Đời sống - Xã hội
Săn bắt động vật hoang dã: Đuổi cùng diệt tận
Bất chấp lệnh cấm, nhiều loài động vật hoang dã quý hiếm vẫn bị người dân đánh bắt, mua bán và giết thịt. Hàng ngày, thịt động vật hoang dã vẫn được đưa về các chợ đầu mối ở Bạc Liêu để bán. Trong khi đó, hệ sinh thái rừng và nhiều nơi sản xuất vùng ngọt hóa đang bị tàn phá nghiêm trọng.
Tận diệt nguồn động vật hoang dã
Hằng ngày, nhiều thợ săn vẫn len lỏi vào rừng để bắt trộm các loài động vật hoang dã. Hình thức săn bắt chủ yếu của họ là dùng súng săn tự chế hoặc đánh bẫy. Những loài bị săn phổ biến là chồn, sóc, bồ nông, rắn, rùa...
Rừng ven biển Bạc Liêu không có nhiều động vật hoang dã như rừng nguyên sinh ở những tỉnh khác, do vậy, việc săn bắt trái phép đã làm cho số lượng các loài động vật giảm sút nghiêm trọng. Ông Võ Hoàng Lợi (xã Vĩnh Hậu A, huyện Hòa Bình) cho biết: “Trước đây, khi tôi mới về nhận khoán đất rừng thì thấy có nhiều động vật hoang dã. Bây giờ, do việc săn bắt trái phép nên chim thú giảm nhiều, chuyện nhìn thấy chồn, trăn, rắn hổ mang là rất hiếm. Trong khi những người săn động vật thì lẩn trốn, rất khó phát hiện”.
![]() |
Chồn bị bắt ở rừng phòng hộ Bạc Liêu và được mang đi bán. Ảnh: H.T |
Ngành quản lý cần có biện pháp hữu hiệu
Vì lợi nhuận, nhiều người vẫn ngang nhiên càn quét, tận diệt nguồn động vật hoang dã. Được biết, săn bắt chim thú quý hiếm là nghề hái ra tiền. Trung bình, mỗi ngày một thợ săn có thể kiếm từ vài trăm ngàn đến hàng triệu đồng tùy vào loại thú săn được. Chim, thú săn được sẽ đưa về các chợ đầu mối ở TP. Bạc Liêu. Đơn cử như ở chợ phường 1 (TP. Bạc Liêu), thực khách thích ăn thịt rừng sẽ không khó trong việc tìm mua các loại rắn, rùa, cua đinh...
Trước thực trạng động vật hoang dã bị săn bắt trái phép, ngành quản lý đã triển khai nhiều giải pháp bảo vệ. Theo ông Trần Minh Lý, Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Hồng Dân: “Công tác vận động, tuyên truyền giúp người dân hiểu được lợi ích của động vật hoang dã vẫn được huyện thực hiện thường xuyên. Song, do nhiều người dân vẫn có quan niệm “chim trời cá nước” nên việc săn bắt vẫn diễn ra. Những mô hình chăn nuôi động vật hoang dã không phải là quá khó thực hiện. Nếu ngành chức năng tiếp tục nhân rộng các mô hình này thì có thể phần nào giải quyết thực trạng săn bắt trái phép. Đồng thời ngành Kiểm lâm cũng cần tăng cường công tác tuần tra bảo vệ rừng để kịp thời phát hiện các trường hợp vi phạm và xử lý”.
Phạm Đoàn
Quy định xử phạt vi phạm về săn bắt, mua bán động vật hoang dã Trước tình trạng buôn bán động vật hoang dã ngày càng tăng, Nhà nước đã ban hành các chế tài xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi này. Tại khoản 2, Điều 12 Luật Bảo vệ và Phát triển rừng năm 2004, quy định: Nghiêm cấm những hành vi săn, bắn, bắt, bẫy, nuôi nhốt, giết mổ động vật rừng trái phép. Theo đó, luật quy định việc khai thác động vật rừng phải được phép của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và tuân theo các quy định của pháp luật về bảo tồn động vật hoang dã. Việc kinh doanh, vận chuyển, xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập, quá cảnh thực vật rừng, động vật rừng phải tuân theo quy định của pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập. Người có hành vi săn, bắn, bẫy, bắt, nuôi, nhốt, lấy dẫn xuất từ động vật rừng, giết động vật rừng trái quy định của pháp luật không thuộc trường hợp pháp luật cho phép thì bị phạt tiền đến 500 triệu đồng. Bên cạnh đó, người có hành vi vi phạm trên có thể bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả. Cùng với Luật Bảo vệ và Phát triển rừng năm 2004, tại Điều 190 Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) cũng quy định: Người nào săn, bắt, giết, vận chuyển, nuôi, nhốt, buôn bán trái phép động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ hoặc vận chuyển, buôn bán trái phép bộ phận cơ thể hoặc sản phẩm của loài động vật đó thì bị phạt tiền 50 triệu đồng và cải tạo không giam giữ đến 3 năm, hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Nếu phạm tội trong trường hợp có tổ chức; lợi dụng chức vụ, quyền hạn; sử dụng công cụ hoặc phương tiện săn bắt bị cấm; săn bắt trong khu vực bị cấm hoặc vào thời gian bị cấm; gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 2 - 7 năm. T.Q (tổng hợp) |
- Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh: Thông qua các đề án sắp xếp đơn vị hành chính
- Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam: Tập huấn công tác giảm nghèo tại Bạc Liêu
- Triển khai chỉ đạo của Ban Bí thư về lưu trữ, quản lý tài liệu trong tiến trình sắp xếp tổ chức bộ máy
- Khi lòng yêu nước được nhân lên
- Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án giao thông trọng điểm