Tham gia BHXH tự nguyện để đảm bảo chất lượng cuộc sống

Thứ Sáu, 07/05/2021 | 15:11

Số liệu thống kê về thực trạng số người không có lương hưu, trợ cấp và không được đóng bảo hiểm tai nạn lao động đã trở thành vấn đề đáng quan tâm hiện nay. Thực trạng này sẽ tác động tiêu cực đến việc thực hiện các chính sách an sinh và đảm bảo công bằng xã hội.

Thách thức cho phát triển bền vững

Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội phối hợp với Đại học Justus Liebig Giessen (Đức) vừa công bố báo cáo quốc gia Việt Nam “một xã hội đang già hóa”. Trong số 13,4 triệu người già, khoảng 64,4% không có lương hưu và trợ cấp, phải sống dựa vào con cháu, người thân hoặc tiếp tục lao động mưu sinh. Đây thật sự là nỗi lo khi tình trạng già hóa dân số đã và đang trở thành thách thức cho phát triển bền vững. Theo PGS Nguyễn Tuấn Anh - Phó khoa Xã hội học, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội, vấn đề đáng lo ngại nhất với tình trạng già hóa dân số ở Việt Nam là hiện phần lớn người cao tuổi đang phải làm việc để tạo thu nhập. Trong đó, chiếm gần 46% người từ 60 - 64 tuổi, gần 30% người từ 70 - 79 tuổi và 10% người hơn 80 tuổi vẫn phải lao động để kiếm sống.

Bên cạnh đó, nếu dựa trên chuẩn nghèo quốc gia (thu nhập dưới 1 triệu đồng/người/tháng ở nông thôn và dưới 1,3 triệu đồng ở thành thị), hiện Việt Nam có 16% người trên 60 tuổi thuộc diện nghèo.

Đáng trăn trở hơn cả là năm 2019, trong số 13,4 triệu người cao tuổi thì chỉ có 23,5% được hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội (BHXH) hàng tháng từ nguồn ngân sách nhà nước và quỹ BHXH. Trong khi đó, 64,4% người cao tuổi không có lương hưu và trợ cấp. Nghĩa là những người này phải sống dựa vào con cháu, gia đình, họ hàng hoặc phải tiếp tục lao động để mưu sinh.

Từ thực tiễn trên cho thấy, việc quan tâm tham gia BHXH tự nguyện sẽ là giải pháp cứu cánh trong việc đảm bảo cho người già khi hết tuổi lao động, hoặc không còn khả năng lao động. Không chỉ thế, tham gia BHXH tự nguyện còn là một hình thức tích lũy hữu ích, nhất là đối với lao động tự do. Qua đó, tự đầu tư và tích lũy cho tương lai của mình mà không cần vào sự hỗ trợ hay tạo ra gánh nặng cho con cháu. Chính ý nghĩa xã hội quan trọng và sự cần thiết này nên số người tham gia BHXH tự nguyện qua mỗi năm đều tăng. Chỉ trong năm 2020, đã có hơn 9.810 người tham gia BHXH tự nguyện, đạt 106,0% so với kế hoạch BHXH Việt Nam giao và tăng trên 202,2% so với cùng kỳ năm trước.

Lao động tự do - đối tượng cần tích cực tham gia BHXH tự nguyện. Trong ảnh: Lao động làm nghề biển ở huyện Hòa Bình. Ảnh: K.T

Lao động bị thiệt thòi

Theo thống kê của Bộ LĐ-TB&XH, Việt Nam hiện có 54 triệu người lao động, trong đó có khoảng 33 triệu người thuộc khu vực không có quan hệ lao động. Trên thực tế, những lao động này đang đối mặt với nhiều thiệt thòi và bất lợi so với lao động ở khu vực có quan hệ lao động.

