải thiện cuộc sống gia đình. Tuy một bên chân tập tễnh, nhưng bất kỳ hoạt động xã hội, công ích nào của địa phương Kiên cũng là người tiên phong, đi đầu. Những đóng góp ấy đã giúp Kiên và Chi đoàn ấp Bửu I nhiều năm liền được vinh danh...

Giờ đây, Kiên đang có một cuộc sống hạnh phúc. Đó là thành quả đáng trân trọng được kết tinh từ bàn tay, khối óc của một người trẻ dám nghĩ, dám làm, dám khát khao vươn tới những tầm cao mới.

Thư Các

Anh Nguyễn Việt Khởi: Thu tiền tỷ từ mô hình nuôi tôm trong bể tròn nổi

Có nhiều năm tham gia công tác tại Công ty Thủy sản Nigico, được tiếp cận với các mô hình nuôi thủy sản từ quảng canh cải tiến đến ứng dụng công nghệ cao nên anh Nguyễn Việt Khởi đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm. Năm 2012, anh Khởi bắt tay vào xây dựng mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng trên bể tròn nổi và cũng là người đầu tiên ở tỉnh áp dụng thành công cách nuôi này.

Anh Nguyễn Việt Khởi kiểm tra tôm nuôi. Ảnh: C.L

Theo anh Khởi, nuôi tôm trong bể tròn nổi dù rất mới mẻ nhưng hiệu quả “ăn đứt” so với cách nuôi truyền thống, bởi ngoài việc giảm đáng kể quy mô diện tích, giảm chi phí xử lý môi trường, dễ kiểm soát dịch bệnh và dễ dàng quản lý trong quá trình nuôi. Mô hình này cho tỷ lệ tôm sống đạt từ 90 - 95%, ước tính hiệu quả gấp 4 - 6 lần. Nếu nuôi tôm bằng ao đất trải bạt, dịch bệnh có thể thẩm thấu vào bạt qua môi trường ao nuôi làm ảnh hưởng đến sự phát triển của tôm thì mô hình nuôi tôm ở hồ nổi tròn không có hiện tượng này xảy ra. Diện tích nhỏ gọn nhưng hiệu quả kinh tế mang lại cao chính là sự khác biệt lớn nhất.

Chất lượng đầu vào quyết định phần lớn thắng bại, do đó anh Khởi luôn kiên định sử dụng nguồn hàng uy tín, có xuất xứ rõ ràng dù giá cả cơ bản cao hơn mức bình quân. Một vấn đề đặc biệt quan trọng nữa là nguồn nước. Áp dụng theo quy chuẩn tiên tiến bậc nhất nên việc kiểm tra rất tỉ mỉ, đòi hỏi qua nhiều công đoạn. Nước trước khi dẫn vào bể nuôi nhất thiết phải được xử lý kỹ lưỡng thông qua hệ thống sàng, lọc, sau đó tiến hành tiệt trùng, diệt khuẩn (nếu có). Chưa dừng lại, xuyên suốt quá trình nuôi phải liên tục bổ sung nguồn vi sinh cần thiết, bình quân 2 ngày/lượt nhằm lấn át các vi sinh gây hại tồn tại trong nguồn nước, đồng thời bổ trợ thêm lượng chất giúp con tôm phát triển. “Đảm bảo được 2 yếu tố trên, cộng với điều kiện thời tiết diễn tiến thuận lợi thì người nuôi nắm chắc phần thắng đến 90%”, anh Khởi khẳng định. Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng trong hồ nổi tròn có nhiều ưu điểm vượt trội, vì có khả năng ứng dụng công nghệ 4.0 vào quy trình quản lý nhằm hiện đại hóa nghề nuôi.

Anh Khởi chia sẻ: Cái khó của người đi trước mở đường là luôn luôn phải đối mặt với khó khăn, thách thức và đôi khi là cả thất bại. Thế nhưng, một khi mình đã có hướng đi riêng và kiên định theo những gì mình đã chọn thì thành công cũng sẽ đến với mình. Trong nuôi tôm cũng vậy, nếu không tìm tòi học hỏi những kỹ thuật mới, những quy trình, kỹ thuật hiện đại để áp dụng vào thực tiễn sản xuất thì sẽ không thể giúp nông dân làm giàu”.

Có lẽ chính nhờ vào sự nhạy bén trong tiếp nhận và ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào thực tiễn sản xuất mà anh Nguyễn Việt Khởi đã từng bước khẳng định được thương hiệu trong việc áp dụng mô hình nuôi tôm trong bể tròn nổi. Tiếng lành đồn xa, hiện nay không chỉ các hộ nuôi tôm trên địa bàn tỉnh tìm đến anh để đặt hàng bể tròn nổi về nuôi tôm cũng như nhờ anh tư vấn kỹ thuật mà nhiều nông dân nuôi tôm ở các tỉnh, thành khác cũng tìm đến giúp anh Khởi có nguồn thu hàng tỷ đồng mỗi năm..

Khánh Nguyên

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.