Đời sống - Xã hội
Phát triển rầm rộ nghề ươm cây mắm giống
Thời gian gần đây, người dân ở các xã ven biển từ Vĩnh Trạch Đông (TP. Bạc Liêu) trải dài đến xã Vĩnh Hậu, Vĩnh Hậu A, Vĩnh Thịnh (huyện Hòa Bình) phát triển rầm rộ nghề ươm cây mắm giống. Nghề này không chỉ giúp người dân cải thiện kinh tế, giải quyết việc làm, mà còn tạo ra nguồn cây giống dồi dào giúp phủ xanh những bãi bồi ven biển.
Xe vận chuyển cây giống (ảnh trên) và người dân xã Vĩnh Thịnh (huyện Hòa Bình) trồng cây mắm trên bãi bồi (ảnh dưới). Ảnh: C.L
Dọc theo tuyến đê bao nối liền 2 xã Vĩnh Thịnh và Vĩnh Hậu A là nơi tập trung nhiều vườn ươm cây mắm khá lớn. Nắm bắt được đặc tính của cây mắm là thích nghi với đất bùn và nơi có thủy triều lên xuống, người dân ở đây đã làm bờ, tạo bãi bồi dọc theo tuyến kênh thủy lợi để làm vườn ươm cây giống. Sau khi có vườn ươm, các chủ vườn thuê người dân trong xóm thu gom trái mắm rụng hoặc thu mua cây mắm con (với giá từ 300 - 500 đồng/cây) để ươm giống. Người thu gom trái, cây mắm giống bán cho các chủ vườn ươm có thu nhập từ 100.000 - 150.000 đồng/ngày. Từ đó, nhiều lao động nông thôn có thêm thu nhập, cải thiện kinh tế gia đình.
Anh Nguyễn Hữu Tình (xã Vĩnh Thịnh) chia sẻ: “Lúc trước, mỗi khi biển động hoặc không có ai thuê làm thì xem như hôm đó tôi không có thu nhập. Từ khi trong xóm có mô hình ươm cây mắm giống, tôi không còn sợ thất nghiệp nữa. Bây giờ, tôi và vợ tôi kiếm được hơn 300.000 đồng/ngày. Nhờ vậy, cuộc sống gia đình đã ổn định hơn”.
Không chỉ gia đình anh Tình, nhiều hộ ở các xã ven biển của huyện Hòa Bình cũng có nguồn thu nhập ổn định nhờ mô hình ươm cây mắm mang lại. Không ít lao động còn được chủ các vườn ươm thuê làm việc trả lương hàng tháng từ 3 - 4 triệu đồng/tháng (tùy theo mức độ, khối lượng công việc). Anh Lâm Văn Cường (xã Vĩnh Thịnh), chủ vườn ươm cây giống, cho biết: “Ngay sau tết, tôi thuê nhân công làm đất, cho cây giống vào bao bì và bắt đầu ươm giống. Cây mắm giống ươm 7 - 8 tháng là có thể bán với giá từ 1.800 - 2000 đồng/cây (tùy chiều cao của cây). Nhờ ươm trồng cây mắm giống liên tục nên người lao động có việc làm quanh năm. Hiện nay, vườn ươm của tôi có hai lao động làm việc thường xuyên”.
Theo Sở NN&PTNT, dự án gây bồi, tạo bãi khôi phục rừng phòng hộ ven biển Bạc Liêu có diện tích 149,5ha, với vốn đầu tư 71,9 tỷ đồng, thực hiện trong 5 năm (từ 2016 - 2020), và dự án cần rất nhiều cây mắm giống để trồng. Nắm bắt cơ hội đó, nhiều hộ dân đã đăng ký làm vườn ươm để cung cấp cây giống cho dự án.
Theo ông Mã Thanh Phương, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Hòa Bình: “Từ khi dự án trồng rừng được triển khai đến nay, nhiều hộ dân trên địa bàn huyện phát triển nghề ươm cây mắm giống để bán. Qua đó, giúp giải quyết thêm việc làm tại chỗ cho lao động nông thôn; đồng thời tạo nguồn cây giống tại chỗ để cung cấp cho dự án”.
Chí Linh
- Hơn 11.200 cán bộ, đảng viên trong tỉnh được quán triệt Nghị quyết 66 và Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị
- Xã Định Thành và Định Thành A đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao
- Tọa đàm kỷ niệm Ngày Khoa học - Công nghệ Việt Nam
- 21 thí sinh tham gia Hội thi Chỉ huy Đội giỏi cấp thành phố năm học 2024 - 2025
- Gần 100 vận động viên tranh tài tại Giải vô địch cầu lông các CLB tỉnh Bạc Liêu năm 2025