Đồng hành cùng nhà nông

Chuyển giao các mô hình sản xuất: Phải mang lại hiệu quả kinh tế

Thứ Ba, 21/11/2017 | 09:32

Mỗi năm, ngành Nông nghiệp tỉnh đầu tư hàng trăm triệu đồng cho việc nghiên cứu, chuyển giao mô hình và tập huấn kỹ thuật sản xuất cho nông dân. Tuy nhiên, điều cần quan tâm là hiệu quả kinh tế chưa đạt như mong muốn.

Nông dân huyện Hồng Dân thu hoạch cá tai tượng từ mô hình sản xuất lúa - cá. Ảnh: T.A

Năm 2016, ngành Nông nghiệp tỉnh đã nghiệm thu 6 đề tài nghiên cứu khoa học; xét duyệt thuyết minh đề cương, ký hợp đồng thực hiện 11 đề tài; triển khai hàng chục mô hình sản xuất, thu hút hàng ngàn nông dân tham gia. Đó là các mô hình: nuôi xen canh tôm càng xanh - lúa; nuôi thử nghiệm giống tôm càng xanh toàn đực; nuôi thử nghiệm hàu Thái Bình Dương; nuôi tôm thẻ chân trắng hạ giá thành bằng vi sinh kết hợp tuần hoàn với nước ao nuôi cá điêu hồng; nuôi vịt nước mặn và gà Đông tảo thuần... Đồng thời mở hơn 170 lớp tập huấn chuyên đề với 4.950 nông dân tham dự; mở 43 lớp tập huấn kỹ thuật sản xuất thu hút gần 1.000 nông dân tham gia. Riêng từ đầu năm 2017 đến nay đã mở 179 lớp tập huấn khuyến nông, thu hút trên 5.380 nông dân dự học.     

Những con số trên cho thấy việc đầu tư và thời gian dành cho việc triển khai, ứng dụng mô hình là không nhỏ. Vì vậy, các mô hình cần được phát huy hiệu quả và tránh tình trạng tập huấn, chuyển giao theo kiểu “kế hoạch” mà không tính đến nhu cầu, nhất là hiệu quả kinh tế mang lại.

Bởi, thời gian qua, nhiều mô hình đưa vào ứng dụng đã chứng minh được việc tăng năng suất, chất lượng, nhưng lại không mang lại hiệu quả kinh tế! Do vậy, nhiều đề tài nghiên cứu khoa học hay các mô hình sản xuất nhanh chóng bị “chết yểu” và không thể nhân rộng, vì sản xuất nhiều nhưng không thể tiêu thụ!? Đơn cử như mô hình nuôi cá sặc rằn (đề tài nghiên cứu khoa học), khi nông dân ứng dụng mô hình này đều bị lâm vào cảnh thua lỗ, nợ nần.

Xuất phát từ thực trạng trên, việc chuyển giao và nhân rộng các mô hình sản xuất mới cần được gắn chặt với thị trường thông qua các hợp đồng, đơn đặt hàng từ doanh nghiệp. Hay nói cách khác là chuyển từ hình thức nông dân sản xuất tự phát sang sản xuất theo nhu cầu của thị trường nhằm đảm bảo đầu ra, lợi nhuận, và từng bước xây dựng chuỗi sản xuất, góp phần hình thành mô hình sản xuất “từ cánh đồng đến nhà máy”, hoặc “từ cánh đồng đến bàn ăn”.

Thiết nghĩ, ngành Nông nghiệp tỉnh cần thay đổi cách làm trong việc tổ chức nghiên cứu, tập huấn, chuyển giao mô hình sản xuất như lâu nay, và thay vào đó là tổ chức nghiên cứu, tập huấn, chuyển giao theo nhu cầu. Làm được việc này sẽ tránh sự lãng phí vốn đầu tư của Nhà nước và cả công sức, tiền bạc của nông dân. Đây cũng là nhu cầu tất yếu trong hội nhập kinh tế toàn cầu nhằm hướng đến sản xuất hàng hóa lớn, chất lượng và truy xuất được nguồn gốc, xuất xứ thông qua chuỗi giá trị liên kết.

Hai Lúa

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.