Đời sống - Xã hội
Vai trò của ông bà trong đời sống gia đình
Cuộc sống dù phát triển thế nào thì cũng rất cần sự hiện diện và dạy dỗ của những thế hệ “tre già” trong mỗi gia đình. Bởi ông bà có vai trò không nhỏ trong tổ ấm…
Có ông, có bà thì hơn
So với bạn bè, đồng nghiệp thì chị N.T (phường 7, TP. Bạc Liêu) được cho là “có phước” hơn cả. Khi sinh đứa con đầu lòng, mẹ chị đang là công chức Nhà nước đã quyết định xin “hưu non” (về hưu sớm) để có điều kiện chăm sóc cháu ngoại. Do ở với mẹ, nên mọi chuyện trong nhà đều được mẹ “bao trọn gói”. Chị đi làm đã có mẹ ở nhà lo cho cháu (cháu ăn uống có ngoại, dạy cháu hát, chơi trò chơi… cũng ngoại), trưa về thì có cơm canh nấu sẵn, chị chỉ việc ra sức phấn đấu cho công việc. Trong khi đó, nhiều đồng nghiệp nữ của chị N.T, hết thời gian nghỉ hậu sản phải trở lại với công việc, mà con còn nhỏ, ông bà lại ở xa nên phải thuê người giúp việc. Con nhỏ để người lạ trông giữ, nên đến cơ quan nơm nớp giờ về, sợ ở nhà con không được chăm sóc chu đáo.
![]() |
Dù ở thời đại nào thì ông bà vẫn luôn đóng vai trò rất quan trọng trong gia đình. Ảnh: N.V |
Đẩy mạnh tuyên truyền về vai trò của ông bà
“Nhận thức được vai trò quan trọng của ông bà trong gia đình, vì vậy Sở VH-TT&DL đang thực hiện tuyên truyền, phát tờ rơi đến các hộ dân, lồng ghép nội dung tuyên truyền về vai trò của ông bà trong đời sống gia đình tại các lớp tập huấn về công tác gia đình, phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, bà Nguyễn Tố Quyên, Trưởng phòng Xây dựng nếp sống và gia đình Sở VH-TT&DL cho biết.
Nội dung tuyên truyền về vai trò của ông bà trong việc nâng đỡ con cháu về vật chất và tinh thần. Cụ thể, ông bà là chỗ dựa về tinh thần để con cháu vượt qua những khó khăn trở ngại trong cuộc sống hàng ngày, không sa ngã, chệch hướng; đưa ra những lời khuyên đúng lúc, đúng mực về kinh nghiệm trong cuộc sống gia đình. Ông bà là cầu nối giữa quá khứ và hiện tại, là người truyền thụ bổ sung cho thế hệ trẻ truyền thống văn hóa gia đình. Ông bà có kinh nghiệm sống quý báu, là những tấm gương sáng về đức tính cần cù, chăm chỉ, cẩn thận, giản dị, tiết kiệm, thật thà, giàu lòng nhân ái, vị tha độ lượng.
Ngoài việc là chỗ dựa cho con cháu về nhiều mặt trong đời sống, ông bà còn giống như “người thầy” vĩ đại cho lớp trẻ. Đó là giáo dục tình yêu quê hương, đất nước thông qua những chuyện kể sinh động về người thật - việc thật qua ca dao, tục ngữ, lời ru, tiếng hát hay câu chuyện dân gian; giáo dục tình yêu cảnh sắc thiên nhiên, bảo vệ môi trường sống và những di sản văn hóa - lịch sử của cha ông để lại; giúp trẻ hiểu được hành động yêu nước đối với một công dân nhỏ tuổi là chăm chỉ học tập, lao động để trở thành con ngoan trò giỏi, cho khả năng tự làm việc nuôi sống bản thân, xây dựng xã hội; giáo dục thói quen lao động tự giác, làm việc đến nơi đến chốn, có trách nhiệm đối với những việc được phân công; giáo dục tinh thần vượt khó để chiến thắng sự chây lười từ những công việc dù đơn giản nhất như rửa chén, quét nhà… Hướng dẫn, thu hút các cháu cùng làm việc, dần dần rèn luyện tính kiên trì, tỉ mỉ, cẩn thận, thói quen và lòng quyết tâm vượt qua những trở ngại trong công việc.
Những gia đình sống theo khuôn phép kiểu xưa thường bị những người trẻ thời nay cho là “lạc mốt” trong thời buổi con người ngày càng sống phóng khoáng, tự do. Nhưng thật ra đó là suy nghĩ phiến diện, bởi những giá trị thuộc về truyền thống dân tộc luôn cần được giữ gìn và phát huy trong gia đình. Và những gia đình dạy con cháu theo kiểu “ông bà già xưa” mới chính là những gia đình giữ được bản sắc!
NGỌC VŨ