Nói không với rác thải nhựa

Thứ Hai, 09/09/2019 | 17:45

Các vật dụng làm bằng nhựa dùng một lần như ly, chai, ống hút... rất tiện ích trong sinh hoạt hàng ngày. Song, rác thải nhựa rất khó phân hủy và gây ảnh hưởng môi trường rất lớn. Trước tình hình trên, UBND tỉnh đã phát động phong trào chống rác thải nhựa nhằm thay đổi hành vi, thói quen sử dụng sản phẩm nhựa, túi nylon khó phân hủy, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Văn phòng Đoàn ĐBQH tỉnh sử dụng chai thủy tinh thay chai nhựa dùng 1 lần. Ảnh: K.P

Nhựa là chất liệu được ứng dụng phổ biến trong hầu hết các lĩnh vực của đời sống, từ những chiếc túi nylon đựng các vật dụng, ống hút, bàn ghế, đồ chơi, đồ dùng gia đình... Các đặc tính khiến đồ nhựa được con người ưa chuộng là bền, nhẹ, và cực kỳ linh hoạt, giúp chúng khó bị hư hại qua quá trình dài sử dụng.

Những vật dụng nhựa tồn tại dai dẳng, gây ra hàng loạt vấn đề nhức nhối cho môi trường. Với cách thức chôn xuống lòng đất để theo tự nhiên, những loại rác thải nhựa như ống hút, chai, túi nylon... cần tới 200 năm mới tự phân hủy, và chúng vẫn không thể biến mất hoàn toàn bởi chất liệu hóa học tạo nên.

Rác thải nhựa không chỉ làm ảnh hưởng môi trường, mà còn gây ảnh hưởng lớn về kinh tế và sức khỏe con người. Theo báo cáo của Tổ chức Bảo tồn Ocean Conservancy và Công ty tư vấn McKinsey, mỗi năm các đại dương trên thế giới phải hứng chịu từ 8 - 9 triệu tấn rác thải nhựa. Con số này cao hơn 33 lần so với các dự đoán trước đây. Rác thải nhựa trên biển có thể cần hơn 400 năm để phân hủy. Việt Nam là một trong những nước xả rác thải nhựa ra biển nhiều nhất.

Theo kịch bản xấu nhất mà các tổ chức trên dự báo, đến năm 2025 trên các đại dương khắp thế giới cứ có 3 tấn cá thì sẽ có 1 tấn rác thải nhựa. Khi đó, rác thải nhựa không chỉ gây thiệt hại về môi trường, mà còn gây tổn thất lớn cho kinh tế lẫn sức khỏe người dân. Các nghiên cứu y khoa cho thấy, một khi các loài cá ăn phải các hạt nhựa trôi nổi trên biển, chúng sẽ mắc phải bệnh gan và chết nhanh hơn. Nguyên nhân là do các hạt nhựa thường chứa các chất độc hại. Khi con người ăn các loại cá đó về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe.

Bạc Liêu đã phát động phong trào chống rác thải nhựa, được các cấp, các ngành và các địa phương hưởng ứng. Đến nay, các sở, ban ngành, đoàn thể cấp tỉnh và các huyện, thị thành phố đã tổ chức tuyên truyền về chống rác thải nhựa với 752 cuộc cho 15.253 người; cấp phát 43.000 tờ rơi, 10.000 tờ bướm, phát 3.584 cuốn sách về chống rác thải nhựa cho các cơ quan, đơn vị, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, trường học…

Ông Phạm Quốc Nam, Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường, cho biết: “Qua phát động phong trào chống rác thải nhựa năm 2019, các sở, ban ngành, đoàn thể cấp tỉnh và các huyện, thị, thành phố đã ra quân làm sạch môi trường; thu gom, phân loại các sản phẩm đã sử dụng từ nhựa, túi nylon. Toàn tỉnh có 40.528 hộ đăng ký cho xe thu gom rác và xây 122.035 hố xử lý rác tại gia đình”.

Hưởng ứng phong trào Nói không với sản phẩm nhựa sử dụng một lần, ngành Giáo dục tỉnh phát động và tuyên truyền cho công chức, viên chức, giáo viên, học sinh hạn chế sử dụng các sản phẩm nhựa. Hội Nông dân tỉnh vận động mỗi gia đình hội viên, nông dân ở nông thôn xây dựng hố rác gia đình, phân loại rác hữu cơ, rác nhựa, túi nylon để xử lý. Liên đoàn Lao động tỉnh cũng đã phát động phong trào chống rác thải nhựa đến các cấp Công đoàn trong tỉnh. Theo đó, các cấp Công đoàn phối hợp với chính quyền cùng cấp tuyên truyền 635 cuộc về chống rác thải nhựa với hơn 28.575 lượt công nhân, viên chức, lao động tham dự.

Hiện nay, các cơ quan, ban ngành, đoàn thể trong tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền chống rác thải nhựa để thay đổi thói quen người dân, từ đó góp phần bảo vệ môi trường.

MINH CHÂU

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.