Đời sống - Xã hội
Nơm nớp nỗi lo về bếp ăn bán trú
Vụ ngộ độc thực phẩm (NĐTP) tại Trường iSchool Nha Trang mới đây làm hơn 600 học sinh và giáo viên phải nhập viện điều trị, trong đó có một học sinh tử vong khiến tâm lý phụ huynh vô cùng hoang mang. Đây là vụ NĐTP trong trường học nghiêm trọng nhất với số người mắc rất cao và cũng gióng thêm hồi chuông báo động về vấn đề đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) nói chung, đặc biệt là cho bữa ăn bán trú tại các trường học hiện nay.
Học sinh Trường tiểu học Lê Văn Tám (TP. Bạc Liêu) ăn trưa tại trường.
Âu lo hiện hữu
Vụ NĐTP tại Trường iSchool Nha Trang chưa lắng xuống thì mới đây tại Trường tiểu học C (thị trấn Phước Long, huyện Phước Long) xuất hiện tình trạng 6 em học sinh bị NĐTP lại tiếp tục dấy lên nỗi lo cho các bậc phụ huynh. Sau bữa ăn trưa ngày 1/12, có 6 em bị đau bụng, ói nên nhà trường đưa các em đến Trung tâm Y tế huyện Phước Long để theo dõi. Tất cả các học sinh khác sau bữa ăn trưa đều bình thường, không có dấu hiệu gì ngoại trừ 6 em nói trên. Theo Chi cục VSATTP tỉnh, nhóm 6 em học sinh bị ngộ độc này sau bữa ăn có uống thêm trà sữa. Dấu hiệu ban đầu nghi các em bị NĐTP mức độ nhẹ. Hiện Chi cục đã lấy mẫu thực phẩm, nước uống… tại trường gửi Viện Y tế công cộng TP. Hồ Chí Minh để làm rõ nguyên nhân. Tuy chưa xác định được nguyên nhân gây nên vụ NĐTP cho 6 em học sinh Trường tiểu học C thị trấn Phước Long, nhưng với hàng loạt những sự kiện “nóng” liên quan đến VSATTP trong trường học xảy ra trên cả nước gần đây đã khiến dư luận, phụ huynh học sinh không khỏi hoang mang, ngán ngại.
Anh Thanh Đẳng (phường Nhà Mát, TP. Bạc Liêu) lo ngại: “Tôi có 2 con, do cả hai vợ chồng đều đi làm, công việc bận rộn nên cho các cháu theo học bán trú. Những ngày qua, báo chí liên tục thông tin các vụ NĐTP khiến tôi rất lo ngại về chất lượng bữa ăn bán trú ở trường. Hy vọng nhà trường và các cơ quan chức năng siết chặt hơn nữa về an toàn và chất lượng bữa ăn để đảm bảo sức khỏe cho các cháu và phụ huynh chúng tôi không còn cảm giác bất an”.
Nhân viên cấp dưỡng bếp ăn Trường tiểu học Lê Văn Tám (TP. Bạc Liêu) chuẩn bị bữa ăn trưa cho học sinh bán trú. Ảnh: T.Q
Nâng cao trách nhiệm của nhà trường
Theo thống kê, hiện trên địa bàn tỉnh có 100 bếp ăn bán trú của cấp mầm non, mẫu giáo và 6 bếp ăn bán trú của cấp tiểu học. Các hình thức bếp ăn tập thể trường học đang triển khai gồm: Tự tổ chức nấu, liên kết ký hợp đồng với nhà thầu, ký hợp đồng cung cấp suất ăn sẵn.
Trong năm học 2022 - 2023, mỗi ngày Trường tiểu học Lê Văn Tám (Phường 1, TP. Bạc Liêu) tổ chức nấu trên 1.600 suất ăn, trong đó nấu cho học sinh tại trường là 806 suất, 800 suất còn lại cung cấp cho Trường tiểu học Phùng Ngọc Liêm, Lê Hồng Phong và tiểu học Trần Phú. Bà Lại Thị Phương Loan - Hiệu trưởng Trường tiểu học Lê Văn Tám, cho biết: “Việc tổ chức bữa ăn bán trú cho học sinh với số lượng lớn luôn là nỗi lo và đòi hỏi trách nhiệm cao cho tập thể nhà trường. Do đó, trường luôn xác định, việc tổ chức bếp ăn bán trú phải đáp ứng đầy đủ các yếu tố như: Nguồn thực phẩm sạch, bữa ăn bảo đảm an toàn, chế độ dinh dưỡng phù hợp với sự phát triển của học sinh. Trường chủ yếu chọn thực đơn gồm thịt heo và cá, hạn chế tối đa thực phẩm đông lạnh, lên men. Thực đơn bữa ăn được lập theo tuần, nguồn nguyên liệu được ký hợp đồng với các đơn vị cung cấp thực phẩm có giấy kiểm định chất lượng VSATTP như ISO, VietGAP. Khu vực chế biến thực phẩm được thiết kế theo nguyên tắc một chiều từ nguyên liệu đầu vào cho đến sản phẩm cuối cùng để tránh ô nhiễm. Quy trình từ khâu lựa chọn nguyên liệu, sơ chế, chế biến, bảo quản, lưu mẫu đều tuân thủ nghiêm ngặt theo quy định VSATTP. Về cơ sở vật chất, trang thiết bị nhà bếp được trường đầu tư mua sắm nhiều dụng cụ đạt tiêu chuẩn như: tủ lạnh, tủ lưu thực phẩm sống và chín riêng biệt, tủ cơm, nước sử dụng hợp vệ sinh”.
