Đồng hành cùng nhà nông

Thừa nước ngọt - thiếu nước mặn: Nông dân vùng chuyển đổi gặp khó

Thứ Hai, 05/06/2017 | 16:12

Vào những ngày này của vụ mùa năm trước, nông dân trong tỉnh phải chật vật “chắt chiu” từng giọt nước ngọt để tháo chua, rửa mặn cho đồng ruộng sau cơn đại hạn. Còn năm nay, mùa mưa đến sớm mang theo một lượng nước ngọt dồi dào. Thế nhưng, nước ngọt thừa cũng mang theo nhiều hệ lụy không kém.

Chủ tịch UBND tỉnh - Dương Thành Trung (người thứ hai từ phải sang) khảo sát thực tế tình hình sản xuất lúa - tôm tại huyện Hồng Dân.

Nông dân huyện Phước Long xây cống thủy lợi ngăn mặn phục vụ sản xuất lúa - tôm. Ảnh: C.L

Khổ vì thừa… nước ngọt

Mưa lớn liên tiếp trong những ngày qua đã làm cho độ mặn trên các tuyến kênh nằm trong vùng chuyển đổi lúa - tôm ở hai huyện Hồng Dân và Phước Long giảm xuống rất thấp. Độ mặn đo được ở các sông, rạch ở huyện Hồng Dân từ đầu năm đến nay chỉ dao động từ 2 - 5‰. Trong khi đó, điều kiện môi trường nước thuận lợi để tôm nuôi phát triển tốt lại ở mức trung bình từ 5 - 15‰.

Do thừa nước ngọt nên vụ tôm 2017, người nuôi tôm huyện Hồng Dân mới thả giống được 3.745ha. Ở huyện Phước Long, bà con xuống giống gần 9.000/10.000ha. Diện tích chưa xuống giống còn lại huyện khuyến cáo bà con không thả nuôi tôm sú hoặc tôm thẻ chân trắng mà chuyển sang nuôi tôm càng xanh để phù hợp với điều kiện thời tiết.

Song song đó, để “giải cứu” diện tích tôm nuôi đã xuống giống, Ban điều tiết nước tỉnh mở một số cống phân ranh mặn - ngọt để đưa nước mặn về vùng chuyển đổi lúa - tôm ở huyện Phước Long, Hồng Dân. Tuy nhiên, do mực nước trên sông, rạch luôn dâng cao nên lượng nước mặn không thể đi sâu vào nội đồng. Do đó, tôm nuôi của người dân ở những vùng này không thể phát triển hoặc chết sớm. Ông Quách Đồng Khởi (xã Ninh Quới, huyện Hồng Dân) bày tỏ: “Thông thường hàng năm, tôm nuôi đến giai đoạn này thì chúng tôi có thể thu hoạch và chuẩn bị vụ mới. Còn năm nay thì chẳng biết sao mà tính, bởi trời cứ mưa hoài!”.

Chuyển đổi để thích ứng

Trước tình hình thừa nước ngọt, thiếu nước mặn, ngành Nông nghiệp tỉnh đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp giúp người dân vùng chuyển đổi chủ động sản xuất. Một mặt, Sở NN&PTNT chỉ đạo cán bộ trực ban xuyên suốt và báo cáo kịp thời về Sở tình hình mực nước (mặn) trên các sông để có hướng điều tiết kịp thời. Mặt khác, phối hợp với Sở NN&PTNT các tỉnh lân cận (Cà Mau, Sóc Trăng) có giải pháp phối hợp điều tiết nước để người dân bơm nước mặn vào vuông cứu tôm. Đồng thời khuyến cáo bà con thả nuôi sớm vụ tôm càng xanh để hạn chế thiệt hại. Nhờ thông tin, định hướng kịp thời, hầu hết bà con vùng chuyển đổi đã nuôi mới vụ tôm càng xanh sớm hơn mọi năm.

Mới đây, trong chuyến khảo sát thực tế, Chủ tịch UBND tỉnh - Dương Thành Trung đã chỉ đạo huyện Phước Long, Hồng Dân cần tập trung tháo gỡ những khó khăn để nông dân yên tâm lao động sản xuất. Đồng thời chỉ đạo ngành Nông nghiệp tỉnh chủ động trong việc điều tiết nước, tranh thủ triều cường biển Tây để đưa nước mặn cho bà con nuôi tôm; hỗ trợ nguồn vốn để các huyện hoàn thành các công trình thủy lợi, thủy nông nội đồng... Các địa phương cần sớm có giải pháp giúp bà con ổn định sản xuất như: vận động nông dân xuống giống sớm vụ tôm càng xanh; tìm đầu ra sản phẩm để người dân yên tâm sản xuất, ổn định cuộc sống.

NGUYỄN CHÍ

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.