Tiền và sự tha hóa

Thứ Sáu, 13/09/2019 | 17:46

Những ngày gần đây, dư luận lại dấy lên sự bất bình, lên án vụ đưa - nhận hối lộ từ đại án Mobifone mua 95% cổ phần của AVG (Công ty Cổ phần Nghe nhìn Toàn Cầu), và Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đề nghị truy tố đến 14 bị can. Điều đáng chú ý là trong số này có đến 2 cựu Bộ trưởng Bộ TT-TT lại là “đạo diễn” chính để trục lợi từ việc “lại quả” với số tiền lên đến 70 tỷ đồng.

Trong bài viết ngắn này không có ý định thông tin về vụ án nêu trên, mặt khác những thông tin về vụ án, các cơ quan báo chí cũng đã thông tin khá đầy đủ. Từ vụ án này tôi muốn “soi” vào ma lực của đồng tiền và sự tha hóa của một bộ phận cán bộ, đảng viên để cùng trăn trở và suy ngẫm…

Trong hầu hết các quyết định kỷ luật cán bộ, phần lớn đều ghi nội dung: “Vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ; cố ý làm trái các quy định của Đảng, Nhà nước, gây hậu quả nghiêm trọng, hoặc thoái hóa, biến chất…”. Nhưng tất cả đều “ẩn” bên trong đó là vì tiền - đồng tiền bất chính!

Có một nhận định rằng: Đồng tiền luôn thường trực nguy cơ tha hóa phẩm chất, nhân phẩm, làm biến đổi nhân cách con người (nhất là cán bộ có chức, có quyền) là nhận định có cơ sở. Đi liền với sự phát triển của xã hội, thì sự chi phối của đồng tiền ngày càng sâu sắc vào các mối quan hệ - nhất là các giá trị đạo đức. “Tôn sùng đồng tiền” là chất xúc tác mạnh nhất cho tệ tham ô, tham nhũng ngày càng lan rộng.

Câu châm ngôn mỉa mai: “Hy sinh đời bố, củng cố đời con” hay “Tiền là cái đà danh vọng, là cái lộng che thân”… không còn là câu châm ngôn cho vui mà đã “thấm” vào ý thức của một bộ phận người như một “lẽ sống” - nhất là những kẻ tha hóa, xem tiền là “cán cân công lý”, là bùa hộ mệnh… Vì vậy, họ không từ một thủ đoạn nào miễn có tiền. Họ xem chỗ đứng trong bộ máy Nhà nước như là nơi để trục lợi cho bản thân, tìm mọi cách chạy chọt, sẵn sàng đánh đổi, mua bán kể cả nhân phẩm, danh dự. Đây chính là động cơ cho tệ tham ô, tham nhũng lộng hành, “sinh sôi nảy nở”. Và một khi đã bị ám ảnh, lóa mắt vì đồng tiền thì không bao giờ cảm thấy đủ. Có những kẻ tham nhũng đến hàng trăm, hàng ngàn tỷ đồng, thậm chí biết trước sự trừng phạt của pháp luật, thì sức hút của đồng tiền vẫn luôn “cuốn” họ, “điều khiển” họ một cách điên cuồng bất chấp. Tha hóa bắt đầu từ đây. Tha hóa nhân cách là thói ích kỷ, tôn sùng đồng tiền, vật chất, xem tiền cao hơn mọi giá trị khác.

Có lẽ không phải ngẫu nhiên mà người ta gọi tiền là “tiền bạc”, “tiền tệ” ngay từ khi nó mới ra đời. Phải chăng vì tiền rất dễ làm con người “tệ bạc”, “bội bạc”, quên nghĩa, quên tình, đánh mất tư cách, nhân phẩm như đã nói. Nhưng “tiền bạc” cũng rất sòng phẳng “dành ra” một thứ “bạc” khác, đó là… “bạc mệnh” nếu đó là đồng tiền bất chính, bất nhân theo luật nhân - quả và không trách khỏi sự trừng phạt của “thần linh pháp quyền!”… Không ít trường hợp, đồng tiền đã làm họ bại hoại, chôn vùi nhân cách, đẩy họ xuống vực sâu khi tương lai còn phía trước…

Nhưng nói đi thì cũng nói lại. Đồng tiền, bản thân nó không hề có lỗi - nếu không muốn nói là một giá trị. Cái quan trọng là phải đặt đúng chỗ và quan niệm đúng. Làm ra đồng tiền cũng là tài năng của con người - tất nhiên là đồng tiền chân chính, lành mạnh (nghĩa là phải trong sáng và minh bạch). Đó là kết quả được kết tinh của quá trình lao động, sáng tạo. Vì vậy nó là thước đo giá trị. Bản thân đồng tiền sinh ra là để mang lại cho con người cuộc sống tốt đẹp hơn, hạnh phúc hơn.

Đảng, Nhà nước ta luôn luôn khuyến khích mọi người làm giàu chính đáng. Đất nước, dân tộc luôn nghĩ suy tìm phương kế làm cho đất nước giàu lên, thoát khỏi hình ảnh nghèo nàn, lạc hậu, phấn đấu thành “Rồng”, thành “Phụng” bằng chính tài năng, sức lực, trí tuệ của dân tộc mình…

Trở lại vấn đề tham ô, tham nhũng, tha hóa, biến chất… xem đồng tiền là “tối thượng” để rồi đánh mất mình; tuy chỉ là “con sâu làm sầu nồi canh” lẫn trong hàng ngũ cán bộ, đảng viên, nhưng là những con “sâu lớn, sâu độc” nên ít nhiều đã làm ảnh hưởng đến uy tín Đảng, Nhà nước. Niềm tin của quần chúng nhân dân vào Đảng, Nhà nước bị giảm sút bởi một số cá nhân gây ra.

Đảng, Nhà nước đã và đang quyết liệt tuyên chiến với vấn nạn tham nhũng, tiêu cực, đã có nhiều “bàn tay thép”, có nhiều “lò” đã cháy lên (thậm chí rực cháy) để thiêu đốt vấn nạn này ở mọi lúc, mọi nơi, không có vùng cấm, bất kể đó là ai… nhưng vấn nạn tham nhũng, sự tha hóa bởi đồng tiền vẫn còn ẩn hiện đây đó trong đời sống… làm cho người trung thực, liêm khiết không khỏi hổ thẹn, căm phẫn… mà 2 cựu Bộ trưởng nói ở phần trên là một ví dụ cụ thể.

***

Những ngày gian khó nhất của đất nước sau giải phóng năm 1975 - đất nước dù nghèo, nhưng nhân dân có được niềm tin và sự trân trọng của nhân dân vào cán bộ lãnh đạo. Đó là vốn tài sản, là động lực giúp đưa đất nước vượt qua gian khó để vươn lên.

Bài học ấy, có lẽ vẫn còn nguyên giá trị cho ngày hôm nay: Chỉ có đội ngũ cán bộ, đảng viên liêm chính, trung thực, có tài năng, hết lòng hết sức phục vụ nhân dân mới củng cố niềm tin của nhân dân vào Đảng.

Ngược lại, để mất niềm tin là mất tất cả!

N.N.K

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.