Thực tế, nhiều hiệu trưởng cho rằng rất áp lực khi thực hiện bữa ăn bán trú, đặc biệt, trong bối cảnh thực phẩm không an toàn tràn lan, thậm chí len lỏi tinh vi vào tận siêu thị, chuỗi cửa hàng như hiện nay thì điều này vượt quá khả năng giám sát của trường. Trong khi đó, quy trình giao nhận thực phẩm tại các trường học hầu hết chỉ bằng mắt thường, nhà trường không có các trang thiết bị kỹ thuật để kiểm tra các chỉ số xem thực phẩm có thật sự an toàn hay không. Do đó, các trường rất cần đến các ban, ngành chuyên môn, các cơ quan chức năng có liên quan giúp đỡ, cùng phối hợp kiểm tra. Về phía các cơ quan chức năng, cũng cần tăng cường tần suất kiểm tra đột xuất nhà cung cấp đối với các nguyên liệu hay quá trình bảo quản, chế biến. Bên cạnh đó là vai trò giám sát, cùng đồng hành của Ban đại diện Cha mẹ học sinh trong việc giám sát chất lượng bữa ăn bán trú của chính con em mình. Có như vậy mới giải quyết được nỗi lo về bữa ăn bán trú!
Minh Luân
Tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng bữa ăn bán trú
Trước tình hình NĐTP đang gây lo lắng cho các phụ huynh, Sở Y tế đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành ATVSTP kiểm tra tất cả các điểm trường có bếp ăn tập thể trong các trường học và các cơ sở hợp đồng cung cấp suất ăn ở các điểm trường. Bên cạnh kiểm tra, đoàn tăng cường hướng dẫn, tuyên truyền các nhà trường thực hiện nghiêm quy trình, từ khâu nhập thực phẩm, sơ chế, bảo quản, đến chế biến, đưa thức ăn đến bàn ăn. Tất cả các khâu trong quy trình đều phải được thực hiện theo đúng hướng dẫn, quy định của Luật An toàn thực phẩm, quy định của Bộ Y tế, đảm bảo tuyệt đối về VSATTP, không để xảy ra các vụ ngộ độc tập thể, quy mô lớn và nguy hiểm...
Trước đó, vào giữa tháng 11, Đoàn kiểm tra liên ngành VSATTP TP. Bạc Liêu cũng đã tổ chức kiểm tra 25 cơ sở, bếp ăn, gồm: 5 cơ sở bán trú và 20 bếp ăn tập thể của trường. Qua ghi nhận, các cơ sở, bếp ăn bán trú đều cơ bản đảm bảo VSATTP, đoàn chỉ nhắc nhở một số lỗi nhỏ như: nhân viên phụ trách bếp ăn nên đeo bao tay, tạp dề, nón khi chế biến thức ăn; thay mới muỗng đũa khi có dấu hiệu cũ; dụng cụ chế biến thức ăn sống và chín phải để riêng biệt…
Ngoài ra, để giảm thiểu và hạn chế thấp nhất nguy cơ mất ATVSTP, lực lượng Cảnh sát môi trường (Công an tỉnh) cũng thường xuyên tổ chức ra quân tuyên truyền, kết hợp kiểm tra tại các bếp ăn nội trú, gồm: kiểm định nguồn nước, quy trình chế biến, bảo quản thực phẩm, hệ thống xử lý nước thải trước khi đưa ra môi trường… Đồng thời, các trường cần treo khẩu hiệu tuyên truyền, phát tờ rơi hướng dẫn nhằm nêu cao ý thức đảm bảo VSATTP, các nguyên tắc quản lý an toàn thực phẩm theo quy định.
- Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh tiếp xúc cử tri TP. Bạc Liêu
- 2 tháng cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm bảo vệ tết Nguyên đán Ất Tỵ
- Những quy định mới về tổ chức, hoạt động và quản lý hội
- Hiệu quả liên kết hợp tác giữa TP. Hồ Chí Minh với các tỉnh ĐBSCL
- Chế độ, chính sách đối với các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh