Quản lý trật tự xây dựng:​ Nhiều bất cập và vướng mắc cần tháo gỡ

Thứ Hai, 16/11/2020 | 17:12

Một trong những bất cập trong quản lý trật tự xây dựng (TTXD) lâu nay chính là khó xử phạt nạn xây dựng trái phép. Tuy ngành quản lý và các địa phương đã tăng cường công tác thanh - kiểm tra, nhưng tình trạng vi phạm TTXD cải thiện chưa nhiều. Vậy, đâu là nguyên nhân?

Thực hiện tốt công tác quản lý TTXD góp phần bảo vệ quy hoạch và tạo kiến trúc đẹp cho các địa phương (Khu dân cư Tràng An, TP. Bạc Liêu).

LÚNG TÚNG XỬ LÝ VI PHẠM

Tại hội nghị chuyên đề quản lý nhà nước về công tác TTXD trên địa bàn Bạc Liêu do UBND tỉnh tổ chức mới đây cho thấy, tình trạng vi phạm về TTXD vẫn chưa có điểm dừng. Theo thống kê của Sở Xây dựng, từ tháng 1 - 7/2020, toàn tỉnh phát hiện 259 công trình vi phạm TTXD và đã tiến hành xử phạt với tổng số tiền trên 6,2 tỷ đồng. Tuy nhiên, chỉ có 110 trường hợp chấp hành nộp phạt, chiếm tỷ lệ 42%, còn gần 60% chưa chấp hành quyết định!

Từ những con số cụ thể trên cho thấy, tình trạng vi phạm TTXD là khá phổ biến và việc xử lý, buộc các tổ chức, cá nhân chấp hành pháp luật trên lĩnh vực này vẫn còn gặp khó. Nguyên nhân tồn tại bất cập này, do việc xử lý của các địa phương phần lớn chỉ dừng lại ở mức xử lý vi phạm hành chính (phạt tiền), hay đình chỉ thi công công trình xây dựng chứ chưa áp dụng đầy đủ các biện pháp ngăn chặn như: tịch thu, tạm giữ phương tiện, tang vật thực hiện hành vi vi phạm, xử lý nghiêm nhà thầu xây dựng công trình vi phạm TTXD…

Bên cạnh đó, các địa phương cũng chưa thực hiện tốt việc cưỡng chế phá dỡ các công trình vi phạm theo quy định, vẫn còn có tình trạng dễ dãi, nể nang, phạt tiền rồi cho tồn tại. Điều này dẫn đến việc xử lý đã qua của các địa phương chưa đủ sức răn đe, không hiệu quả. Thêm vào đó, công tác thanh tra, kiểm tra của Sở Xây dựng trong công tác quản lý nhà nước về TTXD thời gian qua chưa được thực hiện thường xuyên tại một số “điểm nóng” về vi phạm TTXD. Từ đó chưa kịp thời chấn chỉnh, khắc phục các hạn chế, góp phần nâng cao chất lượng công tác quản lý tại địa phương. Đồng thời, vai trò của Sở Xây dựng trong việc tham mưu cho UBND tỉnh tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng cho công chức UBND cấp huyện, cấp xã trong công tác quản lý TTXD thời gian qua là chưa thường xuyên, nên một bộ phận cán bộ, công chức chưa nắm bắt được quy định, còn lúng túng trong quá trình xử lý vi phạm…

Kiểm tra TTXD trên địa bàn TP. Bạc Liêu. Ảnh: L.D

CÓ LUẬT NHƯNG THỰC HIỆN CÒN VƯỚNG?!

Có thể nói, việc quản lý TTXD gặp khó trong thời gian qua, ngoài chưa phát huy được vai trò, trách nhiệm quản lý trực tiếp từ các địa phương, vẫn còn tồn tại tình trạng có luật có nhưng khó khả thi?!

Nghị định số 139 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng có hiệu lực từ ngày 15/1/2018. Theo đó, ngoài tăng mức xử phạt hành chính so với Nghị định 121 trước đây, thì việc khắc phục hậu quả đối với một số hành vi vi phạm TTXD sẽ bị tháo dỡ trả lại hiện trạng ban đầu, không còn chuyện “phạt xong cho tồn tại”. Do đó, khi các cơ quan chức năng tiến hành lập biên bản xử lý công trình xây dựng trái phép đã gặp sự kháng cự rất quyết liệt từ chủ đầu tư, gây khó khăn cho công tác xử lý đối với công trình vi phạm.

Đây là một trong những nguyên nhân chính làm cho việc  xử lý vi phạm TTXD chỉ dừng lại ở mức xử lý vi phạm hành chính. Trong khi đó, công tác cưỡng chế trực tiếp ảnh hưởng đến tài sản của người dân, có nhiều yếu tố phức tạp, cần sự phối hợp chặt chẽ của nhiều cơ quan liên quan, các lực lượng tham gia cưỡng chế.

Mặt khác, để đảm bảo trình tự, thủ tục chặt chẽ theo quy định nên quy trình cưỡng chế phá dỡ các công trình kéo dài dẫn đến khi cưỡng chế thì công trình vi phạm đã đưa vào sử dụng, khó thực hiện. Khó khăn nhất là về kinh phí tổ chức cưỡng chế tháo dỡ công trình vi phạm TTXD. Theo quy định tại Điều 41 Nghị định số 166 của Chính phủ thì đối tượng bị cưỡng chế phải chịu mọi chi phí cho hoạt động cưỡng chế thực hiện theo quy định. Tuy nhiên, việc buộc đối tượng bị cưỡng chế hoàn trả chi phí cưỡng chế hầu như không thể thực hiện. Vì đến nay vẫn chưa có quy định, hướng dẫn về trình tự, thủ tục thực hiện cưỡng chế hành chính (khấu trừ một phần lương hoặc một phần thu nhập, khấu trừ tiền từ tài khoản của cá nhân, tổ chức vi phạm; kê biên tài sản có giá trị tương ứng với số tiền phạt để bán đấu giá; thu tiền, tài sản khác của đối tượng bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính do cá nhân, tổ chức khác đang giữ trong trường hợp cá nhân, tổ chức sau khi vi phạm cố tình tẩu tán tài sản).

Một khó khăn khác, theo Nghị định 180 của Chính phủ trước đây có quy định biện pháp ngừng cung cấp điện, nước đối với công trình vi phạm TTXD (tại Điều 9). Đây được xem là biện pháp ngăn chặn hữu hiệu nhất đối với công trình vi phạm. Thế nhưng, từ khi Nghị định 139 của Chính phủ có hiệu lực thi hành thì biện pháp ngừng cung cấp điện, nước đối với công trình vi phạm TTXD không được áp dụng. Điều này gây khó khăn cho các cơ quan quản lý nhà nước về TTXD trong việc ngăn chặn công trình vi phạm.

Hiện nay, theo Quyết định 26/2018/QĐ-TTg, ngày 22/6/2018 của Thủ tướng Chính phủ về thí điểm thành lập Đội quản lý TTXD đô thị trực thuộc UBND quận, huyện, thị xã chỉ mới thực hiện tại TP. Hà Nội. Do đó, việc các địa phương thuộc các tỉnh, thành còn lại chưa có chủ trương cho thành lập Đội quản lý TTXD đô thị đã làm hạn chế tính chủ động trong kiểm tra, xử lý và kiện toàn lực lượng làm công tác quản lý TTXD ở địa phương. Đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác quản lý TTXD, đất đai tại UBND cấp xã là rất ít (chỉ có từ 1 - 2 người), có địa phương thường xuyên thay đổi vị trí việc làm khiến cán bộ, công chức làm công tác này có lúc không thể đảm nhận hết công việc được giao, không hoàn thành nhiệm vụ. Một số địa phương còn bố trí công chức phụ trách không phù hợp chuyên môn nên thiếu kiến thức, năng lực trong việc xử lý vi phạm TTXD.

Xây dựng nhà ở tại huyện Đông Hải.

Ngoài ra, công chức làm công tác quản lý TTXD ở Phòng Kinh tế - Hạ tầng, Phòng Quản lý đô thị của các huyện, thị xã, thành phố là kiêm nhiệm nên công tác kiểm tra, phát hiện xử lý vi phạm TTXD chưa thường xuyên và kịp thời. Mặt khác, phương tiện, cơ sở vật chất phục vụ công tác quản lý TTXD cũng chưa được trang bị đầy đủ, gây khó khăn cho công tác kiểm tra, xử lý vi phạm.

Thêm vào đó, khâu cấp phép xây dựng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có lúc chưa thống nhất đã ảnh hưởng đến công tác quản lý TTXD. Cụ thể, có trường hợp đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng hoặc chuyển mục đích sử dụng thành đất ở, nhưng đối chiếu với quy hoạch xây dựng thì không cấp phép xây dựng được (kể cả cấp phép xây dựng tạm có thời hạn). Từ đó dẫn đến việc người dân tự ý xây dựng nhà ở không phép, vi phạm TTXD, vì cho rằng mình đã có sổ đỏ nên có quyền xây cất?!

Một bất cập khác, đa số các địa phương quy hoạch đô thị chưa được phủ kín; chất lượng một số đồ án quy hoạch chưa cao; công tác rà soát điều chỉnh quy hoạch, nhất là điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung, điều chỉnh quy hoạch chi tiết tại các đô thị, khu tập trung đông dân cư còn thiếu tính hợp lý, chưa đồng bộ dẫn đến chưa đảm bảo mỹ quan đô thị. Một số quy hoạch được phê duyệt trước đây chưa đảm bảo các điều kiện về quy định quản lý kiến trúc (Khu dân cư Bắc Trần Huỳnh, khu nhà máy đèn Phường 1 - TP. Bạc Liêu…); hoặc quy định quản lý kiến trúc nhưng chưa rõ ràng (Khu dân cư Phường 5, Khu dân cư Bắc Trần Huỳnh, Khu dân cư Địa ốc…) việc thiếu nguồn lực và các điều kiện thực hiện quy hoạch cũng kéo theo tình trạng xây dựng bát nháo. Việc công khai và cắm mốc giới các đồ án quy hoạch cũng chưa được các địa phương thực hiện tốt và đầy đủ theo quy định, dẫn đến người dân chưa nắm rõ các quy hoạch được phê duyệt. Công tác rà soát các đồ án quy hoạch theo định kỳ để tiến hành điều chỉnh (nếu không còn phù hợp) cũng chưa được các địa phương quan tâm thực hiện.

Những bất cập và vướng mắc trên đã làm cho công tác quản lý phát triển đô thị nói chung, công tác cấp phép xây dựng nói riêng gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí không có cơ sở pháp lý để quản lý, cấp phép xây dựng. Ngoài ra, các dự án chậm triển khai thực hiện, hoặc trễ tiến độ, kéo dài gây bức xúc cho người dân, dẫn đến tình trạng người dân tái chiếm đất dự án để xây dựng công trình trái phép…

LƯ TRUNG

Từng bước đưa quản lý TTXD đi vào nền nếp

Để khắc phục các hạn chế, khó khăn trong công tác quản lý nhà nước về TTXD, phóng viên Báo Bạc Liêu đã trao đổi với ngành quản lý về vấn đề này và ghi nhận giải pháp, kiến nghị mà ngành quản lý sẽ tập trung làm tốt trong thời gian tới.

Ông Dương Chí Bình - Phó Giám đốc Sở Xây dựng: Cần thực hiện tốt công tác phối hợp trong quản lý, xử lý vi phạm TTXD

Với mục tiêu tăng cường hiệu quả công tác quản lý TTXD trên địa bàn tỉnh, Sở Xây dựng sẽ kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, các cấp thực hiện một số giải pháp sau:

Đó là tiếp tục thực hiện nghiêm các nghị định, chỉ thị và quyết định đã được Chính phủ, UBND tỉnh ban hành. Đặc biệt là cần thực hiện tốt công tác phối hợp trong quản lý, xử lý vi phạm TTXD giữa các ngành chức năng và chính quyền cơ sở đúng theo nội dung Quyết định số 72 của Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu.

Riêng UBND cấp huyện, cần tăng cường công tác quản lý nhà nước về TTXD trên địa bàn. Tiến hành rà soát, tổ chức thực hiện dứt điểm các quyết định xử lý vi phạm hành chính do Chủ tịch UBND cấp huyện, Chánh Thanh tra Sở Xây dựng và Chủ tịch UBND tỉnh ban hành; xử lý nghiêm các đơn vị, tổ chức, cá nhân cố tình không chấp hành, nhằm phát huy hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về TTXD.

Đối với các chủ đầu tư dự án khu dân cư, khu đô thị mới cần thực hiện tốt vai trò trách nhiệm của mình trong công tác quản lý TTXD theo quy hoạch được duyệt tại dự án, đẩy nhanh triển khai đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội còn chậm so với tiến độ được duyệt, tăng cường kiểm tra, không để người dân (chủ đầu tư thứ cấp) xây dựng công trình sai quy hoạch, sai quy định quản lý kiến trúc, lấn chiếm vỉa hè, lộ giới. Trường hợp phát hiện vi phạm, phải thông báo và phối hợp với chính quyền địa phương để xử lý theo quy định. Đồng thời, tăng cường công tác quản lý đất đai tại các dự án, không để xảy ra trường hợp người dân tái chiếm đất xây dựng công trình trái phép trong dự án mà không có biện pháp ngăn chặn, hoặc báo cáo kịp thời về chính quyền địa phương, cơ quan chức năng phối hợp xử lý theo quy định.

Ông Nguyễn Tấn Thức - Chánh Thanh tra Sở Xây dựng: Công tác kiểm tra phải kịp thời và xử lý ngay từ đầu

Để thực hiện tốt công tác quản lý TTXD, Sở Xây dựng sẽ tăng cường kiểm tra hành chính, công vụ đối với các địa phương trong công tác quản lý nhà nước về TTXD để chấn chỉnh, khắc phục. Trong đó, công tác kiểm tra phải kịp thời, đảm bảo mọi công trình vi phạm đều được phát hiện, xử lý ngay từ đầu.

Song song đó, chủ trì, phối hợp với UBND cấp huyện, cấp xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về các hành vi sai phạm trong lĩnh vực xây dựng đến nhiều đối tượng (người dân, chủ đầu tư dự án, đơn vị quản lý nhà nước cấp dưới…) bằng nhiều hình thức (trực tiếp, thông qua báo, đài…), nhằm nâng cao hơn nữa ý thức của người dân, doanh nghiệp trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về xây dựng. Đồng thời, chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ tham mưu cho UBND tỉnh tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về quản lý TTXD cho cán bộ, công chức phụ trách thuộc UBND cấp huyện, cấp xã. Việc tập huấn phải đảm bảo có hiệu quả, có tình huống xử lý cụ thể để chứng minh, áp dụng phù hợp tình hình thực tế. Đôn đốc UBND cấp huyện tiến hành rà soát lại các quy hoạch chi tiết đã được phê duyệt tại các khu đô thị, khu dân cư tập trung trên địa bàn tỉnh để điều chỉnh, bổ sung hoặc thay thế cho phù hợp với thực tiễn, tạo cơ sở cho việc quản lý.

Bên cạnh đó, kiến nghị UBND tỉnh tổ chức sớm sơ kết thi hành Quyết định số 13 của UBND tỉnh ban hành Quy định một số nội dung về công tác quản lý TTXD trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu; Quyết định số 72 của Chủ tịch UBND tỉnh về ban hành quy chế phối hợp hoạt động giữa Thanh tra Sở Xây dựng với UBND cấp huyện, cấp xã trong việc quản lý TTXD trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu; Chỉ thị số 02 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc tăng cường công tác quản lý TTXD đô thị trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu. Từ đó rút kinh nghiệm và đưa ra các giải pháp triển khai thực hiện có hiệu quả hơn, từng bước đưa công tác quản lý TTXD trên địa bàn tỉnh đi vào nền nếp.

TÚ ANH (thực hiện)

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.