Về tỷ lệ lao động qua đào tạo, lao động phi chính thức chỉ chiếm 14,8% và gần 70% lao động phi chính thức làm việc trong nhóm ngành là công nghiệp chế biến, chế tạo, xây dựng, dịch vụ. Đây thường là những ngành sử dụng lao động giản đơn, điều kiện lao động không bảo đảm, công việc không ổn định, năng suất lao động và tiền lương thấp.

Trong khi đó, vấn đề đảm bảo quyền tham gia và hưởng chế độ bảo hiểm tai nạn cho người lao động đã được luật hóa từ nhiều năm qua. Cụ thể, theo điểm c khoản 3 Điều 6 Luật An toàn, vệ sinh lao động, người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động có quyền tham gia và hưởng bảo hiểm tai nạn lao động theo hình thức tự nguyện do Chính phủ quy định. 

Theo Bộ LĐ-TB&XH, thống kê sổ khai tử cấp xã và điều tra từ các bệnh viện có 1.400 người chết do tai nạn lao động trong khu vực không có quan hệ lao động. Con số này cao gấp khoảng hai lần khu vực có quan hệ lao động và đang tiếp tục gia tăng. Điều này tạo ra những gánh nặng lớn cả về vật chất, tinh thần cho gia đình, xã hội, ảnh hưởng tiêu cực tới các mục tiêu phát triển bền vững của quốc gia.

Từ thực trạng trên cho thấy, việc chăm lo đến lao động tự do và giúp họ được bảo vệ là vấn đề cần được quan tâm. Muốn làm được việc này, bên cạnh việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, ban hành các chính sách hỗ trợ của ngành chức năng thì rất cần sự tích cực phối hợp của đối tượng lao động tự do trong việc tham gia BHXH tự nguyện.

Ngọc Trung (bài viết có sử dụng tư liệu của BHXH Việt Nam)

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 17/2021/QĐ-TTg quy định mức hỗ trợ học nghề đối với người lao động (NLĐ) tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Quyết định này có hiệu lực từ ngày 15/5/2021. Theo quyết định được ban hành, đối tượng và mức hỗ trợ học nghề được quy định như sau:

* Về đối tượng áp dụng gồm:

- NLĐ được hỗ trợ học nghề theo quy định tại Điều 55 Luật Việc làm;

- Cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học có đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp trình độ cao đẳng, doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức được thực hiện hoạt động giáo dục nghề nghiệp tham gia đào tạo nghề nghiệp cho NLĐ.

- Các đối tượng áp dụng khác là: Sở LĐ-TB&XH tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; cơ quan BHXH; Trung tâm Dịch vụ việc làm do cơ quan quản lý nhà nước về việc làm thành lập và các cơ quan có liên quan đến việc hỗ trợ học nghề cho NLĐ tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

Một buổi lên lớp của học viên nghề nuôi trồng thủy sản tại Trường cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Bạc Liêu. Ảnh: T.A

* Về mức hỗ trợ học nghề:

- Đối với người tham gia khóa đào tạo nghề đến 3 tháng: Mức hỗ trợ tính theo mức thu học phí của cơ sở đào tạo nghề nghiệp và thời gian học nghề thực tế nhưng tối đa không quá 4,5 triệu đồng/người/khóa đào tạo.

- Đối với người tham gia khóa đào tạo nghề trên 3 tháng: Mức hỗ trợ tính theo tháng, mức thu học phí và thời gian học nghề thực tế nhưng tối đa không quá 1,5 triệu đồng/người/tháng.

Trường hợp NLĐ tham gia khóa đào tạo nghề có những ngày lẻ không đủ tháng theo quy định của cơ sở đào tạo nghề nghiệp thì số ngày lẻ được tính theo nguyên tắc: Từ 14 ngày trở xuống tính là 0,5 tháng và từ 15 ngày trở lên được tính là 1 tháng.

Đối với NLĐ đã nộp hồ sơ đề nghị hỗ trợ học nghề trước ngày Quyết định số 17 có hiệu lực thi hành nhưng chưa có quyết định hỗ trợ học nghề thì được áp dụng mức hỗ trợ học nghề theo các quy định tại Quyết định này.

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.